Câu chuyện bi hài này là nghịch lý điển hình của việc phân cấp quản lý giao thông.
Phóng to |
Bêtông nhựa được trải xuống mặt đường đang ngập nước! - Ảnh: V.M. |
Công ty cổ phần Xây dựng công trình 512 (Đà Nẵng) trúng thầu thi công gói thầu số 1 thuộc dự án sửa chữa mặt đường, thảm bêtông nhựa quốc lộ 1A do Khu quản lý đường bộ 5 thuộc Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư.
Ngày 9-10, ông Đặng Văn Minh - giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi - khi đi trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thấy đơn vị thi công của Công ty 512 trải bêtông nhựa đường giữa lúc trời đang có mưa lớn, mặt đường sũng nước. Việc làm này hoàn toàn sai. Để đảm bảo chất lượng công trình, ông Minh đã yêu cầu công nhân ngưng thi công. Công nhân cho rằng họ làm thuê cho đơn vị thi công nên người thuê bảo sao thì làm vậy, và thế là việc trải nhựa đường trong mưa cứ tiếp tục.
Ông giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi đã chẳng thể đứng ra trực tiếp xử lý vụ vi phạm của đơn vị thi công ngay tại thời điểm vụ việc đang “nóng”. Đơn giản là bởi vướng sự phân cấp trong quản lý giao thông. “Trách nhiệm xử lý vụ này lại không thuộc thẩm quyền của sở dù việc vi phạm thi công này xảy ra trên tuyến đường qua tỉnh Quảng Ngãi. Đây là tuyến quốc lộ 1A nên trách nhiệm thuộc về Tổng cục Đường bộ VN. Mình thấy họ thi công không đảm bảo thì nhắc nhở, đề nghị ngừng thi công chứ không xử lý được!” - ông Minh nói.
Giá như ở hoàn cảnh này mà cho ông giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi có quyền xử lý thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Hồi cuối tháng 2-2011, trong chuyến công tác với ông Nguyễn Hòa Bình (nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) tại huyện miền núi Sơn Hà, ông Minh cũng phát hiện một đơn vị thi công ẩu khi trải nhựa đường... trên bùn trong lúc mưa lớn. Ông Minh đã chỉ đạo ngừng thi công toàn bộ công trình và đơn vị thi công sau đó bị buộc phải đào lên, làm lại đoạn đường này.
Kể ra câu chuyện này để thấy rằng kiểu phân cấp trong xử lý và quản lý giao thông như hiện nay của ngành giao thông còn nhiều bất cập. Tại sao không để các vị quản lý đầu ngành giao thông của mỗi địa phương “tự xử” đối với các vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng tới chất lượng các công trình giao thông? Nếu làm được như vậy thì có thể những kiểu thi công ẩu sẽ được xử lý kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận