28/07/2015 00:10 GMT+7

​Loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn quốc vào cuối năm 2015

Nguồn: Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế

Ngày 24-7-2015, Chương trình mục tiêu phòng chống bệnh phong Quốc gia đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 2011-2015.

Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của toàn hệ thống mạng lưới phòng chống phong trên toàn quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến tháng 6-2015, đã có 58/63 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn loại trừ phong trên quy mô cấp tỉnh và đến cuối năm 2015 đã có kế hoạch kiểm tra công nhận 5 tỉnh còn lại đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong cấp tỉnh gồm: TP.HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum.

Một kết quả quan trọng là số người bệnh phong mới được phát hiện đã giảm đi hơn một nửa, từ 374 người bệnh năm 2011 xuống còn 187 năm 2014 và 6 tháng năm 2015 phát hiện 86 người bệnh; tỷ lệ phát hiện sớm đã tăng cao nên tỷ lệ tàn tật độ 2 từ 21,39% năm 2011 xuống còn 10,7% năm 2014.

Kết quả này cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, người bệnh phong mới đã tự thấy những dấu hiệu của bệnh và đến cơ sở y tế để khám phát hiện và chẩn đoán sớm, vì vậy, tàn tật do bệnh phong độ 2 giảm.

Hàng năm, chương trình quản lý khoảng 10.000 người bệnh phong, 100% người bệnh phong mới được điều trị theo đúng phác đồ, không có người bệnh bỏ trị, người bệnh phong không bị kỳ thị, họ được điều trị tại nhà và đối xử bình đẳng.

hinh-7-1437995554.jpg

Mặc dù đạt mục tiêu của chương trình giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên, chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ở một số địa phương, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, sự quan tâm của địa phương có phần giảm sút. Mô hình quản lý hoạt động phòng chống phong tuyến tỉnh có sự thay đổi ở một số tỉnh. Đội ngũ làm công tác chống phong bị suy giảm. Thời gian ủ bệnh phong dài, nếu không duy trì thường xuyên các hoạt động thì bệnh phong sẽ xuất hiện trở lại.

Người bệnh phong đã xuất hiện trở lại ở một số vùng sâu, vùng xa, người nghèo. Số người tàn tật do bệnh phong còn nhiều, phải chăm sóc sức khoẻ, tàn tật cả đời.

Các cơ sở điều trị phong khó khăn về nguồn lực, cả nhân lực và kinh phí hoạt động. Nguồn viện trợ, hỗ trợ từ quốc tế và nước ngoài giảm. Xuất hiện nhiều trường hợp vi khuẩn phong kháng thuốc...

Trong thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục duy trì mạng lưới phòng chống phong, củng cố mạng lưới phong-da liễu phù hợp; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, thực hiện khám, phát hiện bệnh theo nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, chú ý lồng ghép với mạng lưới khám, chữa bệnh đa khoa kết hợp với khám nhóm, khám tiếp xúc và khám trọng điểm vùng dịch tễ, cần thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người bệnh phong và người tàn tật do phong, thực hiện chính sách xã hội cho người tàn tật do phong, đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, trong giai đoạn tới cần tiếp tục đưa chương trình phòng chống phong là một thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và duy trì những thành quả đã đạt được bởi sự nỗ lực từ nhiều năm qua.

Nguồn: Bộ Y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên