Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1:
Phóng to |
Phà Thủ Thiêm những ngày vừa thống nhất đất nước, khi đó bên bờ Thủ Thiêm còn rất nhiều nhà sàn và dừa nước dày đặc - Ảnh tư liệu |
Bạc lẻ đi phà
4g sáng, tiếng tháo xích lích kích ở cổng phà vang lên, vài xe ba gác, mấy chiếc xe máy, hai ba người đi bộ vội vã bước lên phà. Chuyến phà đầu ngày, như thường lệ chỉ lác đác chục khách đi phà. Lái phà Nguyễn Thanh Hùng vừa kéo hồi còi hụ thật dài báo hiệu phà rời bến vừa nói: “Hồi trước thì chạy thâu đêm, giờ ít khách nên 4g sáng mới chạy. Dù sao bà con đi lại quen giờ, mình đâu bỏ được”.
23g50, lái phà Nguyễn Thanh Hùng cho phà không tải chạy từ phía Thủ Thiêm sang quận 1 đón người khách cuối cùng. Chuyến phà cuối cùng ấy số khách đếm không đủ bàn tay. Nhưng ông Nguyễn Công Dân - phó giám đốc bến phà Thủ Thiêm - khẳng định: “Chừng nào có lệnh thì nghỉ, còn giờ một khách phà cũng qua rước”. Ông Dân cho biết dù từ 0g-4g sáng phà ngưng chạy nhưng lúc nào cũng có nhân viên lái phà, thủy thủ, thợ máy trực. “Anh em thỉnh thoảng vẫn gặp những trường hợp cấp cứu, sinh nở qua phà, lúc đó bất kể giờ nào anh em cũng nổ máy đưa qua sông và không lấy tiền” - lái phà Nguyễn Thanh Hùng kể. |
Ở giữa phà, bà Tư cùng đứa cháu đang sửa lại nắp hai thùng cá đồng đưa sang chợ Tân Định bỏ sỉ. Nhà bà Tư ở ấp Bình Lợi (Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), đã hơn 30 năm nay ngày nào bà cũng đi phà vào giờ này để mang cá vào trung tâm thành phố kịp buổi chợ sớm. Bà Tư thủng thẳng: “Có con phà này tui ngủ thẳng giấc hơn chút đỉnh, nhớ hồi cầu phà bị tung sập, nghỉ chạy đâu chục bữa, đi vòng qua cầu Sài Gòn xa lắc, vô tới nơi bạn hàng bỏ mối hết trơn”.
Bà Tư có lẽ là một trong những chứng nhân miệt mài nhất về sự tận tụy của phà Thủ Thiêm từ những ngày sau giải phóng, khi đi phà từ hồi giá vé có 1 đồng rồi tăng dần đến 1.000 đồng như bây giờ. Có điều khác với những thứ tăng giá khác, giá vé phà có tăng bà Tư cũng chẳng chút phàn nàn, bà chỉ nói: “Mà lạ, cái gì tăng hết trơn rồi mới tới vé qua phà” - như đúc kết cái điều lạ lùng nhất của cả một quãng thời gian đi phà của mình.
Câu chuyện giá vé đi phà rẻ bèo không chỉ có ở thời bà Tư mà hình như từ thuở có phà, trước nữa là đò ngang, vé phà đò qua lại giữa hai bờ Thủ Thiêm - Sài Gòn rẻ đến mức khó thể rẻ hơn. Ông cụ Nguyễn Văn Đồ, nay đã 80 tuổi, ở số 19 Lương Định Của, sát nách bến phà, cũng kể: “Hồi 60 năm trước, tui từ Cần Giuộc lên đây làm thợ hồ giá cũng rẻ như giờ”. Lâu quá, ông Đồ chẳng nhớ hồi đó giá bao nhiêu đồng bạc kẽm, nhưng mà nhớ giá đi phà chỉ bằng nửa giá cái bánh tiêu, bánh bò mà bọn con nít đội bán hai đầu bến.
Ký ức của ông Đồ cũng rõ mồn một về những ngày chớm tết, khi phà Thủ Thiêm đã là “cứu cánh” cho cả trăm vườn mai từ An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm... đưa sang Sài Gòn bán tết. “Úi, đông lắm à, kẹt xe còn hơn bây giờ. Lối đường Nguyễn Tường Tam (tức đường Lương Định Của bây giờ - PV) từ bến phà người đi bộ, xe ba gác, xe 67 hà rầm, gánh hàng bông chờ phà tới nửa cây số”. Kể lại, trong mắt ông Đồ dường như vẫn còn nguyên sự náo nức như đoàn dân nghèo từ Thủ Đức, Nhơn Trạch nhờ con phà mà tiện đường nối nhau vào Sài Gòn sắm tết năm nào.
Nối nhịp giao thương
Ông Đồ, bà Tư và bao nhiêu người dân nghèo phía Thủ Thiêm mỗi khi nhắc đến phà Thủ Thiêm vẫn nói bằng một giọng lẫn ít nhiều sự hàm ơn. Ký ức của họ về con phà có thể chỉ gói ghém trong những mớ cá bán được giá, những ngày tết náo nức được gần hơn với phố xá năm nào. Nhưng rộng hơn, với cả đất Sài Gòn và miền Đông, đã từ trăm năm, phà Thủ Thiêm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nối nhịp giao thương.
Bà Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi), nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Cam (nay là Trường THCS Thủ Thiêm), kể năm 1947 khi mới 12 tuổi, mỗi ngày qua phà Thủ Thiêm để đi học bà vẫn còn nhớ “bước chân khỏi phà là đi đâu cũng tiện hết trơn”. Rời khỏi phà, từ bến Chợ Cũ ở góc đường Hàm Nghi bây giờ hay từ đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) chỉ bước thêm chút ít là tới ga xe lửa Bến Thành để về Mỹ Tho, ra Biên Hòa. Bà Thảo cũng nhớ mỗi khi nhà có đám hay gần tết, bà lại theo những chuyến xe điện nối từ bến phà lên chợ Nancy, Chợ Lớn để mua vải vóc hay đồ làm đám cúng quảy rất tiện.
Ông Hải Đường, một nhà nghiên cứu văn hóa về Sài Gòn, nhận định đã có gần nửa thế kỷ, ít nhất cho đến năm 1964 khi cầu Sài Gòn được xây, phà Thủ Thiêm và những chiếc đò ngang bé nhỏ đã đóng vai trò là cửa ngõ của Sài Gòn. Khi đó từ bến phà có những con đường ngắn nhất nối Sài Gòn đến Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vũng Tàu. Cùng với vai trò khai mở nên vùng đất mới, phà Thủ Thiêm từ những năm đầu thế kỷ khi dân cư còn thưa thớt đã được người Pháp nhìn ra vị thế đắc địa về quân sự khi cho tu bổ con đường nối thẳng từ phà Thủ Thiêm đến Cát Lái, qua những đồn điền cao su Nhơn Trạch đổ ra hướng Vũng Tàu để xe hơi có thể chạy được. Khi đó, ngoài việc giao thương, Pháp còn sử dụng phà Thủ Thiêm và trục đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định bây giờ làm đường tải thương, vận chuyển quân nhu cho thành Cát Lái.
100 năm, phà Thủ Thiêm đã chở không biết bao cuộc mưu sinh, chưa bao giờ bỏ lại ai, kể cả những người nghèo nhất trên đường tìm kế sinh nhai. Bởi vậy những ngày sắp khép lại sứ mệnh của con phà lịch sử này, bên cạnh niềm vui về một công trình mới - hầm Thủ Thiêm sắp sửa thông xe - còn có cả nỗi âu lo và hoài tiếc. Như bà Tư bán cá cứ thắc mắc với những nhân viên phà: “Xe cá của tui, xe đạp của mấy bà bạn ve chai, chổi lông gà có được qua hầm hay phải đi đường vòng mấy chú?”. Hay như bà Thảo cứ tuần hai lượt lại đón xe ôm từ nhà mới để được đi lại trên bến phà. Còn ông cụ Đồ đã lọm khọm, cứ mỗi chiều lại bắc ghế ra ngó chơi con phà, lo mai mốt về khu tái định cư không còn sức trở lại...
Mà Sài Gòn thì nhiều lắm những người gồng gánh mưu sinh như bà Tư bán cá còn cần đến phà Thủ Thiêm. Và chắc còn nhiều hơn những người hoài tiếc bến phà xưa như bà Thảo, ông Đồ...
__________
Từ đò chèo đến phà máy, để có những chuyến phà an toàn và hiện đại như hôm nay đã có nước mắt, mồ hôi và cả máu... của nhiều người đổ xuống.
Kỳ tới: Trầm nổi đời phà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận