20/10/2008 04:01 GMT+7

"Lộc trời" trên bãi biển Chân Mây

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Một buổi chiều giữa tháng mười, bãi biển Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) bất ngờ xuất hiện một vệt dài hàng cây số ốc nhảy và sò lông dạt vào bờ nằm thành từng khóm với số lượng nhiều vô kể. Ngư dân cả gần lẫn xa lũ lượt đổ về bãi biển, họ nói rằng đó là lộc trời cho.

ZvaxqpEF.jpgPhóng to gZvhE6Wk.jpg
Niềm vui trước “lộc trời” trên bãi biển Chân Mây-Ảnh: Thái Bá Dũng

Theo ngư dân ở vùng biển Chân Mây, ốc nhảy và sò lông hầu như không thấy có ở đây, nhưng từ khoảng 4g chiều 14-10, lại có một vài đám sò nằm dạt trên bãi biển, càng về chiều ốc nhảy và sò lông dạt vào mỗi lúc một nhiều. Một số ngư dân lội ra xa hơn thì thấy ốc nhảy và sò lông nằm dày đặc dưới mực nước chỉ có 1m.

“Hái lộc” cả ngày lẫn đêm!

4g sáng 16-10, bãi biển Chân Mây gầm lên giữa mưa gió nhưng thật lạ lùng, cả một rừng người vẫn trải dài khắp bãi biển: người cào, người nhặt, có người lại đứng nhìn; người già có, trẻ con cũng nhiều vô kể. Một không khí tấp nập đang diễn ra trên bãi biển vốn chưa bao giờ chịu đong thừa cho bát cơm của ngư dân nơi đây.

“Không hiểu răng ốc và sò nó lại dạt vô chỗ ni nhiều như rứa, trên bờ ít chứ phía ngoài kia nhiều vô kể” - ngư dân Nguyễn Tiến Long nói với tôi giọng đầy hồ hởi. Tôi theo những ngư dân ra phía nước sâu, nơi có rất nhiều người đang hì hục cào sò. Ở mực nước sâu hơn 1m, tôi thấy chân mình như đang đứng trên một dải đá dăm kéo dài vô tận.

Sóng biển đánh ào ào nhưng bãi biển mỗi lúc một đông, trời càng sáng người ra đổ biển đi lượm sò lông càng nhiều. Phía ngoài biển, hàng trăm người đang cách nhau từng khoảng để lui hui cào, cứ vài phút là có người lôi lên một túi chứa đầy ốc, sò, rồi đem lên bờ cho người nhà nhặt và phân loại.

Có mặt từ rất sớm, cả gia đình anh Vương Đình Liễu, chị Nguyễn Thị Thương cùng hai con đã nhặt được gần hai bao tải sò lông. Chị Thương hồ hởi: “Chưa khi mô ốc sò dạt nhiều như ri cả, cả nhà tui đều ra đây nhặt sò về bán kiếm gạo mùa biển động”. Chị Thương khoe hôm qua anh chị và hai con cào được gần 50kg sò lông và một ít ốc nhảy, bán được khoảng 400.000 đồng! “Đi biển cả tuần cũng chưa được chừng đó, đúng là trời cho!”, anh Liễu vui vẻ nói.

Một cán bộ xã Lộc Vĩnh nói ước tính mỗi ngày ngư dân nhặt được 2-3 tấn sò, ốc, thương lái đem cả ôtô đến tận bãi thu mua với giá cao, sò lông có giá 4.000-6.000 đồng/kg, ốc nhảy thì khá đắt 13.000-15.000 đồng/kg. Nhiều gia đình kiếm được vài triệu bạc mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Nhật, chủ tịch xã Lộc Vĩnh, cho biết ước tính trong những ngày qua, bà con hai thôn Dương Hải và Bình An đã đánh bắt được hàng chục tấn ốc sò, đặc biệt là trong đợt 14 đến sáng 15-10. “Đây là điều chưa bao giờ có ở địa phương” - ông Nhật nói.

Cho đến chiều 19-10, ốc nhảy và sò lông vẫn tiếp tục dạt vào bờ biển Chân Mây nhưng không còn nhiều như trước, bãi biển trắng màu vỏ sò và nặng mùi ốc chết. Theo những người dân ở đây, sò lông và ốc nhảy vẫn sẽ tiếp tục dạt vào bờ cho tới khi áp thấp nhiệt đới tan, biển lặng trở lại. Ngư dân cũng cho biết ốc nhảy và sò lông dạt vào bờ theo từng đợt riêng lẻ, đợt 1 từ cuối chiều 14-10, đợt 2 bắt đầu từ rạng sáng 16-10 và đợt 3 từ sáng 17-10. “Lần nào dạt vào cũng tấp thành đống nhiều lắm, bà con ở đây cào mấy ngày liền mới hết” - bà Nguyễn Thị Mè, 74 tuổi, ngư dân ở thôn Bình An (Lộc Vĩnh), kể.

Hiện tượng lạ thường

Theo ngư dân ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, hiện tượng sò lông và ốc nhảy dạt vào bờ với số lượng lớn như đợt này là điều rất hiếm thấy. Ông Nguyễn Tiến Long, một ngư dân đi biển lâu năm, nói: “14 năm làm biển ở vùng này tôi chưa từng thấy hiện tượng như vậy”.

Suốt những ngày biển động, ngư dân và người địa phương đã đổ ra biển rất đông, người đi biển tranh thủ cơ hội trời cho này để kiếm thu nhập, họ đánh bắt cả ngày lẫn đêm với số lượng hàng chục tấn. Một ngư dân khác nói: “Suốt tuần nay nghe tin có áp thấp nhiệt đới nên chúng tôi không ra biển được, bát cơm cũng cạn dần, nhưng nhờ có đợt sò ốc dạt vào nhiều nên cả nhà có thu nhập”.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cũng tỏ ra lo lắng trước hiện tượng bất thường này. Nhiều người đi biển cho rằng mỗi lúc sò lông dạt vào bờ là điềm báo năm đó biển sẽ động mạnh, có thể có bão lớn. Lý giải về góc độ khoa học, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, chi cục trưởng Chi cục Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế, cho biết có thể do tác động của hướng tuần hoàn dòng hải lưu và sự thay đổi điều kiện thời tiết nên ốc, sò bị đánh dạt khỏi nơi cư trú và trôi về bãi biển Chân Mây.

Còn phó giáo sư - tiến sĩ Tôn Thất Pháp, trưởng bộ môn sinh học Trường ĐH Khoa học Huế, chuyên gia nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản khu vực phá Tam Giang, cho rằng “đây là hiện tượng lạ nên tôi chưa thể phát biểu được gì”. Theo thạc sĩ Nguyễn Mộng, trưởng khoa khoa học môi trường, Trường ĐH Khoa học Huế, ốc nhảy và sò lông xuất hiện ít ở khu vực bờ biển Thừa Thiên - Huế. “Khu vực sinh sống của hai loài này thường tập trung ở các hòn đảo nhiều rong rêu, ít khi di chuyển”, ông Mộng nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên