Khách đến tìm hiểu lịch sử tại di tích Bộ chỉ huy miền - căn cứ Tà Thiết - Ảnh: TỰ TRUNG
Được mệnh danh "thủ đô kháng chiến", Lộc Ninh là nơi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) xây dựng hình mẫu đầu tiên để chờ hòa bình.
Những ngày tháng tư này, tại căn cứ Tà Thiết trong rừng sâu và Nhà Giao tế nơi thị trấn, khách viếng thăm tấp nập. Câu chuyện lịch sử từ 50 năm sống dậy…
Hòa bình, năm 1976 tôi giải ngũ, về quê vợ làm việc, lập nghiệp, trở thành người Lộc Ninh. Nhờ có những ngày ở "thủ đô kháng chiến" ấy mà tôi có ngày hạnh phúc hôm nay với vợ mình, một cô gái Lộc Ninh.
Ông Trần Duy Ánh
Anh lính Bắc và cô gái Lộc Ninh
Với vợ chồng ông Trần Duy Ánh và bà Lại Thị Chén ở xã Lộc Thái, thị trấn Lộc Ninh, ngày này 50 năm trước là những ngày duyên nợ.
Ông Ánh cười nhắc nhớ: "Tôi quê Ninh Bình, vào bộ đội, vượt Trường Sơn năm 1965 khi vừa tròn 20 tuổi. Đến 1972, tôi đã trải qua 7 năm ác liệt nhất của chiến tranh, thuộc biên chế đoàn 210 - Cục Hậu cần miền.
Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, Lộc Ninh trở thành đất nhà, chúng tôi vẫn đóng quân trong rừng nhưng thị xã là nơi lui tới thường xuyên, công khai, giữa ban ngày. Và rồi tôi được quen bà ấy…".
Bà Chén cười thẹn thùng như tuổi 17 của cô Chén năm 1972: "Năm ấy, má tôi có sạp bán vải ở chợ. Từ sau ngày 7-4, chúng tôi có khách là mấy anh bộ đội. Anh Ánh ra mua của mẹ vải trắng, vải đen, băng gạc. Rồi anh nhờ tìm mua vải đỏ, xanh và mang quần áo nhờ tôi mạng vá. Thế là quen nhau…".
Ông Ánh tiếp lời: "Lúc ấy, tôi đã 27 tuổi, chưa hề định lấy vợ. Ngày ra đi đã mang lời thề hòa bình mới trở về, mới lấy vợ. Đến với dân cùng "kim chỉ nam": quân với dân như cá với nước; dân như gia đình, cha mẹ mình nên được mến, được thương.
Ngày ấy, Lộc Ninh là vùng giải phóng, nhưng chiến tranh càng ác liệt…". Từ ngày "thủ đô kháng chiến" nổi lên bản đồ, bom pháo nhằm vào Lộc Ninh ác liệt hơn.
"Chúng tôi có những ngày hòa bình, có cuộc sống mới, nếp sinh hoạt mới, và cả chiến trường kéo đến trước nhà. Hồi năm 1973, mỗi lần Nhà Giao tế họp là cả chợ hồi hộp. Trước, trong ngày họp thì yên ắng, nhưng khi kết thúc, máy bay chở đoàn Sài Gòn cất cánh thì máy bay ném bom lập tức ào đến…", bà Chén kể.
Ám thị sâu trong ký ức bà là một buổi sáng ông Ánh đưa anh bạn thân cùng đơn vị đến chơi nhà, giới thiệu người yêu, tiện thể mang dụng cụ nhờ cô Chén nấu nồi nước cất dùng trong y tế. Bắc bếp trước cửa, nồi nước to vừa đặt lên thì nghe tiếng máy bay gào rú. Cô Chén kịp chạy vào hầm. Bom ào xuống…
Khi khói tan đi, hai người tìm thấy nhau giữa dãy nhà chợ đã thành bình địa, chỗ cái bếp đã thành một hố to. Người bạn của ông Ánh biến mất, tan vào khói bụi.
Câu chuyện gợi nhắc câu trả lời nổi tiếng của Madame Bình (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình của CPCMLTCHMNVN - PV) trên báo chí phương Tây: Hỏi "Chính phủ của bà có lãnh thổ không? Vùng giải phóng ở đâu?"; Đáp: "Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá, nơi đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không, sao Mỹ lại ném bom?".
Đến tháng 12-1974, điểm nóng chiến trường dịch chuyển, cô Chén bước sang tuổi 20, bà má mến chân mến tay anh bộ đội, tình cảm đôi bên chín muồi, họ làm đám cưới. Đám cưới ngoài xã, rồi đám cưới trong rừng. Cưới xong ít ngày, ông Ánh lại theo đơn vị vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Mỗi dịp Nhà Giao tế tổ chức họp, tôi lại tìm cách gặp những người của phía Việt Nam cộng hòa, phía Mỹ, những nhà báo, trí thức, văn nhân từ Sài Gòn lên. Ngày còn chiến tranh, hòa bình là giấc mơ, nên khi Lộc Ninh nắm được tay hòa bình, chàng trai hai mươi trong tôi say sưa lắm, không ái ngại, không phân biệt, cứ vậy lao vào xây đắp ước mơ.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước
Trụ sở Ban liên hợp quân sự hai bên ở Lộc Ninh - Ảnh tư liệu
Những ngày lịch sử ở "thủ đô kháng chiến"
Chúng tôi đến thăm địa điểm mà ông Ánh, bà Chén, bà Thạch và tất cả những người nhắc đến Lộc Ninh đều nhắc: Nhà Giao tế.
Bề thế mà giản dị, Nhà Giao tế mới được tu sửa vẫn y như 50 năm trước, khi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - chủ tịch CPCMLTCHMNVN - tự tay thiết kế. Màu xanh đỏ của lá cờ nổi bật hai bên cửa, trên mái nhà, trên bức tường chính diện bàn hội họp. Bốn lối cầu thang đi lên, bốn bộ bàn ghế cho bốn phái đoàn, chiếc bàn tròn hòa đàm, bốn lá cờ các bên, bàn cho đoàn giám sát quốc tế… chỉ đóng bằng loại gỗ thường với kiểu dáng đơn sơ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
"Ở đó đã diễn ra rất nhiều cuộc họp, hội nghị có khi kéo dài đến nửa đêm về phương cách thực hiện Hiệp định Paris, và đó là những ngày tôi được thực hiện chức năng nhà báo thực chất nhất", nhà báo Nguyễn Hữu Phước - Đài phát thanh Giải Phóng - kể.
Từ trong những cánh rừng, dưới những hầm sâu, nơi mà đài phát thanh thường xuyên bị dò sóng, bị ném bom, bị đưa lên đích ngắm của những trận càn, khi Lộc Ninh thành "thủ đô kháng chiến", ông Nguyễn Hữu Phước đã được tác nghiệp và sống cuộc sống của một nhà báo thực thụ: đi giữa ban ngày, tay bút viết, tay máy ghi âm, máy ảnh, đến Nhà Giao tế, vào sân bay quân sự lấy tin, phỏng vấn cùng các nhà báo Sài Gòn, báo Mỹ, báo Pháp, hẹn đồng nghiệp uống ly cà phê cạnh sân bay, tán dóc rồi tranh luận. Những bài viết được chuyển vào căn cứ, chuyển ra Hà Nội để phát sóng quốc tế…
"Đến Lộc Ninh lúc đó như là được trở lại Sài Gòn. Đó là những ngày đáng nhớ nhất", ông Phước lặp lại.
Chẳng vậy mà đến chiều 30-4-1975, ông đã là một trong hai phát thanh viên của Đài phát thanh Giải Phóng lên sóng đọc bản tin thống nhất đất nước đầu tiên ngay khi tiếp quản Đài Sài Gòn. Lại đến tối, ông cũng là một trong hai xướng ngôn viên mặc bộ quần áo giải phóng lên Đài truyền hình Sài Gòn phát đi bản tin: "Đây là Đài truyền hình Giải Phóng…".
Với nhà báo Huỳnh Sơn Phước, câu chuyện lại đáng nhớ một kiểu khác. "Tôi là sinh viên, mang chất Sài Gòn vào rừng theo kháng chiến, đi làm báo. Những ngày ấy, tôi hết sức tâm đắc với 10 điểm trong chương trình của Mặt trận Dân tộc giải phóng và mang những điều ấy đi tìm người dân, nói với họ về ước mơ, lý tưởng: chính quyền liên minh, thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi - tiến bộ, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện dân sinh, văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ, lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, chính sách ngoại giao hòa bình trung lập…
Tôi vào những bản, những sóc của người dân tộc thiểu số kể về chính sách giảm tô, người cày có ruộng. Mỗi dịp Nhà Giao tế tổ chức họp, tôi lại tìm cách gặp những người của phía Việt Nam cộng hòa, phía Mỹ, những nhà báo, trí thức, văn nhân từ Sài Gòn lên.
Ngày còn chiến tranh, hòa bình là giấc mơ, nên khi Lộc Ninh nắm được tay hòa bình, chàng trai hai mươi trong tôi say sưa lắm, không ái ngại, không phân biệt, cứ vậy lao vào xây đắp ước mơ".
Bà Võ Thị Thắng (bìa phải) và bạn tù trong ngày trao trả tù binh ở sân bay Lộc Ninh năm 1974 - Ảnh tư liệu
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Chính cái máu say sưa đi tìm "người phía bên kia" để trò chuyện ấy đã dẫn ông Huỳnh Sơn Phước đến một cuộc gặp bất ngờ và định mệnh.
Ông Trần Thế Hùng vẫn nhớ như in: "Khi ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, được phân công đến Dầu Tiếng làm giáo viên trung học. Những hoạt động trong phong trào sinh viên đã tạm ngừng sau khi tôi bị bắt và bị xử một năm tù treo sau "vụ án quán Mù U" (buổi ra mắt một tập san phản chiến của bút nhóm Hướng Dương tại quán Mù U và bị cảnh sát vây bắt - PV).
13-3-1975, quân giải phóng vào đến Dầu Tiếng, mọi người trong chính quyền thị xã và ban giám hiệu trường kéo nhau chạy về Sài Gòn, tôi thì hân hoan chờ đón "đằng mình". Ai ngờ, ai đó lại chỉ điểm tôi: "Tên đó là cảnh sát quận trưởng".
Vậy là tôi bị trói lại, bị bịt mắt dẫn đi. Khai là người của Y4 (Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định - PV) nhưng không có ai xác minh…
Suốt 2-3 ngày như thế, không thanh minh được, lòng tôi như lửa đốt, nghĩ đã đến phút 89 chung cuộc rồi mà số phận bỗng lâm cảnh oái oăm, nếu phải chết lúc này thật oan uổng.
Sáng hôm ấy, tôi được dẫn đến trụ sở Ban quân quản Dầu Tiếng, được bảo ngồi chờ gặp nhà báo. Chán nản nhìn ra sân, tôi thấy anh Huỳnh Sơn Phước đạp chiếc xe Phượng Hoàng… Hy vọng như tia chớp lóe lên: Sống rồi!".
Câu chuyện tiếp tục với ông Phước: "Đi theo quân giải phóng tiếp quản Dầu Tiếng, tôi sục vào một trường học.
Dạo quanh hành lang vắng, tôi nhặt được một cuốn tập học trò, trong đó chép bài thơ quen thuộc của phong trào sinh viên: "Một buổi chiều em đập cửa gọi anh/ Đôi mắt sáng nhìn lên long lanh màu nước biếc/ Ngày hôm ấy cả quê mình quyết liệt/ Dân xuống đường ơi ới gọi nhau đi/ Đất chuyển trời rung, bay rợp bóng tinh kỳ/ Thắm đỏ mấy công viên, trắng mặt đường khẩu hiệu/…".
Mừng lắm, tôi biết chắc có người của phong trào HSSV ở trường này. Được báo là du kích bắt được viên cảnh sát cỡ bự, tôi liền xin phép được vào phỏng vấn, trò chuyện ngay.
Chính sách của Mặt trận là không phân biệt chiến tuyến, những ngày này ai cũng là một người được giải phóng khỏi chiến tranh. Bước vào, tôi nhận ra người bị trói đó là Trần Thế Hùng, đồng hương, bạn học của tôi ở ĐH Vạn Hạnh, cùng hoạt động phong trào sinh viên…".
Cuộc gặp tình cờ đã cứu được ông Hùng, và ông đã ở lại Dầu Tiếng - Bến Cát làm việc trong ngành giáo dục đến tận những năm 2000.
Du khách viếng thăm căn cứ Bộ chỉ huy miền trong rừng Tà Thiết, Lộc Ninh - Ảnh: TỰ TRUNG
Những ngày vui ở Lộc Ninh
Với bà Lại Thị Thạch, cô bé 14 tuổi của tháng 4-1972 ấy thì ký ức lại rỡ ràng hơn nhiều: "Tôi nhớ là má vui dữ lắm. Má có một quán ăn nhỏ, bán hủ tiếu, cháo, cơm". Thạch vào đội thiếu niên, được học đánh trống ếch, học hát, múa, được huy động đi phất cờ mỗi khi đón khách đến Nhà Giao tế, mỗi đợt trao trả tù binh…
"Cuộc sống cứ thay đổi dần dần cho đến ngày cả nước hòa bình 30-4-1975", bà Thạch - bà chủ của dãy nhà nghỉ và sảnh đám cưới ngay đầu ngõ vào thị trấn Lộc Ninh - kết câu chuyện như vậy.
Thủ đô kháng chiến
Kể từ 7-4-1972, sau chiến dịch Nguyễn Huệ, Lộc Ninh - nơi trước đó là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh, được gọi là "thủ đô kháng chiến" của CPCMLTCHMNVN.
Cụm căn cứ Lộc Thành - Tà Thiết từ đầu năm 1973 được chọn làm căn cứ địa cách mạng của Bộ chỉ huy miền. Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã sống và làm việc tại đây, họp bàn và ra quyết định cho các chiến dịch lịch sử.
Nhà Giao tế là nơi làm việc của Ban liên hợp quân sự bốn bên, Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến… giải quyết các vấn đề của cách mạng miền Nam theo tinh thần của Hiệp định Paris.
Sân bay quân sự Lộc Ninh là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: trận đánh quyết định của chiến dịch Nguyễn Huệ 7-4-1972; trao trả tù binh giữa hai bên vào ngày 12-2-1973; các phái đoàn các bên, ủy ban quốc tế đến làm việc…
Di tích Nhà Giao Tế - trụ sở họp Ban liên hiệp quân sự bốn bên - Ảnh: TỰ TRUNG
Di tích sân bay Lộc Ninh - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận