09/12/2010 09:57 GMT+7

Lời cảnh tỉnh cho đào tạo tại chức

MINH TOÀN
MINH TOÀN

TT - Trong hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ trước chủ trương không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước của Đà Nẵng, bên cạnh việc tranh luận đúng sai, rất nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là hồi chuông cảnh báo thật sự đối với chất lượng đào tạo hệ tại chức.

N1Y4AY0n.jpgPhóng to

Giờ học buổi tối của sinh viên tại chức ngành kinh tế do một cơ sở ĐH của Hà Nội tổ chức ở TP Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

* Khu vực công là nơi cần người tài hơn bất cứ đâu. Các nước phát triển trên thế giới rất coi trọng việc tuyển dụng vào khu vực này, điển hình như Hàn Quốc và Singapore. Không một chính sách nào có thể đảm bảo công bằng 100%. Vẫn có những người học tại chức nhưng năng lực tốt hơn học chính quy. Tuy nhiên xét theo tình hình giáo dục ở Việt Nam hiện nay, con số đó không nhiều. Đánh đổi giữa việc bỏ sót một vài nhân tài (tại chức) với việc giải quyết những vấn đề khác (nhờ quan hệ để xin việc...) cũng đáng. Còn muốn giải quyết bất công triệt để chắc còn rất lâu.

Hien Le

* Tôi từng dạy hệ tại chức và nay là lãnh đạo một phòng nhân sự, tôi hiểu thế nào là trình độ của những người học tại chức. Tất nhiên thực tế có người học tại chức vẫn được đề bạt vì họ có trải nghiệm cuộc sống nhưng để làm chuyên môn lại là chuyện khác... Vì vậy, chủ trương này của Đà Nẵng là tốt để ngành giáo dục nên xem lại chất lượng các hình thức đào tạo, làm sao để người tốt nghiệp đại học phải khác với người không được đào tạo đại học. Khi đó đất nước mới phát triển được.

Nguyễn Đức Hùng

* Quyết định trên của TP Đà Nẵng mới nghe qua có vẻ rất... ngang, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay khi giáo dục tại chức thật sự xuống cấp thì quyết định này là trong sáng, đúng đắn, mạnh mẽ, quyết đoán, dũng cảm. Như lời ông trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đây là hồi chuông cảnh tỉnh với giáo dục tại chức là vô cùng chính xác. Tuy nhiên, Đà Nẵng nên xem xét thời hạn thu hồi quyết định này, đồng thời trong phạm vi giáo dục Đà Nẵng các vị cần cải tổ mạnh mẽ đào tạo tại chức...

Vũ Thành Chung

* Trước kia hệ tại chức là đào tao cho những cán bộ ưu tú mà chưa có điều kiện nâng cao kiến thức, còn sau bao cấp thì loại hình này trở thành “hợp lý hóa bằng cấp cho một số người yếu kém về năng lực nhưng có điều kiện đóng học phí”. Chính vì vậy trong làn họp Quốc hội có đại biểu đã phát biểu “cần xem lại chất lượng của loại hình này” cầ thiết nên dẹp bỏ, thế mà người ta lại tỉnh bơ phớt lờ coi đó là “nồi cơm của các trường”.

Phan Viết Thao

* Tôi hoàn toàn ủng hộ cách tuyển chọn công chức của TP Đà Nẵng. Bởi với tình trạng đào tạo hiện nay thì tấm bằng tại chức có chất lượng rất thấp, đa số người phải học tại chức là thi trượt đại học, điểm thi chỉ đạt một nửa điểm sàn nên không học đại học. Thậm chí có người khi còn học phổ thông bố mẹ đầu tư cho học đủ kiểu nhưng thi đại học chính quy ba môn đạt một điểm do có quen biết được nhét vào các cơ quan làm việc và trong vòng 5-7 năm vừa làm túi bụi mà còn tốt nghiệp được ba bốn bằng đại học tại chức, thậm chí cả bằng thạc sĩ nữa nên chúng ta co thể hiểu được chất lượng của tấm bằng tại chức.

Hoàng Minh

* Nhiều người lo lắng việc các cơ quan nhà nước không tuyển dụng sinh viên hệ tại chức sẽ dẫn đến loại bỏ hình thức đào tạo này. Chính lo lắng này lại phần nào phản ánh chất lượng của đào tạo tại chức. Bởi đâu chỉ có cơ quan nhà nước mới tuyển nhân sự. Các công ty, doanh nghiệp tư nhân hằng ngày vẫn tuyển nhân sự. Nhưng tại sao cơ quan nhà nước không nhận sản phẩm đào tạo của tại chức thì loại hình này lại bỏ? Phải chăng từ trước đến nay chỉ có cơ quan nhà nước mới chấp nhận những sản phẩm đào tạo như thế?

Lê Thị Kim Chung

* Quy định của chính quyền Đã Nẵng mang ý nghĩa “cảnh báo” đối với nền giáo dục đại học nước nhà hơn là thực tế. Bởi vì, quy định này chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh quản lý, mà số biên chế bổ sung hằng năm ở các cơ quan này không nhiều, số người đến tuổi nghỉ hưu cũng có mức độ chứ đâu phải đùng một cái là thay đổi tất cả.

Vì sao chất lượng thấp?

Đào tạo tại chức là hình thức đào tạo linh hoạt phù hợp cho các học viên có nhiều điều kiện khác nhau. Do đó phải xác định đây là hình thức cần thiết tồn tại trong một xã hội học tập. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy nhiều khóa sinh viên hệ tại chức, tôi nhận thấy nội dung và cách đánh giá chất lượng của các lớp tại chức còn nhiều vấn đề.

Đầu tiên, chương trình đào tạo thực bị cắt xén quá nhiều về số môn học lẫn số tiết học (có thể trong báo cáo các trường thể hiện đầy đủ). Giảng viên có tâm lý đánh giá thấp học viên và cho rằng học viên ít thời gian nên thường “chủ động” giảm số tiết giảng dạy, hơn nữa giảng viên dạy ban ngày đã quá mệt rồi.

Về phía học viên, đa số đi làm ban ngày đã mệt nên thường hiện diện vào những tiết đầu để biết học môn gì, điều kiện thi cuối kỳ ra sao và vào những tiết cuối để xem thầy giới hạn thi chương nào. Một số học viên có quan niệm không đúng là mình học tại chức nên không cần đào sâu nghiên cứu. Đặc biệt, các trung tâm hợp tác đào tạo không muốn mất học viên nên thường dễ dãi trong đánh giá kết quả học tập. Điều này nhiều người thấy nhưng thường không nói ra, nhất là người học.

Chúng ta không cực đoan khi đánh giá văn bằng loại nào. Tuy nhiên, đến khi nào chúng ta nghiêm túc quản lý quá trình đào tạo và phương pháp đánh giá (bài thi, kiểm tra trình độ như nhau) thì hai bằng cấp tại chức và chính quy mới thực sự tương đương.

ĐỖ VĂN KHIÊM

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MINH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên