Ông Phạm Văn Kiên - Ảnh: T.MAI
Đó là trường hợp của ông Phạm Văn Kiên (35 tuổi, ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Dù tài sản đã được kê biên để thi hành án cho ông Kiên, nhưng cơ quan thi hành án vẫn "bất ngờ" ưu tiên thi hành cho người khác.
Gian nan yêu cầu thi hành án
Theo hồ sơ, vợ chồng ông Phan Thanh Hồng và bà Dương Thị Còn vay nợ của nhiều người, trong đó có ông Kiên. Cụ thể năm 2014, ông Kiên cho vợ chồng ông Hồng vay nợ 735 triệu đồng trong 2 tháng. Tuy nhiên, đến hạn vợ chồng ông Hồng không trả nên ông Kiên khởi kiện ra tòa để đòi tiền.
Ngày 1-8-2014, TAND huyện Hòn Đất ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, phía ông Hồng đồng ý trả số tiền 746 triệu đồng - trong đó nợ gốc là 735 triệu, lãi 11 triệu - cho ông Kiên.
Để đảm bảo thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích hơn 25.000m2 của ông Hồng tại ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất; tạm giao cho phía ông Hồng quản lý đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án.
Sau khi ông Kiên khởi kiện, Quỹ tín dụng nhân dân Mỹ Hòa (có trụ sở tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cũng khởi kiện vợ chồng ông Hồng ra tòa để đòi tiền. Trước đó, họ đã thế chấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn nhưng không có tiền trả.
Bản án sơ thẩm ngày 9-7-2015 của TAND huyện Hòn Đất tuyên buộc vợ chồng ông Hồng phải trả cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa hơn 2 tỉ đồng, quỹ tín dụng trả lại 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.
Sau đó, Chi cục THADS huyện Hòn Đất đã kê biên 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, trong đó có cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã kê biên để thi hành án cho ông Kiên, để ưu tiên thi hành cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa.
Không đồng ý, ông Kiên làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND huyện Hòn Đất.
TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng cấp sơ thẩm buộc phía ông Hồng phải trả cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa số tiền hơn 2 tỉ đồng, và buộc quỹ tín dụng này trả lại cho họ tài sản thế chấp là phù hợp với quy định của pháp luật, nên không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, TAND cấp cao cũng nhận định: các hợp đồng thế chấp giữa Quỹ tín dụng Mỹ Hòa với phía ông Hồng không đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật nên không phát sinh giá trị pháp lý.
Mặt khác, trong tài sản ông Hồng thế chấp cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị kê biên để trả nợ cho ông Kiên.
TAND huyện Hòn Đất không giải quyết các hợp đồng thế chấp giữa Quỹ tín dụng Mỹ Hòa với ông Hồng nên tài sản đã bị kê biên theo quyết định số 03 (kê biên tài sản để thi hành án cho bản án giữa vợ chồng ông Hồng và ông Kiên) không được ưu tiên trả nợ cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa, mà thực hiện thanh toán theo quy định của pháp luật.
Do đó, ông Kiên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Lấy tiền vụ này "đập" vào vụ khác
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Bửu Đường - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang - thừa nhận Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất sai khi ưu tiên thi hành án cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa.
Ông Đường cho biết trước khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất chi tiền, ông đã có văn bản chỉ đạo Chi cục ưu tiên thi hành án cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa. Tuy nhiên, một tuần sau đó, ông đã thu hồi chỉ đạo này và ban hành văn bản khác, với nội dung phải ra bảng phân phối tài sản theo tỉ lệ gửi cho ông Kiên và những người liên quan. Nếu những người này khiếu nại thì tiếp tục giải quyết khiếu nại, còn nếu không có khiếu nại thì mới chi tiền.
"Có năm, bảy ngày gì đó (sau văn bản chỉ đạo đầu tiên - PV), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất đã chi rồi. Việc này là lỗi của họ chứ không phải lỗi của tôi" - ông Đường nói.
Về phương hướng giải quyết vụ việc, ông Đường cho rằng lúc chi sai cho Quỹ tín dụng Mỹ Hòa, cơ quan Thi hành án dân sự đã tìm mọi cách để thu hồi tiền nhưng không được. Bởi Quỹ tín dụng Mỹ Hòa không trả tiền, việc cưỡng chế quá phức tạp, Thi hành án dân sự không thể cưỡng chế tiền trong tài khoản của quỹ tín dụng này nên vụ việc gặp bế tắc.
"Bây giờ Quỹ tín dụng Mỹ Hòa có một vụ án ở huyện Kiên Lương, trong đó Quỹ tín dụng Mỹ Hòa là người được thi hành án, mình phải chặn tiền đó lại để thi hành án cho ông Kiên. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã hủy bản án này nên hiện tại chưa lấy được tiền" - ông Đường nói.
Ông Đường cho biết thêm việc thi hành án cho ông Kiên phải đợi bản án có hiệu lực của Quỹ tín dụng Mỹ Hòa tại huyện Kiên Lương. Nếu Quỹ tín dụng Mỹ Hòa không lấy được tiền từ bản án trên thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất mới phải bồi thường.
Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM), phương án giải quyết mà cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang đưa ra là không đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu cơ quan thi hành án muốn đòi lại số tiền trên thì cần phải khởi kiện Quỹ tín dụng Mỹ Hòa ra tòa để đòi lại tiền. Không thể khấu trừ tiền của Quỹ tín dụng Mỹ Hòa tại ngân hàng, hoặc khấu trừ tiền mà quỹ tín dụng này nhận được từ việc thi hành một bản án khác.
Biện pháp khắc phục này sẽ khiến cái sai này chồng cái sai khác.
Theo luật sư, ông Kiên có thể khiếu nại lên Tổng cục Thi hành án dân sự để có quyết định xử lý về hành vi xác định trách nhiệm của chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất trong việc thực thi công vụ gây thiệt hại cho người được thi hành án, và sau đó củng cố hồ sơ thực hiện theo thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Hoặc có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất ra tòa án có thẩm quyền để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Ngoài ra, nếu ông Kiên nhận thấy có dấu hiệu hình sự của chấp hành viên thì có thể tố cáo, củng cố hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền để xác minh, điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mòn mỏi chờ đợi thi hành án
Ông Phạm Văn Kiên cho rằng cơ quan Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất đã thi hành sai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của mình. Thế nhưng việc khắc phục hậu quả do làm sai của Thi hành án dân sự Hòn Đất kéo dài, không có biện pháp xử lý khiến gia đình ông mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả những lợi ích mà đáng lý ông phải có từ hơn 4 năm trước.
"Tôi rất bức xúc với cách giải quyết của Thi hành án dân sự Hòn Đất. Tôi mong cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc để trả lại công bằng cho một người dân thường như tôi" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận