Một quảng cáo thuốc kích dục trên YouTube - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty DigiPencil MVV Nguyễn Tiến Huy cho rằng các quảng cáo "thần y" hay "Ba đời nhà tôi bán thuốc..." xuất hiện tần suất dày đặc, dồn dập thời gian qua là do tận dụng cơ chế xét duyệt tự động của quảng cáo online và vì tiền mà bất chấp của các đại lý, nhà cung cấp công nghệ.
Hạ thấp giá trị doanh nghiệp
"Với cơ chế quảng cáo tự động cộng với sự dễ dãi của khâu kiểm duyệt thì việc lọt sổ những quảng cáo lang băm, hay sản phẩm không được kiểm tra chất lượng gây ảnh hưởng đến tính mạng của người khác sẽ không tránh khỏi", ông Huy nói.
Đáng ra, với tư cách là nhà cung cấp nền tảng công nghệ, những ông lớn như YouTube biết cách dùng công nghệ siết lại các quảng cáo sai luật (quảng cáo phải được cơ quan chức năng duyệt nội dung và cấp phép quảng cáo theo quy định của nước sở tại, cụ thể là Việt Nam).
Theo ông Huy, bản chất của quảng cáo trên YouTube là tăng tần suất hiển thị và luôn mở rộng tệp khách hàng nên nhiều người có thể xem dễ dàng.
Trong khi đó, để siết quảng cáo và đảm bảo nội dung vào đúng tệp khách hàng mong muốn, một số nền tảng xã hội khác phân loại nội dung theo từng nhóm đối tượng, đưa quảng cáo đến từng nhóm khách hàng.
Đã có một số nền tảng làm được chuyện này khi họ quyết tâm siết các nội dung quảng cáo mang tính chê bai hình thức, quảng cáo liên quan đến sức khỏe, thực phẩm chức năng giảm béo cấp tốc, đẹp da hết nám hay cả chê bai cuộc đời khốn khó... và đến nay các quảng cáo như vậy không còn xuất hiện trên một số nền tảng.
"Cũng có thể vì bị siết nên các quảng cáo "Nhà tôi ba đời..." mới bắt đầu chạy sang YouTube và trở nên phổ biến, ám ảnh người xem", ông Huy nói.
Trong khi các quảng cáo dù trên nền tảng truyền hình hay báo in đều phải qua xét duyệt mới được công bố nhưng đối với quảng cáo trực tuyến, không có ai xét duyệt được những nội dung này vì bản chất các công ty công nghệ đều đặt văn phòng ở nước ngoài.
"Trong trường hợp này, về mặt kiểm duyệt, nhà quản lý Việt Nam chỉ có thể quản lý các đại lý địa phương. Nhưng quản lý như vậy cũng không khác "nắm kẻ có tóc". Theo tôi, cần có cơ chế quản lý gây áp lực hơn cho Google, YouTube... như các nước châu Âu đang làm", ông Huy nói.
Dễ dãi trong xét duyệt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp, cá nhân có thể quảng cáo dịch vụ, hàng của mình trên YouTube bằng cách thuê doanh nghiệp trung gian hoặc… tự làm. Nếu tự làm, cá nhân hoặc công ty cũng phải đăng ký tài khoản dịch vụ quảng cáo của Google (Google Ads).
Thông thường, việc làm các video quảng cáo hiện đại cần nhiều kỹ năng, kỹ thuật khá công phu nên thường các doanh nghiệp sẽ thuê công ty truyền thông thực hiện. Tuy nhiên, những video quảng cáo kiểu "thần y" chữa bá bệnh hay "nhà tôi ba đời chữa bệnh…" lại có thể thực hiện rất đơn giản.
Người làm chỉ việc "chôm chỉa" các khung hình của chương trình truyền hình chính thống, thậm chí có cả hình ảnh người dẫn chương trình quen thuộc, lồng ghép các khung thông tin chữa bệnh, số điện thoại và chèn lời thoại "khủng bố" quen thuộc… là xong một video quảng cáo. Việc còn lại là dùng tài khoản Google Ads và cho chạy quảng cáo trên các video YouTube.
Một chi tiết rất quan trọng quyết định sự tràn lan của các video quảng cáo thuốc chữa bá bệnh, "thần y" chữa bá bệnh hay "nhà tôi ba đời chữa bệnh..." là tính năng "đấu thầu" để chọn hiển thị ưu tiên trong dịch vụ quảng cáo của Google. Đây là tính năng cho phép người chạy quảng cáo lựa chọn số tiền mình sẽ trả cho Google khi người xem YouTube "kích chuột" vào video quảng cáo hoặc xem đủ thời gian quy định.
"Thông thường, những công ty, cá nhân chạy quảng cáo chuyên nghiệp sẽ biết cách "đấu thầu" số tiền ít nhất nhưng cho hiệu quả cao nhất. Chi phí thông thường phổ biến trong khoảng 100 - 200 đồng cho một lần người xem truy cập hoặc xem đủ thời gian YouTube quy định cho video quảng cáo.
Tuy nhiên, những video quảng cáo "thần y", thuốc chữa bệnh nêu trên đã "đấu thầu" cao lên gấp nhiều lần, có thể từ 500 đồng, thậm chí 900 đồng.
Do đó, các video này luôn được ưu tiên hiển thị tràn lan như đông đảo người xem đã phản ánh thời gian qua", anh D. (đề nghị không nêu tên), giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo qua Google, cho biết.
Lý giải câu chuyện "chơi lớn" của các "thần y", dịch vụ chữa bệnh nêu trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng lợi nhuận mang lại quá lớn nên họ sẵn sàng "đầu tư" mạnh chi phí để tìm kiếm "khách hàng".
Chẳng hạn, trong vai một người con đang hỏi mua thuốc trị phổi tắc nghẽn cho mẹ, "nhân viên" của một "lương y" trên YouTube đã ra giá 3,2 triệu đồng cho liều thuốc 3 tháng, bao thăm khám thường xuyên… qua điện thoại.
Như vậy, chỉ cần kiếm được vài chục đến vài trăm "khách hàng" trong hàng triệu đối tượng bị xem quảng cáo trên YouTube là các "thần y", "lương y" có thể sống khỏe.
Bên cạnh đó, những cá nhân chạy các quảng cáo này cũng luôn biết cách tận dụng triệt để các chương trình khuyến mãi, voucher giảm giá dịch vụ quảng cáo của Google Ads để tiết kiệm tối đa chi phí, qua đó tối ưu lợi nhuận...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận