TTCT - Trong khi người dân nước ta mắc kẹt trong vòng xoáy tranh cãi chữ nghĩa không dứt, hết “thu giá” đến “tụ nước”, hết “nằm nghỉ mệt” đến “bay chưa đúng giờ” thì ở bên ngoài người ta đang cố gắng sắp xếp cuộc sống theo những quy luật mới, để bước chân vào một thế giới tưởng đâu chỉ có trong truyện viễn tưởng. Tư duy kiểu cũ mèm không thể bắt kịp thay đổi công nghệ đang diễn ra ồ ạt khắp nơi. Ảnh: Financial Tribune Quá trình sắp xếp đó cũng đầy tranh cãi, cũng đầy góc nhìn khác biệt, nhưng quan trọng là họ tranh cãi để hiểu thế giới của họ hơn và tìm ra giải pháp ổn thỏa cho mọi bên. Vì chúng ta đã kết nối nhiều với thế giới bên ngoài, nên sự sắp xếp đó thỉnh thoảng dội vào trong nước, đôi lúc gây nên những hiểu nhầm tai hại.Chính quyền can thiệp tới đâu?Nếu đến châu Âu những ngày này, khi truy cập các website báo chí lớn của Mỹ như tờ Los Angeles Times, Chicago Tribune hay New York Daily News, rất có thể bạn sẽ nhìn thấy thông báo “trang web của chúng tôi không dành cho khu vực các bạn” - rất tiếc nhưng đành chịu. Số là Luật bảo vệ thông tin người dùng của châu Âu (GDPR) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-5, khiến chi phí các trang web phải bỏ ra để tuân thủ các quy định ngặt nghèo này quá cao, quá phức tạp nên nhiều nơi thà khóa không cho 500 triệu người châu Âu truy cập còn hơn bị phạt nặng. Bình quân mỗi trang web phải tốn chừng 1 triệu USD để tổ chức bộ máy chuyên lo tuân thủ quy định mới; vi phạm là họ sẽ bị phạt đến 24,8 triệu USD hay 4% doanh thu toàn cầu, một con số khổng lồ với các siêu tập đoàn như Amazon, Facebook hay Google.Luật GDPR bắt chủ các trang web phải có sự đồng ý rõ ràng của người dùng mới được thu thập dữ liệu người dùng; người dùng có quyền từ chối không cho ai dùng dữ liệu của họ để làm tiếp thị, quảng cáo, nếu thông tin người dùng bị lộ phải báo ngay cho cơ quan thẩm quyền và khách hàng, chứ không được che giấu như trước. Người dùng ở châu Âu từ nay được quyền truy cập để biết những thông tin gì về họ đã được thu thập, được sử dụng như thế nào, vào chuyện gì?... Họ có toàn quyền yêu cầu xóa thông tin cá nhân của họ theo nguyên tắc quyền được quên lãng, ví dụ ngày xưa họ bị kết án ăn trộm, bị báo chí đưa rùm beng, nay mãn hạn tù thì họ có quyền yêu cầu các báo xóa tin bài cũ.Trong dòng thông tin tràn ngập về GDPR ít thấy đề cập chuyện châu Âu có bắt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đặt máy chủ hay lưu thông tin người dùng tại chỗ không. Có lẽ điều đó không quan trọng, vì cách tiếp cận của họ là trao quyền kiểm soát thông tin cho người dùng và bắt các nơi tuân thủ. Một khi người dùng Facebook có quyền với thông tin cá nhân của chính họ, chứ không phải Facebook và đương nhiên không phải chính quyền các nước EU thì dữ liệu nằm ở đâu cũng như nhau. Nếu EU muốn nắm quyền kiểm soát thông tin người dân thì chuyện đặt máy chủ ở đâu mới trở thành vấn đề quan trọng.Diễn biến mới nhất khi thực thi GDPR cho thấy có nguy cơ người dân châu Âu bị gạt ra rìa dòng chảy thông tin, một khi các website thấy chi phí tuân thủ cao hơn lợi nhuận đem lại. Thực tế này sẽ là điểm cân nhắc và chưa biết châu Âu sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, nhưng quá trình này cho thấy bất kỳ ai cũng phải đo lường sự thiệt hơn với lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu.Trung Quốc chấm điểm công dânTrong một diễn biến khác, báo chí vừa đưa tin hàng triệu người dân Trung Quốc bị cấm bay vì “hạnh kiểm xấu”, gây tò mò và ngạc nhiên cho nhiều người. Hóa ra Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống cho điểm tín nhiệm xã hội, hễ người dân có hành vi gì xấu thì bị trừ điểm. Hành vi xấu có thể là lái xe mà không nhường cho người đi bộ, hút thuốc nơi bị cấm, mua quá nhiều game điện tử hay đăng tải tin giả trên mạng...Mới nghe qua tưởng đâu là chuyện khoa học viễn tưởng ở một xã hội tương lai khi mọi hành vi của người dân bị kiểm soát để ai nấy đều như người máy, sống như những công dân gương mẫu, vô hồn, vô cảm. Thế mà hệ thống này đã được thử nghiệm từ năm 2014 và được hứa hẹn sẽ triển khai đại trà trước năm 2020.Câu chuyện này trở thành thời sự khi lần đầu tiên con số người có điểm xấu bị cấm bay hay đi tàu hỏa cao tốc được công bố vào tuần trước. Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin có tổng cộng 11 triệu người bị cấm bay và 4,25 triệu người bị cấm đáp tàu hỏa cao tốc kể từ khi có hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội. Ngoài ra người bị điểm xấu còn không được truy cập Internet tốc độ cao, con cái không được vào trường tốt, không được làm quản lý ở các doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng... Ngược lại người có điểm cao sẽ được miễn giảm tiền điện, được thuê xe không cần đặt cọc, được hưởng lãi suất cho vay thấp...Cho dù người dân Trung Quốc khi được hỏi đều nói hệ thống chấm điểm giúp họ sống tốt hơn, cho dù các hành vi bị trừ điểm thật sự đáng bị lên án, thiết nghĩ không ai đứng trên ai để cho điểm người khác được. Mọi quan hệ xã hội đã có luật pháp chi phối, ở mức độ thấp hơn có xử phạt hành chính hay sự lên án của dư luận – nói chung là giềng mối đạo đức truyền từ đời này sang đời khác, nhất là nhờ kênh giáo dục. Vai trò của nhà nước không thể là đi chấm điểm, trừ điểm công dân. Tùy vào độ "ngoan", các công dân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi ích tương xứng, theo lời hứa hẹn của hệ thống chấm điểm công dân. Khi Mỹ phải học cách làm ngân hàngỞ chiều hướng ngược lại, có một lãnh vực rõ ràng Mỹ và các nước đang phải học hỏi Trung Quốc, thể hiện qua hàng loạt bài viết của giới chuyên môn, giới chủ nhà băng Mỹ: đó là lãnh vực thanh toán di động. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn của Mỹ khi đến Thượng Hải dạo phố đã hết sức ngạc nhiên khi thấy giới trẻ Trung Quốc đi trước ông cứ mua sắm đủ thứ nhưng không dùng tiền mặt, cũng chẳng dùng thẻ tín dụng. Họ chỉ cần bật điện thoại di động lên, bấm bấm, lắc lắc là xong.Hiện nay, Alipay và WeChat Pay, con đẻ của hai tập đoàn lớn là Alibaba và Tencent, hầu như thống lĩnh thị trường thanh toán qua điện thoại di động bởi sự tiện dụng. Quý 4-2017, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại đã xử lý đến 5.900 tỉ USD giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ, trong đó Alipay chiếm 54% và WeChat Pay chiếm 38%.Cứ hình dung bên mua không cần thẻ trong túi, bên bán không cần máy quẹt thẻ, hai bên cứ dùng điện thoại di động mua bán thì còn gì thuận tiện hơn. Điện thoại di động có màn hình dễ dàng hiển thị mã QR cho riêng mỗi người, lại có camera để quét mã rồi gửi thông tin đi thì Alipay và WeChat Pay đã có thể loại khỏi cuộc chơi các trung gian thanh toán như Visa hay MasterCard. Các ngân hàng giờ đây không còn đóng vai trò phát hành thẻ hay xử lý thẻ nữa - họ chỉ còn là thủ quỹ giữ tiền cho các bên, khi nào được lệnh chi trả thì gửi tiền đi.Thế là các ngân hàng ở các nước hoảng sợ, vừa mất doanh thu vừa mất vai trò. Họ đang tìm cách xây dựng các hệ thống tương tự ở thị trường nước họ, nhưng chuyện đó không dễ chút nào. Apple cũng đang cố xây dựng Apple Pay, hay Samsung có Samsung Pay nhưng không ăn thua. Phải cỡ như Facebook nhảy vào xây dựng hệ thống thanh toán ngay bên trong ứng dụng Facebook mới có khả năng bành trướng nhanh như Alipay và WeChat Pay.Trước mắt, các nước Đông Nam Á áp dụng chiêu thức không chống họ được thì hợp tác với họ. Du khách Trung Quốc, đã quen với cách tiêu tiền bằng điện thoại di động, khi đến nước nào đều ngắm nghía xem có bảng hiệu “chấp nhận thanh toán bằng Alipay (hay WeChat Pay)” không. Trước hai cửa hàng một bên có một bên không, ắt hẳn ai hơn ai đã rõ. Thông thường ở các nước, hai hệ thống này sẽ ký kết liên doanh liên kết với một đối tác địa phương, để đối tác địa phương làm đầu mối thương thảo với các ngân hàng. Mục đích trước mắt là nhắm đến du khách Trung Quốc, nhưng về lâu về dài họ sẽ bung ra cung cấp dịch vụ cho người dân sở tại.Tencent đã được Malaysia cấp phép cho triển khai ứng dụng thanh toán di động WeChat Pay bằng đồng ringgit. Alipay không đi theo con đường chính thức, mà làm việc trực tiếp với các điểm bán hàng và liên kết với các doanh nghiệp bản địa để cung ứng dịch vụ thanh toán, như ở Malaysia họ liên kết với Touch’n Go, ở Thái Lan là với Kasikornbank, rồi đầu tư vào Ascend Money để tận dụng hệ thống cửa hàng 7-Eleven. Ở Philippines, Ant Financial (thuộc Tập đoàn Alibaba) liên kết với Mynt để tận dụng ví điện tử GCash của doanh nghiệp này. Alipay còn nhảy vào Singapore qua CC Financial Services; Campuchia qua Anco Group để triển khai Pi Pay...Xu thế du khách Trung Quốc vào Việt Nam xài ứng dụng Alipay và WeChat Pay mua sắm hàng hóa, dịch vụ là không thể tránh khỏi. Cho nên hãy thôi, đừng nói kẽ hở tiếp tay rồi báo động chuyển ngân lậu hay thanh toán chui nữa. Hãy tìm hiểu đối thủ (hay đối tác?), các phương thức hoạt động, kinh nghiệm của các nơi khác và có biện pháp thích ứng, chính sách phù hợp, tùy góc nhìn của từng địa chỉ. Người bán thì lúc nào cũng ưu tiên bán được càng nhiều càng tốt, còn nhà nước sẽ ưu tiên chuyện thu đủ thuế, trong khi giới ngân hàng lo bị bỏ lại đằng sau. Nhưng xu thế thời đại không cho phép các ngân hàng phát hành thẻ cứ chăm chăm ăn chênh lệch tỉ giá “dày” như hiện nay được lâu nữa. ■Đặt nhiều rào cản, nhưng có khả thi?Đây là lo lắng của một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi về dự Luật an ninh mạng. Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng: “Tránh đặt ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng tuân thủ cho các tổ chức, cá nhân, làm cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ tốt của người dân”. Đại biểu Thủy dẫn chứng: quy định của dự Luật an ninh mạng yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại VN phải đặt trụ sở và văn phòng đại diện tại VN là không khả thi, làm gia tăng chi phí và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân VN. Hiện nay, máy chủ của các dịch vụ như Google, Facebook đều đặt ở nước ngoài bởi máy chủ là máy ảo theo thuật toán đám mây, đây là xu hướng của thế giới.Theo đại biểu Thủy, trong cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới thì dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là dịch vụ cung cấp không hạn chế tiếp cận thị trường, không có quy định phải đặt máy chủ ở VN; cam kết thương mại giữa VN và EU cũng tương tự. Do đó, quy định này không đúng với cam kết mà VN tham gia. Ngoài ra, một số hành vi mà dự Luật an ninh mạng đưa ra không có sự thống nhất quy định về tội phạm trong Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi 2017). Cụ thể, điều 17 về các hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh trật tự như: kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng... quy định việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm được thực hiện theo BLHS. “Tuy nhiên, BLHS hiện hành lại chưa có được quy định các hành vi trên nên không có cơ sở pháp lý để xử lý” - đại biểu Thủy nói.Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng việc đưa ra những quy định khó thực thi sẽ dẫn tới hai trường hợp: Một là hạn chế tính ưu việt, gây khó cho người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng, làm hạn chế sự phát triển của dịch vụ mạng và khả năng tiếp cận thông tin mạng của người dân. Trường hợp ngược lại, khi có những điều khoản đã quy định trong luật nhưng trong thực tế không áp dụng đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của pháp luật, hoặc có thể phải sửa luật sau khi ban hành không lâu.VIỄN SỰ Tags: Xu thế thời địaChấm điểm công dânThế giới mớiXu thế thời đạiVai trò nhà nước
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tin tức sáng 24-12: Doanh nghiệp lọc hóa dầu tỉ USD của Việt Nam chốt ngày hủy giao dịch trên UpCOM TUỔI TRẺ ONLINE 24/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Một công ty than bị xử phạt, truy thu hàng tỉ đồng tiền thuế; Biến động nhân sự FLC Faros, công ty họp đại hội cổ đông bất thường; Đã ghép tim cho 90 người trong cả nước...
Bán kết ASEAN Cup 2024: Ai thay Văn Toàn 'tiếp đạn' cho Xuân Son? NGUYÊN KHÔI 24/12/2024 Chấn thương của Văn Toàn buộc HLV Kim Sang Sik phải bố trí người thay thế thích hợp nhằm giúp tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu hiệu quả trước chủ nhà Singapore ở trận bán kết lượt đi ngày 26-12 tới.
Đi làm, đi học cùng metro: Tôi đã thoát cảnh kẹt xe! CHÂU TUẤN 24/12/2024 Ngày mới, tuần mới với nhiều người hứng khởi hơn khi buổi sáng không còn kẹt xe và có hành trình thư giãn, thú vị trên tuyến metro số 1.
Phát hiện kế hoạch 'kích động Triều Tiên' trong sổ tay của cựu tư lệnh tình báo Hàn Quốc NGHI VŨ 23/12/2024 Sổ tay của một cựu chỉ huy tình báo quân đội vừa bị bắt có ghi thông tin chi tiết về kế hoạch "khiêu khích Triều Tiên tấn công" tại biên giới liên Triều.