Đáng chú ý trong số đó là quy định đảng viên không được có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định (bổ sung thêm tại điều 8).
Lâu nay, dư luận thường nói về hiện tượng “công ty gia đình”, “doanh nghiệp sân sau”... Nay cùng với việc bổ sung quy định như vậy, nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) cũng đề ra giải pháp: loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi. Điều đó cho thấy quyết tâm của trung ương trong việc ngăn chặn suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung và loại bỏ cơ chế có thể dẫn đến hiện tượng “sân sau” nói riêng.
Nhìn lại thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua, từ năm 2005 khi xây dựng Luật phòng chống tham nhũng, các nhà lập pháp cũng đã tính đến quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Theo đó, Quốc hội đã đưa vào Luật phòng chống tham nhũng nội dung: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, từ quy định trên văn bản đến việc triển khai trong thực tế vẫn còn có sự lúng túng nhất định.
Cụ thể, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng hôm 7-3, đại biểu đến từ một tỉnh ở miền Trung kể rằng tại tỉnh này có trường hợp một nữ cán bộ được đề bạt làm phó trưởng phòng kế hoạch tài chính cấp huyện, trong thường vụ huyện ủy biểu quyết đa số đồng ý, nhưng có những ý kiến không đồng ý vì chồng của cán bộ nữ này là giám đốc doanh nghiệp đang xây dựng khá nhiều công trình trên địa bàn huyện. Vị đại biểu nêu trên cho biết đã có cán bộ về hưu chất vấn trường hợp đề bạt như vậy có phù hợp pháp luật hay không và “chúng tôi làm văn bản gửi cấp trên nhưng chưa được giải thích”.
Câu chuyện trên cho thấy tưởng như quy định pháp luật đã có và thực hiện được ngay, nhưng khi chạm đến vấn đề cụ thể nào đó thì vẫn cần được làm rõ hơn. Nhất là khi vấn đề không chỉ liên quan trực tiếp đến người có chức vụ, quyền hạn mà còn liên quan đến người thân của họ.
Dự thảo báo cáo tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng đã thẳng thắn nhìn nhận “việc thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm cũng như việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy chế văn hóa công sở... ở nhiều nơi còn hình thức và chưa được giám sát”. Như vậy, một trong những đòi hỏi quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc thực hiện các quy định về những điều đảng viên không được làm, trong đó có các quy định mới bổ sung, cần được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức và nhất là phải được giám sát theo đúng tinh thần nghị quyết trung ương 4.
Nhằm loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, không những phải sớm ban hành quy định kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, mà còn nên xây dựng quy định kiểm tra, giám sát thu nhập của người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn khi cần thiết. Kinh nghiệm thế giới cho thấy để phục vụ mục đích đấu tranh phòng chống tham nhũng thì ở nhiều nước, ngay cả bí mật ngân hàng cũng phải nhường bước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận