Hình ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (áo trắng) thị sát Sư đoàn phòng không và không quân được công bố hôm 12-4 - Ảnh: KCNA/REUTERS
Tin tức nói về cái chết của ông Kim nhiều khả năng hóa ra thành chuyện "chẳng có gì".
GS Lee Seong Hyon (giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong, Hàn Quốc)
Phân tích này càng diễn tả bí ẩn lớn xung quanh tin đồn về sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Tin đồn như nấm
Sự chú ý đối với sức khỏe của ông Kim xuất hiện chủ yếu xoay quanh việc ông bị cho không có mặt trong ngày 15-4, lễ kỷ niệm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành - ông nội ông Kim.
Trang tin Daily NK (trụ sở Seoul, Hàn Quốc) sau đó đưa tin ông Kim đã có cuộc phẫu thuật tim vào ngày 12-4. Đài CNN (Mỹ) bám theo câu chuyện, cho hay Mỹ "đang quan sát thông tin cho rằng ông Kim đang nguy kịch" sau cuộc phẫu thuật ấy. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng cho biết Nhà Trắng đang "theo sát" các thông tin nêu trên.
Phía bên kia, Triều Tiên ngó lơ các tin đồn, và chăm chỉ đưa tin liên quan tới hoạt động của Chủ tịch Kim. Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó tỏ thái độ hoài nghi. Thậm chí cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Moon Jae In, ông Moon Chung In, đã tranh thủ trả lời Fox News và CNN rằng: "Quan điểm của chính phủ chúng tôi là nhất quán. Kim Jong Un vẫn sống và khỏe mạnh".
Tuy nhiên, các tin đồn về ông Kim Jong Un vẫn như nấm sau mưa. Một nhánh báo chí phương Tây bắt đầu đặt câu hỏi về "người kế vị" ông Kim nếu vị lãnh đạo Triều Tiên thực sự qua đời. Một nhánh khác tiếp tục đi tìm sự thật. Qua vệ tinh, họ phát hiện toa tàu được biết dành riêng cho gia đình nhà Kim nằm ở thị trấn Wonsan, miền duyên hải phía đông Triều Tiên.
Và mới đây nhất, nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo dẫn lời một nguồn thạo tin ở Trung Quốc nói ông Kim Jong Un đã không có mặt trong lễ kỷ niệm ngày sinh ông nội vì vệ sĩ của ông nghi dương tính với virus corona.
Trong khi đó, hôm qua báo chí Triều Tiên đăng toàn văn bức thư của ông Kim Jong Un gửi lời cảm ơn các công nhân xây dựng một khu nghỉ mát ở Wonsan, như một lời bác bỏ các tin đồn.
Thực hư ra sao?
Tuổi Trẻ đã có trao đổi ngắn với GS Lee Seong Hyon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong (Hàn Quốc). Ông Lee, người nghiên cứu về chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên, cho rằng nhiều khả năng tin đồn về cái chết của ông Kim Jong Un chỉ là... tin đồn.
Theo GS Lee, bằng chứng quan trọng nhất để phục vụ lập luận này là việc quân đội Triều Tiên không đặt trong tình trạng cảnh báo như nó vốn dĩ phải như vậy trước biến cố.
"Ông Kim có thể đã trải qua một số quy trình điều trị y tế và đang hồi phục, hoặc có thể liên quan tới một số cảnh báo về virus corona. Ông Kim nhiều khả năng sẽ tái xuất" - GS Lee nói với Tuổi Trẻ ngày 26-4.
Nhận định của vị chuyên gia này trở nên hợp lý với những thông tin cập nhật về tình hình ông Kim sau đó. Đơn cử như thông tin liên quan tới cận vệ nghi nhiễm virus corona của JoongAng Ilbo hay một bản tin của Reuters nói Trung Quốc cử đội ngũ y tế sang hỗ trợ ông Kim, cho rằng nhiều khả năng lãnh đạo Triều Tiên lánh mặt với lo ngại nhiễm virus và đang cẩn trọng trong quá trình tự cách ly.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm là vì sao tin đồn xuất hiện. Nói như trang tin Axios, những thứ người ngoài biết về Triều Tiên phần lớn nhờ Triều Tiên muốn truyền tải. Vậy mục đích truyền tải là gì?
Hồi tháng 3 năm nay, báo chí phương Tây cũng phân tích lý do Triều Tiên phóng "vật thể" liên tiếp. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật từng phân tích rằng động cơ của Triều Tiên rất có thể nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ trở lại, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây giảm bớt quan tâm đối với đàm phán Mỹ - Triều vì dịch bệnh do virus corona gây ra.
Quyết tâm, phần nào nóng lòng, của Triều Tiên cũng liên quan tới yếu tố kinh tế trong mùa dịch. "COVID-19 gần như sẽ vượt quá khả năng y tế của Triều Tiên, vì vậy ông Kim Jong Un đang chơi một ván cờ song hành.
Về đối nội, chính quyền của ông tuyên bố bảo vệ nhân dân bằng các biện pháp kiểm dịch quyết đoán và các bài tập trận chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế, nhưng vẫn ám ảnh với việc không để mình đứng ở vị trí thấp hơn so với Seoul" - Leif-Eric Easley, phó giáo sư tại Đại học Seoul Ewha Womans, nói.
Nói cách khác, nếu Triều Tiên thực sự muốn rò rỉ thông tin về ông Kim Jong Un để thu hút sự chú ý của quốc tế, họ có thể đã đạt mục đích.
Mỹ - Trung đều phải lo
Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin xung quanh ông Kim Jong Un và tác động với tình hình khu vực, GS Lee Seong Hyon cho rằng sự "biến mất" của ông Kim thường tạo ra sự tò mò và chú ý mãnh liệt từ thế giới bên ngoài, lý do nằm ở hàm ý của nó đối với sự bất ổn trong địa chính trị khu vực. Ông cho rằng cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều thực sự lưu tâm tới tình trạng lãnh đạo Triều Tiên.
"Đây là một vấn đề cả Mỹ và Trung Quốc có nghĩa vụ phải hợp tác. Vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn là một bất ổn tiềm tàng và nó sẽ gây nguy hiểm cho khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta không nhìn thấy sự hợp tác ấy" - GS Lee nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận