Không dễ gì để các sinh viên vừa mới ra trường có thể trả lời được các câu hỏi phỏng vấn một cách trơn tru, trót lọt. Nhiều ứng viên sợ đến mức run lập cập, tim đập loạn xạ, có người còn phải nuốt ngược cái ấm ức đang dâng trào vào trong, trước những vấn đề hóc búa được đặt ra.
Để bớt đi những âu lo đó, một vài câu hỏi phỏng vấn dưới đây có thể sẽ giúp bạn phần nào giải tỏa căng thẳng, âu lo trước khi đến buổi phỏng vấn.
"Trong 1 năm, bạn nhận thấy ngủ ngày nào là lâu nhất?"
Chuyện là, Tiểu Cao đã xuất sắc lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng, sau 2 vòng thi có đa phần thí sinh bị loại. Ở "mặt trận" mới, Tiểu Cao nhận được đúng 1 câu hỏi là: "Trong 1 năm, bạn nhận thấy ngủ ngày nào là lâu nhất?".
Chỉ vỏn vẹn có 30 giây để đưa ra đáp án, 3 ứng viên xuất sắc nhất còn lại căng như dây đàn. Thậm chí có người còn tỏ ra nghi hoặc, thắc mắc sao lại có 1 câu hỏi lạ lùng như vậy trong một buổi phỏng vấn.
Cố gắng giữ bình tĩnh khi nhà tuyển dụng bấm dừng đồng hồ, nhìn về phía anh này, ứng viên cố gắng tỏ ra "tôi ổn" và đáp: "Điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài nữa, chẳng hạn chất lượng giấc ngủ. Ai cũng có những giấc ngủ khác nhau. Bởi một người làm việc nhiều, thì ngủ sẽ càng lâu hơn vì mệt mỏi cả ngày. Đó là kinh nghiệm cá nhân của tôi".
Nhà tuyển dụng không đồng tình với đáp án, loại anh ta ngay lập tức và nhận định: "Dù kinh nghiệm anh có nhiều, song chưa được nhạy bén lắm".
Ứng viên thứ hai có chút bất bình trước cách trả lời của nhà tuyển dụng, khi đưa ra đáp án, giọng nói có chút bức bối: "Tôi đang không hiểu thời gian ngủ thì liên quan gì đến công việc tôi nộp đơn chứ? Xin dừng hỏi những câu không 'ăn nhập' gì. Tôi mong muốn có được một câu hỏi tương xứng với năng lực của mình".
Người phỏng vấn ngao ngán trước thái độ của ứng viên, quyết định loại vì thái độ "lồi lõm" mà người này thể hiện. Quay sang người cuối, cũng là Tiểu Cao, anh này điềm tĩnh trả lời: "Ngày cuối cùng trong năm là ngày dài nhất, là câu trả lời của em. Bởi vì ngày đó vừa ngủ lúc đêm Giao thừa xong, năm mới đã ngay bên cạnh rồi".
Gật gù hài lòng trước sự linh hoạt của Tiểu Cao, anh này đã được tuyển dụng. Đồng thời, một bài học rút ra sau buổi phỏng vấn này là kỹ năng giải quyết vấn đề, sự nhạy bén và tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước.
“Một con cua có 8 cái chân. 100 con có bao nhiêu chân?”.
Lý Văn cùng 2 ứng viên khác tham gia vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Cô được nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi: "Một con cua có 8 cái chân. 100 con có bao nhiêu cái chân".
Câu hỏi "dễ ợt" này ngay lập tức được cô cùng một ứng viên khác đưa ra đáp án là "800 chân". Nào ngờ, cả hai cùng bị loại trong sự khó hiểu.
Trong khi đó, ứng viên còn lại đưa ra đáp án "không xác định" và được nhà tuyển dụng đồng thuận. Người này giải thích: "Câu hỏi đưa ra là '100 con có bao nhiêu chân', chủ ngữ ở đây không xác định. Vậy 100 con cũng có thể là 100 con gà hoặc 100 con vịt hay 100 con rết... Với số chân khó có thể xác định chính xác như vậy, đáp án 800 chắc chắn sai".
Bởi thực ra, đây chỉ là một dạng "bẫy phỏng vấn" nhằm kiểm định sự nhanh nhạy, chính xác và tỉnh táo của ứng viên khi đứng trước một vấn đề. Đừng vì "nhanh nhảu đoảng" mà lỡ dở mọi việc, bạn nhé!
"Có 23 cây nến, 15 cây đã thổi tắt, còn lại bao nhiêu cây?"
Cô nhân viên văn phòng Ngọc Dao có 1 năm kinh nghiệm đi làm. So với nhiều ứng viên khác, cô tỏ ra kém ưu thế hơn khi có số năm kinh nghiệm ít ỏi. Dù vậy, năng lực bản thân đã giúp Ngọc Dao vượt qua vòng "đánh giá chuyên môn" và đi đến phần thi kiểm tra thực tế cho vị trí "trợ lý marketing".
4 vị trí cuối cùng khá đồng đều nhau, khiến nhà tuyển dụng đắn đo, suy nghĩ lựa chọn ai. Người này bèn đưa ra câu hỏi: "Trên bàn tròn có 23 cây nến, 15 cây trong số chúng đã bị thổi tắt, hỏi còn lại bao nhiêu cây?".
Người đầu tiên tính ra 8 theo phép toán "23-15", nhưng bị nhà tuyển dụng lắc đầu từ chối.
Người thứ hai biết được 8 là đáp án sai, liền nghĩ ra cách khác, cô đáp: "Câu hỏi này không hề liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tôi xin phép không trả lời". Tuy nhiên, cách trả lời cá tính này đã khiến cô là người bị từ chối tiếp theo.
Ứng viên thứ ba rút kinh nghiệm từ 2 người trả lời đầu, ông này - với kinh nghiệm tích lũy hàng chục năm, đã suy nghĩ thấu đáo và đáp: "Không còn ngọn nến nào, vì câu hỏi đó không có thật".
Nhà tuyển dụng chỉ cười và chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào. Đến lượt Ngọc Dao, cô tự tin trình bày câu trả lời của mình: "Số nến vẫn còn nguyên vì "thổi nến tắt" và "còn lại" không liên quan gì đến nhau cả. Dù nến có bị thổi tắt thì trên bàn vẫn còn đó 23 cây!".
Theo đó, câu trả lời của Ngọc Dao thuyết phục hoàn toàn nhà tuyển dụng. Cô nhận được lời khen khi đã giải bài toán theo cách "nghĩ ra ngoài", thay vì chỉ chuyên tâm vào những nội dung theo chuẩn kiến thức thông thường.
"Bạn cùng lớp 10 năm không liên lạc mời cưới, bạn có đi không?
Trong cuộc phỏng vấn cho vị trí trưởng phòng kinh doanh có sự cạnh tranh của 4 ứng viên tiềm năng, một câu hỏi được đặt ra để nhà tuyển dụng có thể biết được kỹ năng mềm lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Nội dung câu hỏi là: "Nếu một người bạn cùng lớp không liên lạc suốt 10 năm qua, bất ngờ gửi thiệp cưới, bạn có đi không? Bạn sẽ để bao nhiêu vào phong bì mừng cưới?".
Người đầu tiên cho biết, anh sẽ không đi và lấy cớ "bận làm". Tuy nhiên, anh sẽ gửi tiền mừng qua App khoảng 200 nhân dân tệ (hơn 700 ngàn đồng).
Ứng viên thứ hai thì khẳng định, anh không dự đám cưới cũng không mừng tiền gì.
Giống như ứng viên thứ 2, anh chàng thứ ba cũng không đi và không gửi phong bì. Theo anh, người bạn học này chỉ muốn kiếm "chút đỉnh" từ bạn bè cũ. Anh nghi ngại, lỡ sau này có tổ chức đám cưới, anh ấy mời mà người này phớt lờ, thì cũng... như không?!
Người cuối cùng, anh này giải quyết như sau: "Anh ấy muốn mời tôi, nghĩa là anh ấy còn nhớ đến mình. Nếu có thời gian, tôi sẽ đến đám cưới của anh ấy, dù gì thì cả hai cũng là bạn học cùng lớp kia mà. Còn về mừng cưới, tôi sẽ gửi theo tình hình tài chính của mình".
Nghe qua một lượt, nhà tuyển dụng ưng ý nhất câu trả lời có tình có nghĩa, có trước có sau của ứng viên thứ 4. Với người phỏng vấn, mối quan hệ cá nhân cũng ảnh hưởng đến tư duy công việc và cách anh này sống trong xã hội. Tiếp nhận vấn đề và xử lý theo cách ôn hoà nhất, luôn là cách chiếm được cảm tình người đối diện nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận