Một con đà điểu đầu mào ở Úc - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Science Alert, đà điểu đầu mào (Cassowary) luôn đứng đầu trong danh sách những loài chim đáng sợ. Năm 2007, chúng được Tổ chức Sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là "Loài chim nguy hiểm nhất thế giới".
Đà điểu đầu mào là loài bản địa, hiện sống chủ yếu ở vùng đông bắc Úc, Papua New Guinea và một số đảo lân cận.
Theo chuyên gia Chad Eliason từ Bảo tàng Field, Chicago (Mỹ), xét theo kích thước, đà điểu đầu mào là loài chim lớn thứ 3 thế giới, nặng từ 75-80kg, cao khoảng 1,2m, chỉ sau đà điểu châu Phi và đà điểu Emu.
Sức mạnh của đà điểu đầu mào nằm ở đôi chân mạnh mẽ cùng vũ khí là bộ móng vuốt sắc nhọn như dao găm.
Trên ngón út của đà điểu gắn chiếc móng dài đến hơn 12cm và nhọn hoắc. Khi cảm thấy nguy hiểm, chúng sẵn sàng dùng bộ móng này "thẳng tay" tấn công kẻ thù.
Một du khách từng bất ngờ gặp đà điểu đầu mào "mách nước": khi gặp loài chim hung dữ này, hãy bình tĩnh, đi lùi từ từ và đưa một vật bất kỳ ra trước mặt để đà điểu chú ý vào vật đó thay vì người - Nguồn: YOUTUBE
Chúng có thể làm ngựa, bò gãy xương hoặc tử vong chỉ bằng vài cú đá. Ngoài ra, lực mỏ của chúng cũng cực mạnh như trời giáng.
Thể lực của đà điểu đầu mào cũng rất đáng nể. Trung bình chúng có thể chạy 50km/h và nhảy cao hơn 2m.
Các nhà sinh vật học cho rằng đà điểu đầu mào tiến hóa trực tiếp từ khủng long. Thức ăn chủ yếu của chúng là trái cây, côn trùng và các động vật cỡ nhỏ.
Đặc biệt trứng của đà điểu đầu mào màu xanh lá. Con đực có nhiệm vụ bảo vệ trứng. Khi đó vốn đã hung dữ, chúng càng dữ tợn hơn, sẵn sàng tấn công những con xâm phạm lãnh thổ và có nguy cơ đe dọa trứng.
Ngay cả những con trong đàn cũng thường xung đột. Khi đó cuộc đấu của chúng trông hệt như giữa 2 "đô vật" hàng đầu.
Hiện nay môi trường sống của đà điểu đầu mào bị đe dọa nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa của con người. Theo CNN, ước tính 90% môi trường sống trước đây của chim đã biến mất trong 100 năm qua.
Do nơi ở thu hẹp, đà điểu đầu mào thỉnh thoảng đến phá hủy nông trại, hoa màu… ở nhiều vùng quê. Có khi chúng đụng độ và khiến con người bị thương, thậm chí tử vong.
Hiện nay chỉ còn khoảng 20-30% đà điểu đầu mào tồn tại ngoài tự nhiên. Theo Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã Florida, muốn nuôi đà điểu đầu mào phải xin giấy phép để đảm bảo an toàn.
Với các loài thực vật, đà điểu đầu mào lại là… "ân nhân".
Đà điểu không nhai mà thường nuốt chửng trái cây chúng tìm được. Hạt cây không được tiêu hóa nên được thải ra lại môi trường, giúp phát tán giống cây ngoài tự nhiên.
Cổ và đầu của đà điểu đầu mào có màu xanh đặc trưng - Ảnh: GETTY IMAGES
Bộ móng như dao găm của đà điểu đầu mào - Ảnh: GETTY IMAGES
Trứng màu xanh lá cây của đà điểu đầu mào - Ảnh: PINTEREST
Hiện tại số lượng đà điểu đầu mào trong tự nhiên chỉ còn 20-30% - Ảnh: CNN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận