Vào mùa rắn cắn
Theo bác sĩ Nguyên, từ đầu hè đến nay, trung tâm tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rắn cắn. Đây là thời gian "vào mùa" rắn cắn, bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa.
Mùa đông rắn thường ngủ và mùa hè thì ra khỏi tổ đi kiếm ăn. Đặc biệt mưa lại càng là yếu tố thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn.
Đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ông T. (53 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa) cho hay ông bị rắn hổ mang cắn khi đang làm cỏ trong vườn cạnh nhà.
Ngay sau khi bị rắn cắn, ông được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương trong tình trạng bàn tay căng phồng, ngón tay bị cắn đã thâm đen. Sau đó, ông T. xin chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Bác sĩ Nguyên cho hay ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Tuy nhiên, ngón tay bị cắn đã bị hoại tử, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, xử lý nhiễm trùng.
Cũng đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bà H. (49 tuổi) cho hay bị rắn hổ mang cắn vào bàn tay khi đang tháo nước ruộng. Ngay sau đó, bà được người nhà đưa đi cấp cứu. Hiện bà H. vẫn đang được truyền huyết thanh kháng nọc rắn.
Bác sĩ Nguyên đánh giá đây là một trường hợp nhẹ, bệnh nhân được đưa đến viện kịp thời, vì vậy chưa xuất hiện hoại tử ở bộ phận bị rắn hổ mang cắn.
Cảnh giác khu vực rắn có thể trú ẩn
Bác sĩ Nguyên cho hay số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, phổ biến nhất là rắn hổ mang, rắn lục đuôi đỏ.
"Rắn hổ mang là loài có khả năng thích nghi rất tốt. Đặc biệt, do hiện nay môi trường sống tự nhiên ngày càng bị thu hẹp nên chúng buộc phải thích nghi. Chúng có thể sống trong mọi ngóc ngách, đống gạch, đá, sống xen kẽ với con người, đặc biệt tại các khu dân cư.
Thức ăn của rắn hổ mang rất quen thuộc như trứng, gà con, cóc, chuột… Bởi vậy, người dân cần cảnh giác với khu vực sân vườn quanh nhà, nơi rắn có thể trú ấn.
Để không bị rắn độc cắn, người dân không nên bước đi hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng nơi có nhiều hang chuột; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây bằng tay trần.
Cần chú ý bảo hộ lao động, đeo găng tay, đi ủng… khi làm việc tại vườn, đồng ruộng để tránh nguy cơ bị rắn cắn", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Về cách sơ cứu khi bị rắn cắn, bác sĩ Nguyên cho hay khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên cáng/băng ca, không để bệnh nhân tự di chuyển, đi bộ để tránh làm độc lây lan. Cơ sở y tế sẽ xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp
"Một số sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn độc cắn là đắp thuốc nam, chích rạch vết rắn cắn, chích điện... Người dân tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc. Cũng không đắp lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương và làm chậm trễ việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế", bác sĩ Nguyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận