15/06/2018 15:48 GMT+7

Lợi dụng bày tỏ chính kiến để gây rối là phạm pháp

NGUYỄN VŨ
NGUYỄN VŨ

TTO - Vừa qua, tại TP.HCM và một vài địa phương, người dân đã tụ tập đông người để bày tỏ chính kiến về các dự thảo luật. Trong đó, nhiều người quá kích đã đập phá, đốt phá trụ sở cơ quan công quyền... Những hành vi này là vi phạm pháp luật.

Lợi dụng bày tỏ chính kiến để gây rối là phạm pháp - Ảnh 1.

Trụ sở Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Thuận bị các đối tượng quá khích đập phá, đốt cháy đêm 10-6 - Ảnh: B.T.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng hiện nay quyền biểu tình được Hiến pháp ghi nhận nhưng chưa có luật quy định.

Thế nên, những hoạt động tương tự biểu tình không được xem là thực hiện quyền biểu tình.

Ngoài ra những hành vi quá khích, đập phá khi "biểu tình" còn có thể vi phạm pháp luật hình sự.

Biểu tình chưa được pháp luật thừa nhận

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP.HCM, công dân có quyền bày tỏ chính kiến, phản ứng và phản biện lại các chính sách, hành động của nhà nước, tổ chức, cá nhân có nguy cơ gây phương hại đến lợi ích quốc gia và cộng đồng.

 Đó là quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Một trong những cách biểu thị quyền của công dân thành hành động đó là biểu tình.

Quyền biểu tình đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật quy định chi tiết thực hiện. Vì lẽ đó, mọi hoạt động tương tự "biểu tình" chưa xem là biểu tình hay thực hiện quyền biểu tình của công dân.

Việc tụ tập đông người như những ngày vừa qua đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự công cộng, nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn nghiêm trọng như tuyến đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, Quốc lộ 1, ảnh hưởng đến giao thương, thậm chí việc này có thể khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào Việt Nam"

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

Theo luật sư Hưng, biểu tình theo quy định pháp luật phổ biến trên thế giới là không đi kèm "bạo động" hay "bạo loạn", không dùng vũ lực, không gây phương hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác.

Luật sư Hưng cho rằng hành vi tụ tập đông người, đập phá tài sản, tấn công người khác như vừa qua xảy ra ở một số ơi là vi phạm pháp luật, tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. 

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM - cũng cho rằng lòng yêu nước của người dân Việt Nam là đáng trân quý. Vì vậy, trước một sự kiện mang tính chính trị như vừa qua, người dân muốn thể hiện, bày tỏ lòng yêu nước của mình.

Tuy nhiên do bị ảnh hưởng tác động bởi những thông tin chưa chính thống, chưa xác thực nên nhiều người đã có hành vi quá khích, vi phạm pháp luật. 

Hiện nay luật biểu tình chưa được trình Quốc hội thông qua, nên những hành động biểu tình chưa được pháp luật thừa nhận.

Theo luật sư Tuấn, việc thiết thực để thể hiện lòng yêu nước là hướng đến những điều tốt đẹp cho đất nước, hướng đến sự bình yên, độc lập, tự chủ về chủ quyền đất nước và biển đảo. 

"Có nhiều cách thể hiện tình yêu nước, thể hiện ý kiến, nhưng đừng thái quá, đừng nghe theo những lời xúi giục bạo động. Cần thể hiện lòng yêu nước một cách tỉnh táo" - luật sư Tuấn nói.

Có thể bị xử lý hình sự

Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc bày tỏ chính kiến của người dân thông qua hành vi tụ tập đông người gây mất trật tự, đập phá, đốt, hủy hoại tài sản cơ quan chính quyền, chống người thi hành công vụ… là vi phạm pháp luật.

"Suy cho cùng đó cũng là tài sản của nhân dân, nếu đốt phá hủy hoại, gây mất trật tự là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ gây ra mà xử lý trách nhiệm. Các hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Đối với những người có hành vi xúi giục, tổ chức, kích động người dân bạo loạn có thể bị xử lý hình sự về tội bạo loạn, tội phá rối an ninh…" - luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích.

Còn luật sư Hưng cho rằng cần xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ thực hiện hành vi của những người dân chân chính, lương thiện. Nếu có thì chỉ nên truy cứu hình sự đối với những người đứng đầu, tổ chức, lôi kéo, xúi giục vì mục đích chống phá.

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn cho rằng nhìn từ nhiều phía, nhà nước nên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và đưa pháp luật vào đời sống một cách minh bạch, rộng rãi cả chiều sâu lẫn chiều rộng để không tái diễn những sự việc đáng tiếc như vừa qua. 

Ngoài ra, mỗi người dân cần tự rút ra bài học quý giá từ sự hiểu và biết pháp luật, chọn lọc những thông tin chưa kiểm chứng và tự mình biết để ứng trong xã hội, thì ắt sẽ không có hành vi vi phạm pháp luật.

Khởi tố vụ gây rối, chống người thi hành công vụ tại Phan Rí Cửa

TTO - Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã ra các quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây rối trật tự, hủy hoại tài sản nhà nước và chống đối người thi hành công vụ xảy ra tại thị trấn Phan Rí Cửa.

NGUYỄN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên