Diễn viên Bình Minh trao giải cho nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc trong lễ trao giải Cánh diều tối 20-4 -Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Hội Điện ảnh VN tổ chức tọa đàm Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình VN năm 2015 ngày 21-4 tại Hà Nội. Theo Hội Điện ảnh VN, năm 2015 là bước ngoặt quan trọng bởi lần đầu tiên điện ảnh VN sản xuất được 40 phim (trong đó có 9 phim Nhà nước đặt hàng). Nhiều ý kiến tại tọa đàm tập trung lý giải vì sao phim nhà nước thất bại.
Bà Ngô Phương Lan - cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng để một bộ phim nhà nước vừa dung hòa được nhiệm vụ chính trị vừa đạt doanh thu tốt là điều rất khó khăn. Vì vậy, nếu cứ buộc phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải có doanh thu lớn như phim thương mại thì đó là bài toán không bao giờ giải được.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn lại nhận xét: với cách làm phim hiện nay thì điện ảnh VN “không thể đi đâu được” vì chưa tìm ra ngôn ngữ mới, cách làm mới.
“Dòng phim giải trí kịch bản yếu, cóp nhặt, nhiều phim xem xong không biết nói gì. Còn phim nhà nước kịch bản được chú ý nhưng lại là câu chuyện cũ, khán giả biết mãi rồi.
Khai thác hình ảnh phụ nữ VN khổ sở, nhẫn nhục, chịu đựng chưa chắc đã làm khán giả xúc động. Dạng “nàng Kiều” như thế đã quá nhiều. Hình ảnh phụ nữ mấy chục năm trước vẫn vậy, khán giả không chấp nhận và thế giới cũng không chấp nhận” - đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ rằng chúng ta không thể chê hết phim thị trường bởi “quan trọng là đưa khán giả vào rạp xem đã, rồi sau đó mới bàn đến chuyện hay dở... Phim hay, dở, phim nghệ thuật hay phim giải trí không quan trọng bằng việc có người xem và họ có cảm xúc”.
“Nếu cứ nói chung chung thì bản thân tôi cũng không biết phim Sống cùng lịch sử chết vì cái gì, tại sao lại bị đánh đau như thế. Chúng ta đã bao giờ hội thảo về vấn đề này một cách tử tế chưa?
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay như vậy, chúng ta đã bao giờ phân tích nó hay ở điều gì mà thu hút được khán giả quan tâm nhiều như vậy để lần sau chúng ta có thể làm tốt hơn thế” - nhà biên kịch Thanh Nhã nêu quan điểm.
NSND Đào Bá Sơn cũng cho rằng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một minh chứng cho hiệu quả của một bộ phim Nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất. Vì thế “hộp đen” của sự thành công này cần phải được giải mã, để trả lời những câu hỏi từ lâu vẫn chưa có lời đáp: “Vì sao phim nhà nước doanh thu ít? Vì sao phim tư nhân sản xuất có doanh thu cao?”.
Infographic: Phim Việt “đặt hàng” ngốn ngân sách tiền tỉ, thu về tiền triệu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận