Ốc sên là động vật rất quen thuộc. Chúng sống trong vườn, nơi gốc cây, bụi cỏ ẩm ướt, khe tường ẩm - Ảnh: TWITTER
Thông thường, khi nói đến răng chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến phần phụ cứng nằm trong khoang miệng người và động vật, dùng để nghiền nát, xé thức ăn.
Tùy vào đặc tính sinh học của từng loài mà những chiếc răng lại có hình dáng, cấu tạo và số lượng khác nhau. Một số loài động vật chỉ có vài chục chiếc, nhưng cũng có những loài có tới hàng chục nghìn chiếc răng trong khoang miệng nhỏ bé của mình.
Ốc sên là loài động vật có vỏ, thân mềm sống cả trên cạn và dưới biển. Chúng ăn tạp. Thức ăn chủ yếu là lá cây, côn trùng nhỏ và mùn bã hữu cơ. Thật ngạc nhiên khi loài động vật chậm chạp, không phải cắn xé thịt như ốc sên lại có số lượng răng khổng lồ: từ 14.000-25.000 chiếc răng tùy loài.
Răng ốc sên dưới kính hiển vi - Ảnh: NATURAL
Răng của ốc sên không thực sự là "răng", theo nghĩa đen là cứng và có cấu tạo giống răng người và nhiều loài động vật khác mà đó là những chiếc gai mềm. Những chiếc gai này xếp thành dải dài bên trong một khoang gọi là radula và hoạt động như một chiếc cưa tròn.
Khi ăn, con ốc sên bò lên trên, nhô radula ra ngoài "cào" lên thức ăn và cuốn vào bên trong. Sau đó, những chiếc răng (gai) xé nhỏ và nghiền nát thức ăn trước khi nuốt vào bên trong.
Hàng nghìn chiếc răng được xếp thành dãy, mỗi dãy khoảng 100 chiếc. Khi một hàm răng bị mòn, các hàm phía sau sẽ được đẩy dần lên phía trước trong vòng 4 đến 6 tuần.
Trong tất cả các giống ốc sên, thì limpets - một loại ốc sên biển kích thước nhỏ được đánh giá là có những răng từ protein và các sợi nano khoáng chất gọi là goethite. Các nhà khoa học đánh giá chúng thậm chí còn mạnh hơn cả tơ nhện, có khả năng trở thành vật liệu sinh học bền nhất trên Trái đất.
Bên cạnh đó, ốc sên có mắt nhưng không thực sự có thị giác. Chúng không quan sát và định hướng môi trường bằng cách nhìn mà theo xúc giác.
Ốc sên có thể cảm nhận được mùi của thức ăn ở khoảng cách vài mét và điều hướng một cách chính xác tới kỳ lạ đến nơi đó vào ban đêm và trở về nơi trú ẩn khi mặt trời sắp mọc.
Ốc sên là loài sinh sản lưỡng tính. Chúng đẻ trứng và có thể tự thụ tinh cho trứng. Các nhà khoa học cho rằng việc di chuyển chậm chính là một yếu tố khiến ốc sên tiến hóa khả năng sinh sản theo hướng này. Khi gặp một con ốc sên khác, chúng có thể trở thành con đực hoặc con cái để phù hợp với đối phương khi giao phối.
Hình vẽ cắt ngang mô phỏng cách ốc sên ăn. Dải răng hàng chục nghìn chiếc được đẩy ra ngoài và cuộn thức ăn vào trong - Ảnh: WIKIPEDIA
Một con ốc sên biển limpets - Ảnh: HAKAI MAGAZINE
Ốc sên có thể trở thành con đực hoặc con cái để phù hợp với "đối phương" khi giao phối - Ảnh: NPR
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận