27/07/2016 09:19 GMT+7

Loạn cảm dây thần kinh 
do thuốc trám tủy

LÊ THANH HÀ, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
LÊ THANH HÀ, [email protected]

TTO - Bà N. được gây tê và chữa tủy răng. Sau khi tan thuốc tê, bà N. thấy nửa môi dưới và cằm bên trái bị tê, nóng bỏng, cảm giác như bị kim đâm vào má trái và đau giật vùng sau tai.

*** Error ***
Các bác sĩ phẫu thuật hàm mặt cho một bệnh nhân - Ảnh: L.TH.H 

Đây là biến chứng rất hiếm gặp, lần đầu tiên ghi nhận ở khu vực phía Nam. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ thấy cực kỳ khó chịu.

Theo ThS.BS Lê Trung Chánh - giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM, ca bệnh hiếm này được BS CKII Bùi Hữu Lâm - trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt của bệnh viện trực tiếp điều trị.

Thuốc trám bít ống tủy răng

Ngày 2-3, bà Đ.T.N. (50 tuổi, Kiên Giang) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, Kiên Giang đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM vì rối loạn cảm giác môi dưới sau điều trị nội nha ở phòng mạch nha sĩ tư.

Trước nhập viện hai tuần, bà N. được gây tê và chữa tủy răng cối lớn thứ 3 hàm dưới bên trái (răng 38). Ngay sau khi tan thuốc tê, bà N. thấy nửa môi dưới và cằm bên trái bị tê, nóng bỏng, cảm giác như bị kim đâm vào má trái và đau giật vùng sau tai.

Vài ngày sau, các triệu chứng trên tăng dần nên bà N. quay lại phòng nha này khám và được nha sĩ điều trị lấy tủy răng cối lớn thứ hai kế bên (răng 37) và tháo vật liệu trám tủy răng 38 đã chữa trước đó.

Sau đó bác sĩ cho bà N. thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau liều cao. Uống thuốc nửa tháng nhưng các triệu chứng trên vẫn không thuyên giảm, bà N. đến Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc khám bệnh.

Kết quả chụp X-quang xác định bà N. trong quá trình trám bít ống tủy răng 38, thuốc trám bít ống tủy bị đẩy vào ống hàm dưới (chứa dây thần kinh ổ răng dưới) nên chuyển bà N. đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM điều trị.

Theo bác sĩ Lâm, khi khám răng 37 và 38, bác sĩ thấy buồng tủy mở trống và được nhét gòn. Kết quả chụp X-quang răng và CT scanner hàm mặt cho thấy chóp răng 38 rất sát với ống hàm dưới và thuốc trám bít ống tủy đi vào ống hàm dưới tạo thành một vệt dài khoảng 3cm.

Biến chứng này hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng làm bà N. đau không chịu được. Do mức độ đau và loạn cảm của bà N. không giảm theo thời gian điều trị trước đó nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật giải áp và lấy chất trám tủy lạc chỗ ra khỏi ống hàm dưới.

Sau phẫu thuật, ngay lập tức bà N. hết tình trạng loạn cảm, chỉ còn tê môi, cằm cùng bên. Tháng 5-2016, bà N. tái khám thì vùng tê thu gọn lại và có biểu hiện hồi phục.

Nhiều biến chứng khi làm răng

Bác sĩ Lâm nhận xét trong quá trình điều trị nội nha nếu bác sĩ chưa có kinh nghiệm, không cẩn thận, không làm đúng quy trình kỹ thuật, thiếu phương tiện có thể gây biến chứng tổn thương dây thần kinh ổ răng dưới của bệnh nhân.

Khi bị biến chứng tổn thương dây thần kinh do điều trị nội nha, bệnh nhân có thể bị nhiễm độc thần kinh do tác động hóa học của các thành phần trong thuốc trám tủy hoặc áp lực cơ học gây ra do chất trám bị đẩy vào trong ống hàm dưới khiến bệnh nhân bị loạn cảm như bà N..

Một biến chứng khác có thể xảy ra khi điều trị nội nha là bệnh nhân bị nhiễm trùng thông qua các dụng cụ hay dịch tưới rửa hay chất trám tủy đi quá chóp, gieo rắc vi khuẩn vào ống hàm dưới.

Đặc biệt, trước khi phục hình cố định như bọc mão hay làm cầu răng (điều trị nội nha), bệnh nhân cần chữa tủy thật tốt nhưng hiện do chi phí chữa tủy quá thấp, tốn nhiều thời gian, làm rất cực nên cả bác sĩ nha khoa và bệnh nhân đều xem nhẹ.

Bác sĩ thì cảm thấy không có trách nhiệm gì vì biến chứng rất lâu sau mới xảy ra, còn bệnh nhân do không biết nguy hiểm cho sức khỏe sau này, ngại tới lui nhiều lần lấy tủy, không muốn trả tiền lấy tủy cao nên cũng xem nhẹ việc lấy tủy răng trước khi làm răng giả hay trám răng.

Đáng lưu ý, biến chứng khi điều trị tủy không đúng ở VN còn khá cao và không xảy ra ngay mà có khi 1-3-5 năm sau, thậm chí 10 năm sau mới xuất hiện - tùy theo sức đề kháng của bệnh nhân và mức độ trầm trọng của biến chứng. Những biến chứng có thể gặp là gây ra các bệnh lý ở xương hàm như nang nhiễm trùng làm phá hủy xương hàm, gây mất răng, mất xương, chết tủy những răng bên cạnh.

Khi bị biến chứng, bệnh nhân chỉ biết vô bệnh viện để mổ lấy nang biến chứng ra mà không biết mầm bệnh được gieo rắc từ lúc chữa tủy không tốt của những năm trước. Biến chứng nhiễm trùng này cũng có thể gây nhiễm trùng hàm mặt, có trường hợp nhiễm trùng lan xuống trung thất làm bệnh nhân tử vong.

Chụp X-quang phát hiện ngay

Theo bác sĩ Bùi Hữu Lâm, tổn thương dây thần kinh ổ răng dưới sau điều trị nội nha là biến chứng tuy hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây rối loạn cảm giác như đau, loạn cảm, dị cảm, giảm cảm giác và tê môi dưới và cằm.

Muốn xác định thuốc trám tủy có bị đẩy vào ống hàm dưới khiến bệnh nhân bị dị cảm, loạn cảm hay không, bác sĩ chỉ cần gửi bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất chụp X-quang kiểm tra là phát hiện được.

Để ngăn chặn biến chứng này, trước khi trám răng cho bệnh nhân, bác sĩ nên cho người bệnh chụp phim X-quang để kiểm tra độ gần giữa ống hàm dưới với các chóp chân răng.

Ngoài ra, khi điều trị nội nha nên chụp phim răng với cây trâm đặt trong ống tủy để đo chiều dài làm việc và giúp ngăn ngừa dụng cụ đâm thủng ống hàm dưới gây tổn thương dây thần kinh ổ răng dưới.

LÊ THANH HÀ, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên