07/05/2024 09:11 GMT+7

Loạn dự báo thị trường bất động sản khiến chung cư bị 'thổi giá'?

Số liệu của Bộ Xây dựng vào cuối tháng 4-2024 cho thấy giá chung cư ở Hà Nội tăng đến 38% so với năm 2019. Trong khi đó, theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, giao dịch bất động sản không có nhiều biến động nhưng chung cư vẫn bị "thổi giá".

Cũng một căn hộ tại dự án chung cư (ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng nhân viên môi giới nhà đất lại hét giá khác nhau, chênh đến gần 10 triệu đồng/m2 - Ảnh: Q.THẾ

Cũng một căn hộ tại dự án chung cư (ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng nhân viên môi giới nhà đất lại hét giá khác nhau, chênh đến gần 10 triệu đồng/m2 - Ảnh: Q.THẾ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng chung cư bị "thổi giá" có nhiều nguyên nhân, nhưng việc "đua nhau" tung ra báo cáo chưa toàn diện và thiếu khách quan khiến thị trường bất động sản (BĐS) bị méo mó.

Ông Võ nói: Mỗi khi nhà đất bị "thổi giá", chỉ chủ đầu tư và giới đầu cơ hưởng lợi. Còn chịu thiệt đơn thiệt kép chính là người dân, ước mong có căn hộ chung cư ở đô thị trở nên xa vời. Nhìn rộng hơn khi BĐS bị đẩy giá sẽ làm "phá sản" chính sách nhà ở.

* Giá nhà chung cư tại Hà Nội dường như đã tạo ra cú sốc vì đã được đẩy lên rất cao ở tất cả các phân khúc, theo ông, đâu là tác nhân?

Giáo sư ĐẶNG HÙNG VÕ

Giáo sư ĐẶNG HÙNG VÕ

- Như thông tin Bộ Xây dựng đã công bố, trong suốt nhiều tháng qua miền Bắc chỉ có ba dự án ở Hưng Yên, trong khi Hà Nội không có thêm bất kỳ một dự án nào. Điều này cho thấy đây là thời điểm khan hiếm BĐS.

Theo quy luật khi nguồn cung khan, giá BĐS có thể nhích lên hoặc có thể giảm tùy thuộc vào nhu cầu có thật của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, thời điểm này nhà chung cư ở Hà Nội đã tăng giá "bất chấp", một phần do "loạn" dự báo thị trường BĐS.

Các báo cáo này được tung ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, không tuân thủ theo một nguyên tắc nào cả. Muốn đánh giá một thị trường BĐS phải có dữ liệu nhưng dữ liệu mỗi người nắm một ít, không tổng thể nên khi tung ra sẽ thiếu toàn diện.

Chưa kể đến việc doanh nghiệp vì lợi ích của mình đưa ra những báo cáo, thông tin dữ liệu không có cơ sở nhưng lại có lợi cho mình.

* Có ý kiến cho rằng có "bàn tay vô hình" đứng sau những báo cáo không khách quan?

- Báo cáo thị trường BĐS trong những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, đang "trăm hoa đua nở". Có nhiều đơn vị tham gia báo cáo thị trường, có cả công ty tư nhân trong nước và ngoài nước, tạp chí, tổ chức hiệp hội...

Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ câu chuyện tung báo cáo để "dọn đường" cho dự án. Ví dụ chuẩn bị bán dự án hoặc sắp bán dự án, doanh nghiệp sẽ tung báo cáo "tạo sóng ảo", nâng giá nhà khu vực đó để có lợi cho mình.

Tình trạng thiếu cung do dự án được phê duyệt nhỏ giọt là có nhưng thực tế giao dịch không biến động nhiều. Vậy nên mức giá chung cư "tăng mạnh" thời gian gần đây không phải do cung - cầu của thị trường.

Do vậy, người có nhu cầu ở thật muốn mua chung cư thời điểm này phải xem xét thật kỹ lưỡng, tỉnh táo trước những ý kiến bình luận về thị trường, tâm lý đám đông. Đừng quá tin tưởng vào báo cáo này báo cáo kia mà phải đi thực tế để khảo sát sau đó mới xuống tiền.

* Có một thực tế là sau khi chung cư bị "thổi giá", dù giao dịch không nhiều nhưng một mức giá mới sẽ được thiết lập?

- Chuyện này ai cũng biết. Giá nhà ở xã hội, chung cư thương mại giá rẻ đã tăng gấp đôi từ 10 triệu đồng/m2 lên 22 triệu đồng/m2 sau 10 năm.

Trong khi đó hồ sơ xét duyệt mua nhà xã hội rất khó khăn, nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại của người dân. Mấy năm trở lại đây ở Hà Nội cũng không còn chủ đầu tư hứng thú làm chung cư thương mại giá rẻ.

Thời điểm hiện tại, chung cư thương mại ở Hà Nội dao động từ 50 - 70 triệu đồng/m2. Có thể dễ dàng nhận thấy giá nhà tăng rất cao trong khi thu nhập chỉ tăng nhỏ giọt. Ví dụ như lương hưu của tôi chỉ mới tăng thêm 3 triệu đồng trong suốt 16 năm qua.

Với mức thu nhập như hiện tại, cơ hội có nhà ở đô thị của người trẻ dường như đã khép lại. Chính sách phát triển nhà ở sẽ bị "phá sản". An sinh xã hội không thành công vì chúng ta không thể kiểm soát được giá nhà đất.

* Để "bắt mạch, kê đơn" nạn "thổi giá" cần làm gì?

- Tháng 4 vừa rồi Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá nhà chung cư, tôi cho rằng chưa hợp lý vì rất khó để phát hiện được ai đang thổi giá.

Bộ Xây dựng cần đặt ra câu hỏi làm gì để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu "sống", cập nhật và công bố thường xuyên cho thị trường BĐS.

Đây là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Mặc dù Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đã công bố thông tin BĐS định kỳ, nhưng ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng dữ liệu vẫn chưa toàn diện, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BĐS từ phân khúc giá rẻ đến hạng sang. Khi đã chủ động được cơ sở dữ liệu, những báo cáo thiếu kiểm chứng sẽ "không còn đất để sống".

Để làm tốt cơ sở dữ liệu, Bộ Xây dựng phải tìm ra cơ chế thu nhận dữ liệu từ các địa phương. Yêu cầu các địa phương báo cáo đầy đủ, giá cả từng dự án BĐS đang triển khai, mở bán.

Cũng cần có những quy định rõ ràng về việc các tổ chức xã hội, công ty tư nhân muốn công bố báo cáo phải dựa vào thông tin chính thống, toàn diện ra sao. Đồng thời phải có quy định chế tài, xử lý nghiêm khắc nếu có dấu hiệu báo cáo nhằm mục đích thao túng thị trường BĐS.

Báo cáo thị trường BĐS phải đáp ứng các tiêu chí rõ ràng

Theo ông Đặng Hùng Võ, nhiều báo cáo, dự báo thị trường BĐS đang dựa vào nhiều yếu tố không có cơ sở.

Ví dụ như tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rồi tung báo cáo là không ổn. Hay đơn vị tung dự báo, báo cáo đang sống bằng tiền của doanh nghiệp BĐS nên dữ liệu đưa ra khó đảm bảo tính khách quan.

Trong khi đó, theo ông Võ, việc công bố thông tin phải dựa vào các tiêu chí cụ thể. Do vậy, cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ các tiêu chí để công bố báo cáo thị trường BĐS, không chỉ riêng phân khúc nhà chung cư mà phải quy định đối với cả thị trường BĐS.

Cũng cần quy định chặt chẽ các đơn vị tư nhân muốn công bố, dự báo phải dựa vào cơ sở dữ liệu chính thống từ Bộ Xây dựng.

Những dữ liệu dự báo phải dựa trên thông tin của thị trường. Nhà nước phải đảm bảo cơ sở dữ liệu đầy đủ, chắc chắn. Cá nhân, tổ chức nào muốn dự báo, tung báo cáo phải dựa trên dữ liệu nền đó.

Tuy nhiên, đến nay Nhà nước vẫn chưa nắm được đầy đủ cũng như cập nhật các biến động BĐS kịp thời. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thị trường BĐS một cách đầy đủ, có hiệu quả.

Các ông lớn địa ốc dự đoán thị trường bất động sản sẽ phục hồi?Các ông lớn địa ốc dự đoán thị trường bất động sản sẽ phục hồi?

Lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam đều nhận định thị trường địa ốc sẽ phục hồi song không thể nhanh như kỳ vọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên