20/11/2011 09:18 GMT+7

Lời chào phà Thủ Thiêm - Kỳ 4: Cất một nỗi nhớ

MAI LÂM - VIỄN SỰ
MAI LÂM - VIỄN SỰ

TT - Đến giờ này báo chí liên tục đăng tin về chuyện bến phà Thủ Thiêm sắp đóng cửa. Tất cả đang dần ở lại phía sau lưng. Đột ngột hỏi về bến nước, con phà ngày xưa, nhiều người chợt nhận ra mình phải khó nhọc lục tìm từng mảng ký ức đã bị thời gian và những cuộc mưu sinh làm cho mờ nhòa, khuất lấp.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

LhPePPhH.jpgPhóng to
Bà Thủy và chiếc máy ảnh nén lại những ký ức về Thủ Thiêm - Ảnh: THANH TƯƠNG

May thay vẫn còn có một người đàn bà đang từng ngày âm thầm cất giữ những gì sắp mất đi theo cách riêng của mình. Bà làm nghề bán bóng đèn ở ngay bến phà Thủ Thiêm.

“Nhiếp ảnh gia” đặc biệt

Cả năm trời nay, nếu để ý một chút khách quen của tiệm bóng đèn Điện Quang nằm trên đường Lương Định Của, quận 2, sát ngay cổng bến phà Thủ Thiêm của vợ chồng ông Trần Thanh Tương và bà Nguyễn Thị Thu Thủy sẽ nhận ra một sự lạ. Trời vừa bảnh mắt, bà Thủy đã tranh thủ làm đồ ăn sáng cho chồng và các con. Phần mình, uống xong ly cà phê, đội lên đầu cái nón lá, vận bộ bà ba đen, xỏ đôi dép lê, bà dắt chiếc xe đạp ra cửa. Trong giỏ xe là một cái bọc lùm lùm có phủ tờ báo phía trên. Trong bọc là cái máy ảnh hiệu Canon 550D kèm ống kính 18 - 135 mà không ai nghĩ một bà già có ngày lại xài tới.

Lộ trình của bà không mấy khi thay đổi. Thường thì bà dạo một vòng ra mé bờ sông, phía ngược lên phường An Lợi Đông rồi trở lại bến phà. Mua một vé lên phà, bà trở thành hành khách đặc biệt. Đặc biệt vì phà cập bến mà người phụ nữ có dáng người đậm đà, vai đeo máy ảnh ấy không chịu lên bờ. Chọn cho mình một góc riêng, bà lặng lẽ bấm máy.

Bà chụp đủ kiểu: từ cảnh anh ba gác ráng hết sức đẩy xe lên cầu phà, chị bán chổi lông gà hấp tấp đạp xe lên phà rồi rón rén thu vén cho mớ chổi của mình không chiếm quá nhiều diện tích để nhường chỗ cho một anh xe máy vừa trờ tới. Cảnh phà “hột vịt” phăm phăm rẽ nước hay cảnh sông nước yên bình với một chiếc ghe trái cây đầy ắp đang chạy trên sông. Nhiều người thấy lạ.

Có người hỏi: “Phà có gì mà chụp?”. Thây kệ! Bà vẫn làm công việc của mình. Mỗi lần lên phà, bà thường qua sông chừng 5-7 chuyến mới chịu rời bước. Có lần để rình chụp cho được cảnh chuyến phà đón bình minh, bà phải canh đến mấy ngày, ráng làm sao bắt được những tia nắng đầu tiên của ngày mới.

Những tấm hình bà chụp dường như biết kể chuyện. Nhìn tấm hình chụp từ phía lưng anh thủy thủ, tay còn đeo găng, đang cần mẫn đứng ở mũi phà chờ cập bến, người xem hình dung ra cảnh anh sẽ xăng xái nhảy lên bờ kéo dây cho phà cập bến. Nhìn tấm hình một anh thủy thủ khác đứng dưới bến, ngóng theo con phà vừa rời mé nước, người coi hình dường như đọc được tình cảm của anh gửi theo từng chuyến phà... nhìn lại tất cả những tấm hình kể chuyện con phà, người ta sẽ thấy bà Thủy có một mối tình sâu nặng với nó...

Mới chưa tròn năm, hơn 10.000 tấm hình về con phà, về cuộc sống Thủ Thiêm những ngày sắp sửa chia xa đã được bà Thủy chất đầy máy tính.

Đóng gói kỷ niệm

Tiệm bóng đèn của bà những ngày này đã vắng khách. Tủ hàng đầy ắp ngày nào giờ chỉ còn lèo tèo vài món. Mấy cục pin sạc, bóng đèn, tăng phô điện tử, con chuột, vài cái vợt muỗi đóng trong bịch nilông treo trên tường bám đầy bụi. Hàng xóm xung quanh đã di dời gần hết. Chuyện mở cửa bán hàng dường như chỉ còn là cái cớ để hai vợ chồng bà núm níu từng chút thời gian được ở lại với bến nước và những chuyến phà.

Bà Thủy nói: “Mỗi ngày trôi đi thấy Thủ Thiêm đang thay đổi chóng mặt, thấy những gì gắn với kỷ niệm đang mất dần nên tui phát hoảng. Phải lưu giữ lại những ký ức về vùng đất này cho con cháu mình biết chớ. Vậy là tui gom tiền, điện thoại cho thằng em, biểu nó dắt ra tiệm bán máy hình, rinh về cái máy hai mươi mấy triệu đồng. Bữa đó mua máy xong, trong túi tui còn có 20.000 đồng chẵn”.

Nói nào cho ngay, từ hồi 14, 15 tuổi bà đã võ vẽ biết xài máy hình tự động. Nhưng giờ cầm cái máy chuyên nghiệp bà cũng hoang mang. Ngẫm nghĩ một hồi, bà lại dắt xe đạp, xuống phà qua bên quận 1 vô nhà sách, thấy sách gì dạy về chụp hình là mua. Bà Thủy cười: “Mình dân “ba rọi” mà, xách máy chuyên nghiệp đi chụp một chút là lòi cái đuôi dốt ra. Vậy là vừa đọc sách, vừa điện hỏi thằng em chỗ nào không hiểu”.

Dần dà, người phụ nữ về hưu đã hơn chục năm, tưởng chừng chỉ còn biết nấu cơm, rửa chén, đưa con đi học và ngồi bán bóng đèn giờ bắt đầu rành rẽ với những thuật ngữ như khẩu độ, tốc độ, ánh sáng...

Sắm máy hình rồi, đi đâu bà cũng đem theo. Mấy bữa đi chợ, đi làm hàng bông (làm hoa giả), bà cũng gói máy hình vô bọc nilông rồi ngụy trang dưới mớ đồ linh tinh treo trên cổ xe. Hình chụp về, bà bảo con trai dạy cách lưu vào máy vi tính. Ban đầu bà nhờ con cắt cúp ảnh, chỉnh sáng bằng chương trình photoshop. Sau thấy nó bận học, mỗi lần nhờ lại phiền con nên bà lên mạng tự mày mò.

Bây giờ, dù vẫn gõ máy tính kiểu “cò mổ” bằng hai ngón tay nhưng bà đã rành rẽ cách đổ hình, lưu file, chỉnh ảnh. Với bà, mỗi một tấm hình là một nỗi nhớ được cất lại. Sau một thời gian miệt mài tự học và sáng tác, bà đã có trong tay khoảng 10.000 ảnh đẹp về con người, cảnh vật, những di tích văn hóa của vùng đất Thủ Thiêm.

Bà tâm sự: “Nhiều khi đi đường, bắt gặp khoảnh khắc nào hay hay, tui lại dừng xe chụp”. Đang ngồi uống trà đá ở quán nước gần bến phà, dưới gốc bàng, bà chụp được cảnh một người chạy xe ba gác đang oằn lưng chở nặng. Đang lang thang dọc ấp Cây Bàng, bà bắt gặp một gia đình đang dọn đồ dời nhà. Tất cả những thứ mà gia đình có được gói tròn trong một chiếc xe tải nhỏ.

Qua những bức hình của bà, một Thủ Thiêm cần mẫn, chịu thương chịu khó được phát hiện, bắt lấy và nén lại. Mai mốt đây, khi khu đô thị mới hình thành, lỡ mà người ta có quên, những tấm hình này của bà sẽ nhắc nhớ. Được ngày vui đâu thể quên những tháng năm ngược xuôi, bà nói vậy đó.

Cho tới bây giờ bà Thủy vẫn nhớ như in hồi thằng Hải Âu, con trai bà, còn nhỏ. Hồi đó bà đi làm bên kia sông. Chiều chiều, ông Tương bồng thằng Hải Âu ra đứng ở bến phà chờ mẹ. Bước xuống phà, bà quên hết mệt nhọc, thấy mình đang về gần chồng, gần con, thấy mình như sắp chạm được vào bàn tay nhỏ xíu, xinh xinh của con đang đưa về phía mẹ đòi ẵm. Tới khi thằng Hải Âu lên đại học, cũng con phà này vợ chồng bà đưa con qua bên kia sông đón xe buýt.

Hồi còn con gái, tại bến phà này, vào những đêm trăng bà ra cầu phao gánh nước. Để tới bây giờ, cháu ngoại của bà, bé Lý Gia Phúc, mới 5 tuổi cũng thích đi phà. Mỗi lần qua thăm ngoại, bé lại nói với ba: “Ba đi đường phà cho con coi tàu. Mà ba đi phà lớn à nghen, con thích!”.

--------------------------------------------------

Có buồn, có tiếc nuối, còn cả khúc mắc ngày rời Thủ Thiêm. Nhưng khi mỗi cây cầu, cái hầm được xây nên để không thấy ai giận, ai trách mà ai cũng mừng, cũng háo hức vì Thủ Thiêm đang trở mình từ vùng thôn dã sang một đô thị mới.

Kỳ tới:Cuộc chuyển giao lịch sử

MAI LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên