07/10/2024 11:51 GMT+7

Loạt 'cụ' di tích Hội An chờ giải cứu

Quần thể nhà cổ tuổi đời hàng trăm năm ở Hội An (Quảng Nam) mỗi mùa mưa lụt lại thêm ọp ẹp. Nhiều 'cụ' nhà rệu rã tới mức buộc phải di dời người ra ngoài.

Loạt 'cụ' di tích Hội An chờ giải cứu - Ảnh 1.

Nhà cổ của cụ Ngô Thị Gần tới nay thuộc diện xuống cấp không thể tiếp tục chống đỡ - Ảnh: T.B.D.

Sáng đầu tháng 10, phố đi bộ trung tâm phố cổ Hội An tấp nập khách qua lại. Mùi trầm hương lẫn mùi từ các tiệm vải tạo sắc hương đặc trưng phố cổ Hội An. Nhưng trái ngược sự chộn rộn tham quan mua sắm bên ngoài, chủ nhiều nhà cổ xưa lại phải sống trong âu lo.

Nhà cổ như "chiếc áo mục vá lại"

Căn nhà 68 Trần Phú là nhà cổ rất đặc biệt và hầu hết người Hội An lẫn giới bảo tồn di sản đều biết. Hàng chục năm ở đây là ba chị em ruột cao tuổi. Họ không lập gia đình, ở vậy với nhau từ thời xuân xanh.

Cụ Ngô Thị Gần nay 83 tuổi nhưng lại là người… trẻ nhất trong ba người đang hiện diện trong căn nhà cổ thuộc diện không thể trùng tu được của Hội An. Hai chị là các cụ Ngô Thị Xin Chị, Ngô Thị Xin Em đã ngót nghét tuổi 90.

Chúng tôi choáng ngợp khi vào bên trong nền đất "kim cương", khuôn viên nhà cổ của cụ Gần rộng thênh thang, sâu hàng chục mét. Nhưng cụ bảo: "Giờ chỉ cầu người chết trước, còn nhà sập sau cũng đành lòng".

Theo cụ, nhà ba chị em đang tá túc là của người dòng tộc. Người này cũng nhận kế thừa từ thế hệ trước. Cách đây không lâu, người đứng tên nhà này đã chuyển nhượng cho cháu hiện sống ở nước ngoài.

Cụ Gần nói sống cả đời với nhà cổ nên chứng kiến mọi biến đổi. Từng lần nhà được sửa sang nhẹ, đảo ngói cho tới những lần chằng, chống chi chít thanh xà gồ và buộc thép neo mấy năm nay.

Loạt 'cụ' di tích Hội An chờ giải cứu - Ảnh 2.

Mái nhà mục nát phải lót bạt chống dột

Do ngâm lụt qua hàng năm nên sau mỗi mùa mưa nhà lại thêm tàn tạ. Từng mảng tường úng nước xì ra đụn mốc rêu loang lổ, thỉnh thoảng từng đụn gỗ bị mối ăn vụn rơi xuống từ trần nhà. Có lần chị em cụ Gần đang mắc màn ngủ thì cả thanh kèo gỗ rớt xuống giường. Rất may là thanh gỗ đã bị mối ăn mục, chỉ còn vỏ ngoài nên nhẹ xốp, chỉ vắt ngang trên màn.

Nhà cổ của cụ Gần giờ đây chỗ nào cũng thấy dây thép buộc và những khúc gỗ mới được chèn lên giữ mái không đổ xuống. Gỗ ken dày đặc nằm sát những tấm bạt ni lông bọc dưới mái che mưa không khác cảnh những khu nhà tạm bợ ở ngoại thành.

Cụ Gần bảo nhà chỉ có ba phụ nữ lớn tuổi, nên chỉ nhờ vào nỗ lực bảo dưỡng từ cơ quan di sản. Gần đây cụ có gọi thợ đến gia cố nhà, nhưng hai năm nay người này không tới sửa sang nữa.

"Chú ấy bảo nhà không thiếu chỗ nào không chống, không bọc ni lông phía dưới nên giờ làm thêm cũng vậy. Tui cũng chỉ biết chờ vô Nhà nước, mấy chú bảo tồn di sản tới. Nhưng cách làm của họ cũng không khác chi, cũng lấy gỗ gác lên rồi buộc lại bằng dây thép.

Chỗ nào quặt quá thì họ chống thanh gỗ thẳng đứng từ dưới mặt đất lên, chủ yếu cho nhà đỡ sập để ba bà lão sống sót", cụ Gần nói.

Mỗi lần mưa, vợ chồng rải loạt chậu nhựa ra giữa nhà như quầy hàng hải sản ở chợ. Hứng chỗ này thì nước chảy chỗ khác, cứ vừa chạy vừa cầm thau hứng nước như vậy mấy năm nay. Cũng vì không có kinh phí sửa sang, phải chờ Nhà nước trùng tu nên chấp nhận cơ cực.
Bà LƯƠNG THỊ HUYỀN TRANG

Mỗi năm lại thêm nhà cổ "hết đát"

Quần thể di sản Hội An có tuổi đời trên 400 năm với khoảng 1.400 di tích cổ hiện hữu, trong đó 70% sở hữu tư nhân. Phố Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng, Lê Lợi… là những con đường mà mỗi mét vuông đất đôi khi có tiền muốn mua cũng chẳng được.

Nhà cổ Hội An được xây tường hai bên bằng gạch, kết cấu chủ yếu là gỗ tốt. Tuy nhiên dù gỗ tốt nhưng sự bào mòn của thời gian cùng việc ngâm nước lụt hằng năm, đặc biệt sự phá hại của mối mọt - kẻ thù khó chịu nhất của nhà cổ - đã khiến nhiều ngôi nhà tới nay chẳng khác gì cơ thể già nua, rệu rã vô phương cứu chữa.

Trên đường Nguyễn Thái Học có nhiều nhà cổ giá trị lớn, cho thuê kinh doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhưng càng thêm mỗi năm thì nhà lại thêm xuống cấp trầm trọng. Như ở số nhà gần 200 năm tuổi tại địa chỉ 41 Nguyễn Thái Học đã bị mối ăn rỗng nhiều cấu kiện, phần ván gỗ bao che.

Dù xử lý nhiều lần nhưng nhà vẫn xuống cấp. Hay như ở số nhà 35 Lê Lợi mà ông Đỗ Đăng Xin đang ở, vào trong nhà đâu cũng thấy những thân cột bị mối ăn rỗng ruột, tường nhà nhiều nơi nứt toác, rêu mốc loang lổ.

Hằng năm cứ vào đầu mùa mưa bão, các cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An lại làm công việc quen thuộc, đó là cầm bút ghi chép và hồ sơ xuống từng nhà cổ để kiểm kê, đánh giá tình trạng từng ngôi nhà.

Năm nay danh sách nhà diện nguy cấp đã lên con số 35, trong đó số nhà không thể ở được là 10 căn - tăng 3 căn so năm trước và khả năng sẽ tăng nhiều hơn nữa theo thời gian già nua của nhà.

Loạt 'cụ' di tích Hội An chờ giải cứu - Ảnh 3.

Nhà cổ trên đất dòng tộc của vợ chồng chị Trang bị mối gặm hỏng toàn bộ kết cấu, phải chằng chống bằng gỗ tạm - Ảnh: B.D.

Với kiến trúc, kết cấu cũng như vị trí lụt lội mỗi mùa mưa, nhà cổ Hội An luôn được đơn vị bảo tồn di sản và chủ sở hữu bỏ số tiền lớn để sửa sang, tu bổ thường xuyên. 

Nhiều "cụ" di tích sau hàng chục năm néo giữ, chống dìu để tồn tại thêm thì nay rệu rã không thể tiếp tục tồn tại. Với diện này, nhiều người nói phương pháp duy nhất là hạ giải, phá dỡ.

Chủ căn nhà cổ ở đường Bạch Đằng sát mép nước sông Hoài nói rằng sống trong nhà cổ mấy chục năm qua mà cứ như trong tệ xá. Mưa đâu là dột đấy, mỗi lần nghe bão là run, nhà cũng "run lẩy bẩy" qua từng đợt mưa lớn, tới nay chẳng còn cách gì gia cố thêm được nữa.

Cách đây không lâu, cán bộ bảo tồn xuống quan sát rồi bảo chuẩn bị sẵn đồ đạc để sơ tán ra ngoài, khả năng nhà không chịu nổi nếu có bão.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, hiện nay việc tu bổ nhà cổ được sự phối hợp giữa hai bên gồm chủ di tích và cơ quan chuyên môn.

Sau khi kiểm kê, đánh giá thì loạt danh sách nhà cần lên phương án gia cố hoặc dời người khẩn cấp ra nơi an toàn được gửi cho địa phương. Các di tích sở hữu nhà nước sẽ được dùng ngân sách tu bổ. Nhà ở tư nhân thì do người dân tự sửa sang với hướng dẫn, giám sát chuyên môn từ cơ quan quản lý di sản.

Cũng có nhiều hộ gia đình sống trong nhà cổ xuống cấp từ lâu nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không có kinh phí để sửa sang. Các trường hợp này được người của cơ quan bảo tồn dùng phương pháp thủ công chống đỡ tạm, xử lý mối mọt.

Những nhà không thể chống đỡ được thì đề xuất dùng kinh phí nhà nước hỗ trợ cùng tiền chủ nhà để có hướng xử lý căn cơ.

Sống cơ cực trong nhà giá trị lớn

Nhiều người ao ước được sở hữu nhà cổ trong phố đi bộ Hội An. Nhưng chính những chủ nhân của nhà cổ trăm năm này dù đang sống trong di sản nhưng cơ cực chẳng khác gì ở nhà dột nát.

Ngôi nhà của ông Trần Sơn hẻm Trần Phú gần như không còn mảng mái nào không có bạt che nước mưa. Phần gỗ cũng mục ruỗng, tổ mối đùn dày đặc từ trong ra ngoài. Cảnh tương tự tại nhà ông Võ Văn Hội trên phố Lê Lợi. Dù sống trong những ngôi nhà đắt giá nhưng không ít cư dân phố cổ Hội An cơ cực chẳng kém người có nhà cửa không ổn định.

Loạt 'cụ' di tích Hội An chờ giải cứu - Ảnh 6.Hội An quy định 'gia đình văn hóa 3 năm liên tiếp' mới được làm lưu trú trong phố cổ là trái luật

Nhiều luật sư cho rằng dù mục đích của chính quyền Hội An là tốt đẹp, nỗ lực tạo ra sản phẩm du lịch riêng cho phố cổ, nhưng việc ràng buộc 'gia đình văn hóa 3 năm liên tiếp' vào điều kiện lưu trú là chưa ổn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên