20/08/2011 07:51 GMT+7

Lợi bất cập hại

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Theo các nguồn tin Ả Rập và Israel, ngày 18-8 một toán vũ trang đã xâm nhập miền nam Israel, sát khu vực ba biên giới Israel - Gaza - Ai Cập, và tấn công vào các mục tiêu di động trên xa lộ, gây thương vong đáng kể cho cả binh sĩ và dân thường Israel.

Điều tra ban đầu của Israel cho thấy ít nhất bảy tay súng đã luồn sâu vào bên trong lãnh thổ Israel và phục kích tại ba điểm, rồi tấn công hai xe buýt công cộng, hai ôtô cá nhân và một xe quân sự, giết chết sáu người (có bốn lính Israel) và 26 người bị thương. Sau đó cả bảy tay súng này đều đã bị tiêu diệt. Đây là vụ đổ máu nghiêm trọng nhất của người Israel từ nhiều tháng qua. Ai Cập và chính quyền Hamas ở Gaza lập tức lên tiếng phủ nhận họ gây ra vụ tấn công này.

Ngay trong ngày 18-8, Israel đã trả đũa bằng một loạt vụ không kích nhắm vào một số mục tiêu của tổ chức “Các ủy ban kháng chiến nhân dân” mà Israel cho là thủ phạm vụ tấn công, tại thành phố Rafah ở miền nam Gaza (giáp biên giới Ai Cập), phá hủy một tòa nhà, giết chết ba chỉ huy cao cấp của tổ chức này, trong đó có “tổng tư lệnh” Kamal Abu Aud Nayrab.

Vụ việc này đang có nguy cơ dẫn đến leo thang trả đũa qua lại giữa Israel với các nhóm Palestine ở Gaza mà hệ lụy chưa thể tính hết tức thời. Những người chủ trương vụ tấn công này có thể đưa ra nhiều lý do để biện minh: như bức xúc vì bị chiếm đóng và bao vây phong tỏa, vì thất vọng trước thái độ ngoan cố của Israel khiến đàm phán hòa bình không thể khởi động lại được, vì căm phẫn trước thái độ cản trở của Israel và Mỹ đối với nỗ lực đến Liên Hiệp Quốc đòi công nhận nhà nước Palestine của chính quyền Palestine...

Thế nhưng, rõ ràng là cuộc tấn công, nhất là khi lại nhằm vào những chiếc xe buýt công cộng và gây thương vong cho nhiều thường dân, sẽ bị Israel và đồng minh tận dụng để quy tội là “khủng bố”. Nghiêm trọng hơn, vụ tấn công lại xảy ra vào lúc này quả là không đúng thời điểm.

Chính quyền Palestine đang nỗ lực thể hiện thái độ tích cực và xây dựng trong chiến dịch ngoại giao đòi công nhận nhà nước Palestine tại Liên Hiệp Quốc. Chiến dịch ngoại giao này đang thu được thiện cảm và sự đồng tình rộng rãi của các quốc gia cũng như công luận trên thế giới.

Một hành động quá khích của một nhóm vào lúc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực chính đáng của cả Palestine, tạo cớ cho Israel và đồng minh phản bác. Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu giờ đang lúng túng trước những đợt biểu tình đông đảo chưa từng thấy của người dân Israel phản đối giá cả tăng vọt và đòi cải thiện dân sinh.

Một vụ việc nghiêm trọng như thế xảy ra vào đúng lúc này quả là một “cơ may” để chính quyền Tel Aviv hướng dư luận trong nước về phía “mối đe dọa khủng bố từ bên ngoài”.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên