Sau một vòng lướt Facebook, không khó để nhận ra trong số những sản phẩm mang tính giải trí có lượt xem khủng là một phần không hề nhỏ những clip về các giọng ca thảm hoạ. Hát hay thì hot là điều hiển nhiên, nhưng lạ thay thời nay những chất giọng "có thù với âm nhạc" sao cũng nổi đình nổi đám như thường?
"Biểu tượng hát dở" một thời
Chắn hẳn giọng ca của Lệ Rơi năm nào nay vẫn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả yêu âm nhạc khi anh chàng này chọn hát lại bài nào là sẽ “phá nát” bài đó. Năm 2014, anh chàng bất ngờ trở thành hiện tượng mạng được nhiều người chú ý qua những bản cover bằng giọng hát khó nghe, ngoại hình không ưa nhìn cùng những phát ngôn ngô nghê.
Vậy mà chỉ sau vài ngày "debut" (ra mắt), trang fanpage chính thức của Lệ Rơi nhanh chóng thu hút hơn 120.000 lượt thích, mỗi clip hát đăng tải trên YouTube cũng đạt hàng chục nghìn lượt xem. Thừa thắng xông lên, Lệ Rơi bắt đầu dấn thân vào showbiz bằng nhiều công việc như quay MV, đóng phim, làm mẫu ảnh nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi... mất dấu.
Tre già măng mọc, Lệ Rơi nay đã lui về làm một người công nhân bình thường nhưng những giọng ca thảm hoạ, dám mạnh dạn đưa tiếng hát của mình trước đông đảo công chúng thông qua mạng xã hội thì vẫn ngày càng nhiều.
Có thể kể đến “công chúa thuỷ tề” Tùng Sơn, Kenny Sang... nhờ có giọng ca chói tai nhưng siêng hát mà trở thành "từ khóa" được tìm kiếm. Và sau đó là nhan nhản những cái tên như: Thánh ham hát, Thánh xin hát, Anh Hảo cô vơ…
Cứ bài nào hot là những “tài năng âm nhạc" này liền đua nhau cover. Thậm chí để thoả đam mê, họ còn làm MV và thường xuyên livestream để hát hò, giao lưu với... người hâm mộ.
Tràn ngập "giọng ca hú hồn" từ truyền hình đến ứng dụng
Người xưa thường nói “tốt khoe, xấu che” thế nhưng những nhân vật này không ngại “khoe” cái mà họ “dở” nhất lên mạng xã hội để biến chúng thành những sản phẩm gây cười, thu hút lượt xem khủng, được nhiều người chú ý tới bằng những cái tên như hiện tượng mạng, thánh cover hay thảm họa âm nhạc.
Nhanh nhạy trước xu hướng thích nghe các giọng ca thảm họa, chương trình Giọng ải giọng ai ra đời, nay đã đến năm thứ tư vẫn có lượt xem cao ngất ngưởng! Hát càng chênh, phô, lạc quẻ, giọng càng chói tai, rùng rợn càng được chú ý.
Không chỉ trên truyền hình, những giọng ca "kinh dị" này đang ngày càng lan rộng trên mạng xã hội, các ứng dụng giải trí như Facebook, Instagram, Gapo, TikTok. Thậm chí, nhiều người còn lập hẳn kênh Youtube và fanpage riêng để thuận tiện trong việc quảng bá giọng ca thảm hoạ của họ tới công chúng. Những kênh này nhanh chúng thu hút hàng nghìn lượt theo dõi chỉ sau vài bản cover "xin lỗi chịu không nỗi".
Trào lưu này càng dân cao khi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không có năng khiếu ca hát như: Ninh Dương Lan Ngọc, Diệu Nhi, Thu Trang... cũng thường thích khoe chất giọng khó đỡ của mình trên sóng truyền hình hay các clip trên kênh cá nhân . Lạ lùng thay khi lại có rất nhiều khán giả chờ đợi, khuyến khích những giọng ca thảm hoạ này cất tiếng.
Nhu cầu nghe, nhìn những sản phẩm giải trí trực tiếp trên mạng xã hội những năm gần đây tăng mạnh. Dân mạng ngày nay không chỉ thích trải nghiệm những bộ phim hay, thưởng thức những bản nhạc bắt tai mà còn muốn xem các loại hình giải trí “bựa”, “xàm” chỉ để được cười mà không cần suy tư.
Có "cầu" ắt hẳn sẽ có "cung", trong tương lai chắc sẽ còn thêm nhiều "thảm họa âm nhạc" đợi chúng ta khám phá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận