TTCT - Vấn đề tự do ngôn luận, kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội sẽ vẫn tiếp tục loay hoay không hồi kết dù Nhà Trắng sắp tới có đổi chủ hay không. Ảnh: Getty ImagesCách Facebook và Twitter quản lý nội dung do người dùng đăng tải và hai luồng quan điểm đối lập nhau giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về cách hai mạng xã hội lớn này duy trì “tự do ngôn luận trực tuyến” cũng là điểm nhấn phiên điều trần của CEO hai nền tảng này cùng với lãnh đạo Google trước Thượng viện Mỹ hôm 29-10.“Ông Dorsey, những kẻ quái nào đã bầu ông và đặt ông vào vị trí quyết định việc truyền thông được phép đưa tin gì và người Mỹ được phép nghe gì?” - thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (bang Texas) gay gắt khi chất vấn CEO Twitter Jack Dorsey về việc mạng này chặn các đường link chia sẻ bài báo New York Post.Dorsey cùng với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và CEO Google Sundar Pichai tham dự phiên điều trần trực tuyến, với nội dung chính ban đầu là xem các nền tảng công nghệ này có được bảo vệ quá mức bởi điều 230 trong Đạo luật về chuẩn mực truyền thông (DCA) hay không.Điều 230, được xem là quy định nền tảng giúp các mạng xã hội có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay, gồm hai điều khoản cốt lõi: cho phép các nền tảng trực tuyến được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng tải, và cho phép họ tùy ý xóa hay kiểm duyệt các bài đăng mà họ cho là không phù hợp.Chẳng hạn, một người dùng Twitter có thể bị kiện vì một tweet phỉ báng nhưng không thể kiện chính Twitter. Chính sự bảo vệ này đã giúp các mạng xã hội có thể tồn tại; nếu không có quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý với nội dung do bên thứ ba đăng tải, các nền tảng có thể sẽ cấm cửa chúng ngay từ đầu, thay vì để mở và chỉ kiểm duyệt khi “cần thiết” như lâu nay.Phiên điều trần được tổ chức để chất vấn người đứng đầu 3 nền tảng công nghệ lớn liệu sự miễn trừ mà điều 230 mang lại có khiến họ có “những hành vi xấu”, chẳng hạn như kiểm duyệt các quan điểm chính trị khác với quan điểm của mình hay không. Vậy nhưng buổi điều trần rốt cuộc chỉ cho thấy sự chán ghét và không tin tưởng đến từ cả hai đảng đối với các nền tảng mạng xã hội. Các thượng nghị sĩ chỉ trích CEO của Facebook và Twitter; những người Cộng hòa cho rằng mạng xã hội kiểm duyệt bất công các quan điểm bảo thủ, còn phe Dân chủ cho rằng kiểm duyệt như thế vẫn là chưa đủ!Vấn đề là đại diện Facebook, Twitter và Google có quan điểm thế nào về điều 230? Cả ba CEO đều bảo vệ điều luật này, khẳng định điều 230 khuyến khích tự do ngôn luận trong khi vẫn cho phép các nền tảng kiểm duyệt thông tin. Về việc chỉnh sửa điều 230, Pichai cảnh báo cần phải suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra thay đổi, còn Dorsey nói thẳng rằng nếu xóa bỏ những điều cốt lõi của điều 230 thì không chỉ “làm sụp đổ cách chúng ta giao tiếp trên Internet” mà còn khiến đội ngũ kiểm soát nội dung của Twitter không thể tiếp tục giữ an toàn cho người dùng.Điều khác biệt lại đến từ Facebook. Mark Zuckerberg, người đã có “kinh nghiệm” điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, cho rằng Quốc hội nên cập nhật điều 230 “để bảo đảm nó có tác dụng như ý muốn”. Tuy nhiên, Zuckerberg cũng bày tỏ lo ngại thay đổi từ ngữ của điều 230, chẳng hạn nói rõ thế nào là nội dung gây tranh cãi hay không thể chấp nhận được, có thể khiến các nền tảng trực tuyến khó khăn hơn trong việc ngăn chặn nội dung bắt nạt hay quấy rối.CEO của Facebook ủng hộ thay đổi luật theo hướng khuyến khích các nền tảng minh bạch hơn trong chuyện kiểm duyệt nội dung, và không để các công ty có thể “nấp sau điều 230” để tránh né trách nhiệm dù họ cố tình tạo điều kiện cho các hành vi bất hợp pháp trên nền tảng của mình.Có ý kiến chỉ trích rằng Mark Zuckerberg mạnh miệng ủng hộ thay đổi là vì Facebook có đủ điều kiện, từ vật chất đến con người, để tuân thủ các quy định mới (nếu có) về tăng cường kiểm soát nội dung. Facebook hiện đã có đội ngũ kiểm duyệt nội dung hùng hậu và một bộ phận chuyên công bố các báo cáo minh bạch chi tiết. Các trang nhỏ hơn khó có thể làm điều này.DCA được ký thành luật năm 1996, và thế giới online ngày nay chắc chắn khác xa 24 năm trước. Ngoài các đề xuất chỉnh sửa, chẳng hạn thu hẹp phạm vi miễn trừ, buộc các nền tảng phải chịu trách nhiệm với các nội dung như kích động khủng bố, khuyến khích tự hủy hoại bản thân, còn có quan điểm nên xóa hẳn điều 230.Điều thú vị là cả Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden đều muốn xóa điều 230. Điều này cũng có nghĩa trong tương lai sẽ lại có thêm phiên điều trần về điều 230, bất chấp Nhà Trắng có đổi chủ sau cuộc bầu cử ngày 3-11 hay không. Cho đến khi ấy, vấn đề tự do ngôn luận, kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội sẽ vẫn tiếp tục loay hoay không hồi kết. Tags: FacebookTự do ngôn luậnChâu Mỹ Latin
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quan chức Mỹ xác nhận Ukraine bắn tên lửa ATACMS vào sâu lãnh thổ Nga THANH HIỀN 20/11/2024 Quan chức Mỹ và nguồn tin Ukraine xác nhận Kiev đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hôm 19-11.
'Phát triển đảng viên mới là tạo thêm sức cho Đảng chứ không tạo số lượng' CẨM NƯƠNG 20/11/2024 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng báo Tuổi Trẻ có bước đi và kinh nghiệm rất đáng trân trọng trong công tác phát triển Đảng; đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ.
Hai người đập bể kính xe nhau gây náo loạn đường phố ở Bình Chánh MINH HÒA 20/11/2024 Hai xe tải đang chạy trên đường ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) có biểu hiện lấn ép nhau, sau đó hai người trên xe đã xuống ẩu đả, đập bể kính xe của nhau.
Đã tìm thấy 5 thi thể học sinh đuối nước ở bãi sông Hồng DANH TRỌNG 20/11/2024 Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm được cả 5 thi thể học sinh trong vụ đuối nước xảy ra ở bãi sông Hồng đoạn qua xã Hiền Quan (Phú Thọ).