21/11/2011 08:31 GMT+7

Lời chào phà Thủ Thiêm - Kỳ cuối: Cuộc chuyển giao lịch sử

MAI LÂM - VIỄN SỰ
MAI LÂM - VIỄN SỰ

TT - Phà Thủ Thiêm sắp ngừng chạy cũng là lúc hầm Thủ Thiêm thông xe. Cũng là một công trình nối trung tâm Sài Gòn với Thủ Thiêm nhưng trăm năm trước, phà Thủ Thiêm ra đời chỉ với một mơ ước bé mọn: để đời sống của một Thủ Thiêm thôn dã bớt tách biệt với Sài Gòn.

Read this on Tuoitrenews.vn

Còn nay hầm Thủ Thiêm đang làm công việc mà nhiều thế hệ từng ấp ủ: nối trung tâm Sài Gòn với một vùng đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại.

AUCNj1El.jpgPhóng to
Sau cuộc chuyển giao lịch sử, khoảng cách giữa Thủ Thiêm hoang sơ và trung tâm TP.HCM sẽ dần được rút ngắn - Ảnh: T.T.D.

Giấc mơ trăm năm

Không phải đợi đến bây giờ các nhà khoa học, nhà quản lý mới nghĩ đến chuyện xây dựng chiến lược phát triển tại khu vực bán đảo Thủ Thiêm. Năm 1911, dù Thủ Thiêm chỉ là một bến đò nhỏ nhưng người Pháp đã trang trọng đánh dấu chữ BAC (bến phà) vào tấm bản đồ Environs de Saigon.

Hai thập kỷ sau, khi toàn bộ vùng Thủ Thiêm vẫn còn là đồng hoang, chòi lá lụp xụp, rải rác thì con đường lộ nối từ bến phà dọc đường Lương Định Của bây giờ đã được láng rộng để ôtô có thể tới lui, vì vùng bán đảo hoang vu này chính là điểm nối gần nhất giữa Sài Gòn và vùng phụ cận giáp với Vũng Tàu, Biên Hòa.

Ý tưởng phôi thai về một đô thị mới cặp theo hữu ngạn sông Sài Gòn, đối diện với quận 1 cũng đã ra đời vào năm 1968 khi Cơ quan Phát triển quốc tế Việt Nam (miền nam Việt Nam) lần đầu tiên khảo sát và lập kế hoạch phát triển bán đảo Thủ Thiêm. Đến năm 1971, các nhà khoa học, bao gồm kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà kinh tế, chuyên viên vận tải dưới chế độ cũ một lần nữa vạch ra kế hoạch chi tiết hơn. Kế hoạch này đề ra lộ trình phát triển Thủ Thiêm với tiến độ chậm, trong vòng từ 20-30 năm, phù hợp với nguồn tài chính và vị thế chính trị của chính quyền thời bấy giờ.

Lúc đó các nhà nghiên cứu đô thị đã dự đoán 30 năm sau, tính mốc từ năm 1971, dân số Sài Gòn sẽ tăng từ 3,5 triệu lên 9 triệu người. Do vậy, diện tích của Sài Gòn sẽ phải tăng 3-8 lần hoặc hơn mới đủ sức chứa. Nhiều giải pháp nới rộng phạm vi Sài Gòn đã được đặt ra và ba trong số đó được chọn để nghiên cứu.

Cả ba giải pháp này đều nhắc tới sự phát triển bán đảo Thủ Thiêm. Họ cho rằng mặc dù bán đảo Thủ Thiêm có sự ngăn trở bởi sông Sài Gòn, nhưng lại có mối liên quan hữu ích về thời gian, khoảng cách với chợ Bến Thành và khu trung tâm hiện hữu của TP. Đặc biệt khi những chiếc cầu được xây xong, không nơi nào có thể bì kịp tiềm năng phát triển của Thủ Thiêm.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhường chỗ cho những vấn đề cấp bách hơn của TP, một thời gian dài Thủ Thiêm chìm trong giấc ngủ sâu. Mãi đến tháng 2-1996, trong buổi làm việc với UBND TP.HCM, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: Phát triển các khu đô thị mới ở ngoại vi TP là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện từ nay đến năm 2010, trong đó tập trung cải tạo trung tâm cũ gắn kết với trung tâm mới hiện đại ở Thủ Thiêm.

Và Thủ Thiêm bắt đầu được đánh thức khi tháng 6-1996, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Món nợ ân tình

Nhớ ngày khánh thành cầu Thủ Thiêm, chạy xe cà rề ở mấy quán cà phê, bún riêu, cháo lòng lề đường quận 2, tới đâu cũng nghe bà con hỏi nhau một câu: Đi coi cầu chưa? Chị bán cháo lòng sáng giờ mắc bán thì hẹn: “Ráng bán cho hết để chiều nói thằng con chở lên cầu chơi”. Làm như ai chưa đi thì coi như lỡ mất một chuyện hay.

Rồi tới ngày thông xe cầu Phú Mỹ, tôi đã chứng kiến cảnh vợ chồng, con cái của dì Tư cho thuê nhà trọ ở đường 27, phường An Khánh tíu tít hẹn nhau lên cầu, đứng nghiêm chỉnh, tươi cười chụp một tấm hình mới yên bụng. Ngày lai dắt các đốt hầm Thủ Thiêm, dân Thủ Thiêm kéo ra đứng chật đường bờ sông. Mấy quán cà phê cóc ven sông tha hồ mà đông khách. Sáng sớm, ai nấy ra kêu ly nước rồi ngồi coi từ sáng tới trưa. Có chị bán quán mặc đồ bộ, đội nón lá, có anh công nhân làm nghề gõ gỉ tàu vận độc quần xà lỏn, tướng tá coi quê trớt cũng ráng chen lên hàng trên, móc điện thoại chụp hình. Có người còn chạy xe máy đi theo tàu. Ai cũng khen sao mà hay thiệt, cái hầm vừa bự, vừa nặng mà dắt nó chui luồn dưới sông, chui qua cầu, quẹo cua cái một.

Mới rồi Thành ủy TP.HCM tổ chức chuyến tham quan các công trình trọng điểm của TP. Một số người dân cố cựu trên đất Thủ Thiêm được mời tham gia. Bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ tổ 41, ấp Cây Bàng 3, phường Thủ Thiêm, quận 2) hồ hởi kể: “Bữa đó 3 rưỡi sáng tui dậy uống cà phê, 5 giờ ngồi xe ôm ra Quận ủy rồi đi xuống Thành ủy. Tui được chui xuống đốt hầm số 1. Ôi thôi là rộng! Lúc đứng dưới đó, hướng dẫn viên nói là đang đứng ở độ sâu 29m so với mặt nước. Sâu vậy mà trong đó khô queo, hổng lọt vô miếng nước nào, mà không khí thì cũng thoáng, hổng ngộp mới hay chớ”.

Bà Thảo đã di dời khỏi Thủ Thiêm được hai năm. Nền nhà, miếng vườn giờ còn mấy bụi bông trang, mấy hàng chuối sứ bị gió quật tả tơi. Ngồi xuống chạm tay vào mớ kèo cột còn bỏ lại, bà tần ngần: “Hôm bữa dỡ nhà, mấy đứa nhỏ phải leo lên dỡ nguyên cái tổ mối bự bằng cái nón bảo hiểm đóng trên nóc nhà. Cái nhà bằng tuổi tui lận mà. Dỡ một cái cột là tui buồn một chút, dỡ thêm một miếng gạch, tui lại buồn thêm chút nữa. Tui kêu thợ vô chụp hình để mai mốt còn có cái mà coi, cả bốn đời nhà mình đã ở đây rồi...”.

Những con người hồ hởi, hồn nhiên với niềm vui có cây cầu mới, cái hầm mới đó cũng chính là những con người mà mới đây thôi đã khóc, đã buồn vì phải xa miếng đất, mảnh vườn, cái nhà đã gắn bó bao đời. Họ cũng đang đối mặt với những thay đổi to lớn trong đời: cuộc sống mới, chỗ ở mới, việc làm mới.

Để có điều kiện xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ba phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh sẽ phải giải tỏa trắng, hai phường Bình Khánh, Bình An, quận 2 phải giải tỏa một phần. Buồn đó, nhớ đó, khúc mắc có khi vẫn còn đó, nhưng hay một cái là họ vẫn không giận mấy cây cầu hay cái hầm, không ghét bỏ khu đô thị mới, không hờn giận tương lai.

Và ngày chia xa bến phà trăm tuổi, chia xa Thủ Thiêm thôn dã, trên những cây cầu mới, đường hầm mới và mai này là đô thị mới dù không khắc một tên ai, nhưng nói như ông Tất Thành Cang, bí thư quận ủy kiêm chủ tịch UBND quận 2, thì: “Trong sự thay da đổi thịt ấy có sự hi sinh, có ân tình của bà con ở đây. Đó là điều mà các thế hệ lãnh đạo quận sau này, những người được sống trên khu đô thị mới phải luôn ghi nhớ”.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

Đón đọc số tới:

Lặn lội cá đồng

“Cá đồng” - chỉ cần nhắc đến hai chữ đó, người ta đã thấy cả một trời ký ức của thời “trên cơm dưới cá” ở chốn Tây Nam bộ. Còn bây giờ mùa nước nổi và câu chuyện tôm cá trên đồng ruộng miền Tây như thế nào?

MAI LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên