BMW XM
"Tôi muốn gây tranh cãi". Phát biểu đó của chủ tịch BMW Oliver Zipse đã lý giải vì sao XM hoàn toàn có thể trở thành mẫu xe gây tranh cãi nhất của năm (nếu có giải thưởng này).
BMW XM nhận được phản ứng rất trái chiều từ các chuyên gia và những người đam mê ô tô. Trang ô tô nổi tiếng của Mỹ Carscoops đánh giá "từ mọi góc độ, XM trông thật kỳ quặc" và "thật khó để tìm được một góc nhìn thực sự đẹp mắt".
Lưới tản nhiệt quá khổ, đèn pha LED tách rời khá lạ, đèn hậu trông khá lạc lõng… là một vài điểm bị chỉ trích nổi bật.
Ngoài ra, BMW XM còn sở hữu một vài yếu tố gây tranh cãi khác. Chẳng hạn, chiếc xe quá nặng.
Do đó, dù là mẫu mạnh hàng đầu của BMW (644 mã lực bản thường và 748 mã lực bản Red), XM chỉ có thể tăng tốc 0-100km/h trong 4,1 giây. Thông số này thua những mẫu nhãn "M" khác của hãng có giá rẻ hơn nhiều.
Nhưng sự chỉ trích không khiến hãng xe Đức phiền lòng. Hãng cũng không có ý định thay đổi ngôn ngữ thiết kế gây tranh cãi.
Dưới quan điểm của BMW, "gây tranh cãi" tương đương "thiết kế hiện đại", và trở thành tâm điểm của các cuộc bàn tán, từ đó thúc đẩy doanh số. Ông lấy ví dụ chiếc BMW 7-Series E65 do Chris Bangle thiết kế không nhận được đón nhận nồng nhiệt, nhưng lại bán chạy hơn người tiền nhiệm rất phong cách 7-Series E38.
Hyundai Santa Fe
Hyundai Santa Fe 2024 trình làng cũng gây khá nhiều tranh cãi. Một số góc nhìn vuông vức mạnh mẽ. Một số góc lại cục mịch.
Thiết kế vuông vức gợi nhớ đến các mẫu xe của Land Rover. Tuy nhiên, điều đó chỉ duy trì nếu nhìn từ phía trước và ngang hông. Khi nhìn từ đuôi xe hất lên lại cảm giác... xe Trung Quốc (theo nhận xét của một số cư dân mạng).
Khu vực đuôi xe bị đánh giá khá nhàm chán khi thiếu điểm nhấn. Đèn hậu đặt thấp tạo cảm giác không cân đối.
SangYup Lee, giám đốc thiết kế toàn cầu của Hyundai, cho biết đèn hậu đặt thấp để đảm bảo chiều rộng của cửa sau không bị ảnh hưởng như thiết kế truyền thống. Điều này hạn chế việc cất/lấy đồ ra khỏi cốp, đặc biệt với những người đi cắm trại hay đi xa cần mang theo nhiều hành lý.
Toyota Crown
Thiết kế của Toyota Crown bản crossover khiến nhiều người bối rối. Sự bối rối đó cũng là lý do vì sao báo chí Mỹ gọi đây là "crossover sedan".
Đây là một kiểu thân xe khá hiếm gặp. Chỉ có vài trường hợp như AMC Eagle 4×4 hay gần đây có Polestar 2 chạy điện. Đặc điểm chung giữa những chiếc xe này là bánh to, khung gầm cao như SUV, nhưng thân xe sedan, và không có cửa sập.
Ngoài ra, cốp cũng là một điểm gây tranh cãi. Cốp ngăn với cabin bằng vách nửa vời. Điều này khiến bộ phận này nửa như cốp rời của sedan nửa như cốp liền của crossover.
Lý giải về thiết kế gây tranh cãi, Toyota cho biết hãng muốn giới thiệu một chiếc crossover có hiệu suất của sedan. Với Crown thế hệ mới, hãng xe Nhật muốn thu hút những người trẻ tuổi.
Nhưng có vẻ người Mỹ không quá chuộng một chiếc crossover không có cửa sập. Theo trang thống kê Good Car Bad Car, doanh số tính đến hết quý 3-2023 ở Mỹ chỉ đạt 6.899 chiếc, kém rất xa Camry (67.233 xe) dáng sedan.
Subaru Forester
Nếu những mẫu xe trên gây tranh cãi bởi quá khác biệt, Subaru Forester lại khiến nhiều người ngán ngẩm do quá giống Ford Explorer. Ngoài ra, phần hông còn gợi liên tưởng nhẹ đến Toyota RAV4.
Đầu xe Subaru Forester 2025 (trái) dễ nhầm sang Ford Explorer đời trước (phải) - Ảnh: Subaru/Car and Driver
Sau khi hình ảnh Subaru Forester 2025 được chia sẻ lên Instagram, cư dân mạng phản ứng dữ dội. Họ thậm chí còn cho rằng mình đã vào nhầm tài khoản của Ford, hay người đăng bài của Subaru đã lấy nhầm ảnh của Explorer.
Bill Stokes, giám đốc kế hoạch dòng xe (trong đó có Forester 2025), cho biết sự thay đổi nhằm thu hút nhiều người mua hơn. Ông cho biết nhiều người không mua Forester các bản trước đó do thiết kế. Họ muốn một chiếc xe tinh tế hơn.
Tesla Cybertruck
Điểm gây tranh cãi của những chiếc xe trên chủ yếu tập trung ở phần thiết kế. Còn câu chuyện xung quanh Tesla Cybertruck "drama" hơn thế.
Cybertruck sở hữu dáng tương lai khá lạ, vật liệu thép không rỉ gây tranh luận về mức độ an toàn. Ngay cả nhân viên Tesla cũng không thích. Nhà thiết kế chính của Tesla, Franz von Holzhausen, đã thừa nhận điều này với Walter Isaacson, người viết cuốn sách tiểu sử về Elon Musk.
Thiết kế quá đặc biệt cũng là nguyên nhân khiến mẫu xe này liên tục trễ hẹn trình làng, do có nhiều vấn đề khi sản xuất hàng loạt.
Bên cạnh đó, hệ thống treo độc lập bị hoài nghi khó có thể giúp chiếc bán tải off-road mượt mà. Một chiếc Cybertruck bị mắc kẹt khi leo dốc tuyết, cuối cùng phải nhờ bán tải Ford hỗ trợ khiến khả năng off-road bị hoài nghi.
Không những vậy, Elon Musk còn cảnh báo các chủ xe nếu bán lại khi sử dụng chưa được một năm sẽ bị phạt 50.000 USD. Tesla đã rút lại điều khoản vô lý này sau khi vấp phải phản ứng dữ dội. Nhưng có thông tin cho rằng hãng sẽ đưa điều khoản này trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận