Hình ảnh về loài cá có hình dạng kỳ dị do ngư dân Úc bắt được - Ảnh: NEWSWEEK
Tạp chí Newsweek ngày 28-6 đăng tải hình ảnh của một loài cá chưa xác định rõ tên khoa học, do một ngư dân có tên Jason Moyce đánh bắt ở ngoài khơi vùng biển đông nam nước Úc.
Theo Moyce, con cá này nặng khoảng 4kg và sống ở độ sâu 540m. Vì không biết nó là cá gì, anh đã đăng hình nó lên mạng xã hội nhờ mọi người xác định giúp tên của nó.
Thật bất ngờ khi bài đăng của Moyce làm dấy lên "làn sóng" tranh luận dữ dội của người dùng mạng xã hội Úc với nhiều luồng quan điểm, ý kiến trái chiều.
Một tài khoản ẩn danh mô tả loài cá này có màu xám hồng trông tựa nhân vật phù thủy hư cấu Vecna trong bộ phim gây sốt Stranger Things (tựa Việt: Cậu bé mất tích). Phần mắt của nó lồi ra hai bên và có phần miệng lớn khổng lồ với hàm răng sắc nhọn chiếm gần hết khuôn mặt.
Về phần Moyce, anh cho rằng đây có thể là loài cá giọt nước trong phần chú thích dưới bài viết. Phần đông người dùng cũng khẳng định đây là cá giọt nước.
Theo thông tin của Bảo tàng Quốc gia Úc, cá giọt nước thường được tìm thấy ở vùng nước sâu và có cơ thể biến dạng đáng kể khi tiếp xúc với điều kiện áp suất thấp hơn nhiều so với mực nước biển. Điều này được số đông cho rằng phù hợp với hình ảnh thực tế và những thông tin mà anh Moyce cung cấp.
Cá nhái, hay còn gọi là cá vây chân - Ảnh: FISHES OF AUSTRALIA
Tuy nhiên, tạp chí Newsweek dẫn lời ông James Maclaine, phụ trách cấp cao tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh), khẳng định: "Đó chắc chắn không phải là một con cá giọt nước".
Ông cho rằng đó có thể là loài cá nhái, hay còn gọi là cá vây chân. Loài cá này vốn sống ở tầng đáy biển cách mặt nước khoảng 1.000m. Chúng cũng thường được tìm thấy ngoài khơi bờ biển nước Úc, và có màu hơi hồng giống loài cá bí ẩn này.
Cá thầy tu, hay còn gọi là cá cóc - Ảnh: NATIONAL FISHERMAN
Trong khi đó, một số người lại khẳng định đây là cá thầy tu hoặc cá cóc. "Chúng có phần miệng cong lớn và hàm răng sắc nhọn trông giống loài cá cóc hoặc cá thầy tu", một tài khoản chia sẻ quan điểm.
Tuy nhiên, loài cá cóc hoặc cá thầy tu lại hiếm khi xuất hiện ở phạm vi bờ biển phía đông nước Úc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận