Thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên báo cáo tài chính quý 4-2023 từ 10 ngân hàng có thuyết minh vay theo ngành, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn nửa triệu tỉ đồng cuối 2023, tăng 79% sau một năm.
Nhiều nơi tăng mạnh cho vay bất động sản
Báo cáo tài chính quý 4-2023 mới công bố thể hiện, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của Techcombank tại thời điểm 30-12-2023 là 176.803 tỉ đồng, tăng gần 68.000 tỉ đồng so với cuối 2022. Riêng quý 4, dư nợ bất động sản tăng hơn 16.500 tỉ đồng.
Đẩy mạnh giải ngân vào địa ốc, tỉ trọng cho vay hoạt động kinh doanh lĩnh vực này trên tổng dư nợ của TCB cũng tăng tương ứng từ 26,46% lên 35,22% sau một năm. Điểm lưu ý, dư nợ này chỉ phản ánh các khoản Techcombank cho vay khách hàng tổ chức, chưa gồm cá nhân.
Trong khi đó tại VPBank (VPB), nếu gộp cả dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lẫn cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở thì đã vượt 200.000 tỉ đồng cuối 2023.
Trong đó, dư nợ tính riêng cho vay kinh doanh bất động sản của VPB là 114.894 tỉ đồng (chiếm 20,29% tổng dư nợ), còn cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là 85.785 tỉ đồng. Cả hai khoản này lần lượt tăng 70% và 3,5% so với cuối 2022. Trong đó, riêng quý 4-2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank tăng mạnh với hơn 16.700 tỉ đồng.
Một số nhà băng cũng tăng cho vay lĩnh vực bất động sản như SHB, HDBank, MBBank…
Trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trên báo cáo hợp nhất của SHB đến cuối năm 2023 là 73.269 tỉ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm.
Mảng kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ hai trong số các ngành được SHB rót vốn nhiều nhất, chiếm 16,71% tổng dư nợ, tăng đáng kể so với mức 6,75% đầu năm. Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là lĩnh vực chiếm dư nợ lớn nhất với hơn 28,23%.
Một ngân hàng rót vốn vào bất động sản gấp mấy lần, mạnh nhất quý cuối năm
Còn tại HDBank, cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 58.484 tỉ đồng, tăng gấp gần 2,8 lần so với đầu năm. Riêng quý 4-2023, HDBank cho vay thêm hơn 22.800 tỉ đồng, cao hơn cả số cho vay thêm của Techcombank.
Trong nhóm ngân hàng tăng cho vay địa ốc tính "bằng lần" còn có MBBank. Cuối 2023, ngân hàng này có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt 43.268 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức 21.357 tỉ đồng cuối 2022.
Với tốc độ cho vay tăng nhanh, tỉ trọng bất động sản trên tổng dư nợ của MBBank cũng tăng từ mức 4,64% lên 7,09% sau một năm.
Trong cơ cấu tín dụng MBBank, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng hộ gia đình chiếm lớn nhất với 27,49%, nhưng đã giảm hơn 5%.
Một nhà băng khác cũng tăng tốc giải ngân vào địa ốc là TPBank. Cụ thể, cho vay lĩnh vực này tại TPBank cuối năm 2023 đạt hơn 14.622 tỉ đồng, chiếm 7,12% tổng dư nợ và tăng gần 4.460 tỉ đồng so với đầu năm.
Tại MSB, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng ghi nhận dư nợ 13.163 tỉ đồng thời điểm 31-12-2023, tăng gần 27% so với đầu năm. Lĩnh vực này chiếm 8,83% trên tổng dư nợ của MSB.
Ngược lại, một số nhà băng lại giảm tỉ trọng cho vay vào lĩnh vực được tính là rủi ro này trong cơ cấu dư nợ. Như BVBank, cuối năm 2023 dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 7.465 tỉ đồng, chỉ tăng 2%, tỉ trọng giảm từ 14,3% xuống 12,9%. Điều này phù hợp với chiến lược BVBank bước đầu dịch chuyển sang phân khúc cho vay khách hàng cá nhân.
Tại PGBank, việc giảm tỉ trọng cho vay từ mức 2.223 tỉ đồng cuối năm 2022 còn 2.099 tỉ đồng cuối 2023 trong bối cảnh ngân hàng "lột xác" toàn diện sau khi có nhà đầu tư mới. Tương tự, tại VIB, ngân hàng này cũng giảm dư nợ từ mức 1.995 tỉ đồng về 1.673 tỉ đồng sau một năm.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng tăng 13,5% so với cuối năm 2022. Trước đó, tính đến ngày 30-11-2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,15%. Có thể thấy, tín dụng tăng trưởng rất mạnh trong tháng cuối năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận