30/05/2019 18:49 GMT+7

'Loạn' học sinh giỏi: 'Sự ảo tưởng mặc nhiên tồn tại từ nhỏ tới lớn'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng câu chuyện 42/43 học sinh đạt loại giỏi đang gây xôn xao dư luận những ngày qua trong thực tế rất nhiều, và tồn tại trong sự im lặng của Bộ Giáo dục - đào tạo.

Loạn học sinh giỏi: Sự ảo tưởng mặc nhiên tồn tại từ nhỏ tới lớn - Ảnh 1.

"Một nền giáo dục lấy thành tích làm thước đo năng lực con người" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói - Ảnh: B.D

"Những sự việc như một lớp mà có tới 42/43 học sinh đạt loại giỏi chính là hệ quả của căn bệnh thành tích, nó xảy ra hằng bao, nhiêu năm rồi nhưng bây giờ mới có một trường bị phát hiện. Không một nơi nào mà thiên tài đến nỗi có một tập thể mà số người giỏi, học sinh giỏi tuyệt đối được như vậy cả", nữ đại biểu TP.HCM nói với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội chiều 30-5.

"Bằng khen của con là món đồ trang trí cho cha mẹ"

* Theo bà nguyên nhân của những câu chuyện "loạn học sinh giỏi" như báo chí đang nêu là từ đâu? 

Đó là do một nền giáo dục vốn lấy thành tích để làm tiêu chí đánh giá con người, dẫn đến áp lực cho học sinh tới phụ huynh. Giờ các em cứ đi học là phải có điểm 10, chứ điểm 9 là bố mẹ la rầy. Đó là biểu hiện của dạng thành tích không thực chất mà chỉ như một món đồ trang trí làm đẹp cho cha mẹ.

* Tác hại của việc loạn thành tích, loạn học sinh giỏi như hiện nay là gì?

Việc học đang như thế cho nên tới lúc đi làm, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước, đánh giá cuối năm cũng rất bị xem nhẹ, ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ai mà hoàn thành nhiệm vụ thôi thì buồn lắm.

Ở mức cao hơn chính là việc đánh giá tín nhiệm, có lẽ cũng bắt nguồn từ cái thành tích như thế nên cứ phải là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm thấp", rồi "tín nhiệm vừa vừa".

Hình như chúng ta không quen ăn ớt, không quen đối diện bản chất sự thật mà chỉ quen ngụy trang bằng cách thêm đường vào cho ngọt. Chúng ta đã bị bệnh thành tích, giả dối bao nhiêu năm ăn vào máu rồi.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

* Bệnh thành tích hiện nay xuất phát từ giáo dục, kéo dài cả quá trình đi học mà không được giải quyết?

Thực chất thành tích học tập là để phân loại, để các em nhìn lại chính mình, làm căn cứ để lựa chọn ngành nghề về sau. Còn bây giờ đi học thì em nào cũng điểm 10, em nào cũng loại giỏi, cũng xuất sắc thì làm sao phân biệt với em nào dở?

Thời chúng tôi đi học tôi còn nhớ cả trường 23 lớp mà chỉ có một bạn đạt loại giỏi, điểm trung bình để đạt loại giỏi như thế cũng chỉ trên 8 chứ không phải 10 như bây giờ.

Ngay cả tôi trong những năm làm giảng viên đại học cũng cho điểm một cách rất thận trọng. Thực trạng những em học điểm cấp 3 cao chót vót nhưng khi vào đại học, ngay học kỳ đầu đã gánh điểm liệt, các em đã rất sốc.

Mọi thứ đều có ba-rem. Nhưng người lớn, thầy cô hiện nay không làm theo ba-rem đó. Chỉ dùng cái ảo để đưa các em lên, làm các em ảo tưởng, không có cơ hội nhìn lại để biết mình đang ở đâu.

Loạn học sinh giỏi: Sự ảo tưởng mặc nhiên tồn tại từ nhỏ tới lớn - Ảnh 3.

"Đang có sự loạn bằng khen, loạn học sinh giỏi theo kiểu ban phát" - đại biểu Phong Lan nói - Ảnh: B.D

"Sự ảo tưởng được nuôi dưỡng từ nhỏ tới lớn"

* Với các em học sinh, nhất là cấp 1, cấp 2, việc này ảnh hưởng như thế nào về tâm lý, nhận thức và hành vi?

Nó gây cho các em sự ảo tưởng về sức mạnh của mình. Đi học mà lúc nào cũng điểm 10 thì sau này chỉ muốn làm thầy, không muốn làm thợ.

Cái hại thứ hai là các em sẽ mất ý chí phấn đấu, vì học như thế là giỏi rồi, không chịu khó tìm tòi thêm nữa. Sau này nếu chúng ta cải tiến thi cử theo hướng lấy học bạ để xét vào đại học thì kết quả trong học bạ cũng không chính xác.

* Dường như cứ tới mùa kết thúc năm học hàng năm thì nhìn đâu chúng ta cũng thấy học sinh giỏi, loạn bằng khen?

Đúng là đang có một sự ban phát thành tích, giấy khen, những lời khen ngợi một cách rất bừa bãi và không theo một chuẩn nào. Không có quốc gia nào mà học sinh toàn loại giỏi như nước ta.

Dạy trẻ em không chỉ là dạy chữ mà quan trọng hơn là đạo đức. Với cách cho điểm ảo như hiện nay thì chúng ta đang chối bỏ giá trị của giáo dục, từ điểm số đánh giá cho tới môi trường giáo dục. Một phần là chúng ta không xử lý nghiêm.

* Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong những vụ việc như thế này ra sao?

Tôi có cảm giác Bộ GD-ĐT vẫn bình chân! Tức là những cái tiêu cực như thế chỉ có xã hội nói thôi, không sao cả. Con cái của chúng ta là các thế hệ trẻ mỗi ngày trôi qua đều dần quen với thói dối trá đó, cho tới khi các cháu đi làm.

Bộ GD-ĐT phải ban hành chuẩn và phải giám sát cái chuẩn đó. Chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm các nước, phải có cách ra đề thi, cách cho điểm chứ không thể thả nổi, để mặc cho các trường như hiện nay.

Tất nhiên nhà trường phải tự chịu trách nhiệm kết quả, nhưng khi thấy có sự bất thường, manh nha của bệnh thành tích, thì phải có giải pháp chặn đứng từ trứng nước. Ví dụ như một trường ở nơi rất khó khăn, vùng sâu vùng xa, từ giáo viên tới học sinh đều rất khổ sở mà học sinh học toàn điểm 10, đều đạt loại giỏi, xuất sắc thì rõ ràng phải nghi ngờ.

Bộ GD-ĐT trong trách nhiệm của mình hoàn toàn có thể làm được việc đó.

Gian lận thi cử cướp đi cơ hội của người học bằng thực lực

TTO - "Những người gian lận trong thi cử vừa qua là ăn cướp trên mồ hôi xương máu, là vô liêm sỉ, hành động đó đã cướp đi cơ hội của con em cố gắng học hành bằng chính sức lực", đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau).

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên