21/03/2016 09:00 GMT+7

​Loại bỏ “tử thần” trong khu dân cư

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) gây thiệt hại quá lớn, không chỉ vật chất, mất mát lớn nhất là con người, chưa kể cả chục người bị thương.

Thân nhân người bị thiệt mạng trong vụ nổ khóc ngất bên nén nhang thắp vội tại hiện trường. - Ảnh: Trần Ngọc Kha
Thân nhân người bị thiệt mạng trong vụ nổ khóc ngất bên nén nhang thắp vội tại hiện trường. - Ảnh: Trần Ngọc Kha

Hậu quả còn là những chấn động tâm lý nặng nề, dẫn đến tậm trạng bất an, thậm chí hoang mang, lo lắng, không chỉ dừng ở cộng đồng dân cư nơi xảy ra sự việc.

Cứ hình dung: trong một không gian sống mà mọi người đang tận hưởng sự bình yên, bỗng dưng vụ nổ ập đến, tất cả tan hoang, đổ nát, mất mát. Liệu một ngày nào đó, anh hoặc tôi hay bất kỳ người nào khác phải vào vai nạn nhân khi tai họa từ trên trời rơi xuống như thế?

Chẳng có gì để nói rằng vừa rồi chỉ là xui xẻo cá biệt không thể lặp lại ở nơi khác.

Khu đô thị nơi có vụ nổ hầu như chẳng khác mấy so với hàng chục ngàn khu thị tứ đông người nằm rải rác trên cả nước: cũng có cơ sở hàn, tiện, cửa hàng gas, kho chứa đồ dễ cháy nổ, nói chung những nguồn nguy hiểm cao độ nằm chen giữa nhà ở.

Chỉ cần ai đó làm việc ở những cơ sở ấy phạm sai lầm thì chỉ trong tích tắc, cuộc sống yên lành sẽ bị đập vỡ và của cải, tính mạng con người sẽ tan thành mây khói hoặc ít nhất là không còn nguyên vẹn.

Người ta chưa quên cái chết thương tâm của một chuyên gia về dàn dựng cảnh khói lửa trong phim ảnh, cũng như của toàn bộ các thành viên gia đình xảy ra ở TP.HCM vài năm trước đây.

Nguy cơ đến không chỉ từ những thiết bị, vật liệu có khả năng gây nguy hiểm như vật liệu nổ, chất dễ cháy. Báo chí cũng từng cảnh báo về độ mất an toàn của những bồn chứa nước sinh hoạt đặt trên các nóc nhà - gọi là quả bom nước vì đã có một bồn nước đổ xuống .

Dù mọi người đang phải sống chung trong một không gian hẹp nhưng yêu cầu đầu tiên vẫn phải là một không gian sống an toàn.

Phải làm thế nào mỗi người dân ý thức phải giữ được không gian sống an toàn, phải kiểm soát hành vi cá nhân, tránh làm những việc có độ rủi ro cao cho mình và người xung quanh.

Nhưng điều có ý nghĩa quyết định là sự chủ động, tích cực, kiên quyết của nhà chức trách trong việc tổ chức cuộc sống xã hội theo các tiêu chí trật tự, văn minh, với vai trò người cầm trịch.

Ở các nước, nhà chức trách áp đặt những điều kiện ngặt nghèo mà người dân phải tuân thủ khi sống trong cộng đồng.

Tư tưởng chủ đạo là mỗi người phải sinh hoạt như thế nào đó để việc mình làm trong cuộc sống hằng ngày không trở thành điều nguy hiểm, là mối đe dọa đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác.

Không chỉ tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường mà còn phải kiên quyết với những cơ sở sản xuất có sử dụng các nguồn gây cháy, nổ trong khu dân cư nếu không đảm bảo những nguyên tắc tối thiểu về an toàn.

Vụ nổ ở Văn Phú là lời cảnh báo rằng rất nhiều hoạt động được xem là bình thường trong khu dân cư hiện nay có thể một ngày nào đó trở thành tai họa với mọi người.

Vì vậy, chính quyền phải rà soát, mọi hiểm họa đe dọa đời sống khu dân cư phải được xử lý, chấn chỉnh, kể cả phải dời ra khỏi khu dân cư. Chỉ có thế mới loại bỏ được những tai họa từ trên trời rơi xuống, cuộc sống ở khu dân cư mới được bình yên.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên