22/01/2014 08:14 GMT+7

Loại bỏ tàu cánh ngầm già nua: Còn chờ...

N.ẨN - Q.KHẢI - Q.THANH
N.ẨN - Q.KHẢI - Q.THANH

TT - Sau sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01 SG.3837, ngày 21-1 UBND TP.HCM chỉ đạo tạm thời không cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm kể từ hôm nay (22-1). Còn dư luận người dân bức xúc đặt vấn đề bao giờ mới loại bỏ những con tàu già nua, cũ kỹ?

* Tạm ngưng hoạt động từ hôm nay

gytbi703.jpg
Ảnh lớn: Anh Francis Bungin (người Malaysia) là hành khách trên chuyến tàu cánh ngầm bốc cháy chiều 20-1. Anh đã gửi ảnh cho Tuổi Trẻ và bày tỏ sự bức xúc về chuyến tàu kinh hoàng. Ảnh nhỏ: 18g ngày 21-1, hành khách rời tàu cánh ngầm lên bờ tại bến cảng Bạch Đằng, TP.HCM. Đây là chuyến tàu cuối cùng, từ ngày 22-1 các tàu sẽ tạm thời không được cấp phép rời cảng - Ảnh: H.T.V.

Chiều cùng ngày, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đã mời ba đơn vị kinh doanh vận tải tàu cánh ngầm đến công bố việc tạm đình chỉ hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.

Ngại mua tàu mới vì lo giá vé cao

Đã xảy ra hàng chục sự cố tàu cánh ngầm

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), từ năm 2012 đến tháng 8-2013 đã có bảy vụ tàu cánh ngầm gặp sự cố trên hải trình. Đa số vụ việc đều do tàu hỏng máy, trôi dạt tự do. Còn Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM cho biết từ tháng 6-2007 đến tháng 7-2013 đã xảy ra 34 sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm. Trong đó có hai vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết hai người. Riêng bảy tháng đầu năm 2013 xảy ra 14 vụ sự cố tàu cánh ngầm.

Theo đánh giá của UBND TP, trong thời gian qua hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố, tai nạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.

Ông Bùi Công Trùng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina) và ông Trần Quốc Hiệu - phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Quang Hưng (Hãng tàu Petro Express) - cho rằng việc tạm dừng hoạt động của tàu để kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, theo các hãng tàu, các cơ quan chức năng cần kiểm tra ngay các tàu để tàu nào đủ điều kiện an toàn kỹ thuật thì cho chạy ngay vì từ nay đến tết người dân đi lại rất nhiều. Nếu việc kiểm tra chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho các hãng tàu.

“Điều khiến hành khách lo lắng là hiện nay phần lớn tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đều thuộc dạng “lão niên” và thường xuyên xảy ra sự cố. Vì sao hãng tàu không đầu tư tàu mới để đảm bảo an toàn cho hành khách?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Trần Quốc Hiệu cho rằng giá mua tàu mới khá đắt, khoảng 2 triệu USD/chiếc, trong khi giá mua tàu cũ thấp hơn. Theo ông Hiệu, các hãng tàu mua vỏ tàu cũ của Nga, nhưng máy tàu đều mới 100% của Mỹ, Đức và đã được kiểm định bảo đảm an toàn. Còn ông Bùi Công Trùng cho rằng việc mua tàu cao tốc mới không khó, nhưng tàu mới tốc độ cao sẽ không bảo đảm an toàn vì gây sóng lớn. Hơn nữa, ông Trùng lo vốn đầu tư tàu mới cao thì giá vé sẽ tăng lên 500.000-600.000 đồng/vé/người, quá cao so với hiện nay là 200.000 đồng/người. Với giá vé quá cao thì tàu cao tốc không thể cạnh tranh với đường bộ.

Theo ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở GTVT TP, do thời gian qua tàu cánh ngầm xảy ra nhiều sự cố nên sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT quy định niên hạn sử dụng loại tàu này. Nay sở tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT đề ra quy định niên hạn hoạt động của tàu cánh ngầm.

Trả lời câu hỏi vì sao kiến nghị nói trên của Sở GTVT TP.HCM chậm thực hiện, ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết từ tháng 11-2013, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ vấn đề nêu trên. Trong đó, bộ đề xuất cần có lộ trình quy định niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm nhằm giúp các nhà đầu tư thời gian và điều kiện thay đổi tàu mới.

Cũng theo ông Công, Bộ GTVT đã rất quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ tăng cường kiểm tra hoạt động tàu cánh ngầm và đặt ra nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp có tàu cánh ngầm phải thực hiện. Cụ thể, như tàu cao tốc phải gắn các thiết bị định vị vệ tinh để khi xảy ra sự cố xác định nơi tàu bị nạn; khi hành khách lên tàu, hãng tàu phải hướng dẫn hành khách cách xử lý khi tàu xảy ra sự cố... “Với nhiều biện pháp trên nên vụ cháy tàu vừa rồi toàn bộ hành khách vẫn an toàn” - ông Công nói.

Ông Công nhận định như thế liệu có chủ quan không khi dư luận người dân đặt vấn đề nếu vụ cháy tàu Vina Express 01 SG.3837 xảy ra giữa biển thì liệu các hành khách có an toàn? Có ý kiến cho rằng tàu cánh ngầm cũ kỹ đã xảy ra quá nhiều sự cố nên dừng hẳn hoạt động? Ông Công cho rằng mỗi sự cố đều có nguyên nhân của nó, riêng vụ cháy tàu vừa rồi cần phải được cơ quan điều tra xác định. “Vấn đề chính là cần tổ chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm tàu phục vụ an toàn hành khách đi tàu” - ông Công nói.

Wv05jt2V.jpgPhóng to
Hành khách bị nạn trong vụ cháy tàu cánh ngầm được các ngư dân trên sông Sài Gòn cứu giúp - Ảnh: Francis Bungin

Tàu cháy sau 3 ngày kiểm định

Sáng 21-1, tại cuộc họp nghe báo cáo phương án khắc phục sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01, ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị Bộ GTVT, các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm của đơn vị kiểm định tàu Vina Express 01. “Phải làm rõ cho được vì sao mới vừa kiểm định mấy ngày (kiểm định ngày 17-1- PV) đã xảy ra sự cố” - ông Quân nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Quân yêu cầu các đơn vị kiểm định của TP cần rà soát, thực hiện chặt chẽ việc kiểm định. Nếu quá trình kiểm định vẫn để xảy ra những sự cố tương tự thì các đơn vị kiểm định phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Vì sao tàu mới kiểm định ngày 17-1 mà ngày 20-1 xảy ra vụ cháy tàu? Theo một cán bộ Bộ GTVT, việc kiểm tra phòng chống cháy nổ là do ngành công an cấp phép. Còn lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm 6 - cơ quan kiểm định các tàu cao tốc - hẹn với chúng tôi sáng 22-1 trả lời câu hỏi trên.

Hầu hết là “lão niên cưỡi sóng”

Theo số liệu của Chi cục Đăng kiểm 6 (Cục Đăng kiểm VN), hiện đơn vị này đang quản lý 17 tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. 17 tàu này thuộc sở hữu của ba công ty gồm: Greenlines (9 tàu), Công ty CP tàu cao tốc Vina (4 tàu) và Công ty TNHH Quang Hưng (4 tàu).

Trong số chín tàu của Greenlines, có bốn chiếc sản xuất năm 1991 (một chiếc được hoán cải, thay máy chính trong giai đoạn 2008-2009). Các tàu còn lại được đóng từ năm 1992-1996 và một tàu được đóng năm 2009 (có tàu đã hoán cải, thay động cơ chính, có tàu chưa), toàn bộ được sản xuất tại Liên bang Nga. Còn trong bốn tàu của Công ty CP tàu cao tốc Vina, có hai chiếc sản xuất năm 1991 (được hoán cải và thay máy chính trong các năm 2004, 2005 và 2010), hai chiếc sản xuất năm 1994 (được sửa chữa, hoán cải trong các năm 2004, 2005 và 2010). Tương tự, trong bốn tàu Petro Express của Công ty TNHH Quang Hưng có hai tàu được sản xuất năm 1991 (một chiếc được thay máy năm 2011), một tàu đóng năm 1990 (thay máy năm 2009) và một tàu đóng năm 1995.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh tàu cánh ngầm (đề nghị không nêu tên) cho biết: Theo luật Hong Kong quy định thời hạn khai thác, sử dụng tàu cánh ngầm là mười năm (tính từ thời điểm tàu mới được đưa vào khai thác, kinh doanh), với Nga là 20 năm và Trung Quốc là 25 năm. Vị chuyên gia này cho biết một số tàu cánh ngầm mới nhất đang được khai thác tại VN là 15 năm, một số lớn khác đã vượt qua 30 năm, thậm chí một số đã tròm trèm 40 năm tuổi!

Tặng bằng khen cho những người cứu nạn nhân

Chiều 21-1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã trao bằng khen cùng 10 triệu đồng/người cho ông Ngô Văn Hồng và anh Ngô Quỳnh Long (con ông Hồng) - hai trong số những người dân trực tiếp tham gia công tác cứu hộ hành khách trên chiếc tàu bị cháy.

Ông Ngô Văn Hồng (53 tuổi, quê Long An) buôn bán hàng tạp hóa trên sông hơn hai năm nay. “Thấy tàu cao tốc chạy chậm bất thường và khói bốc lên, tôi biết chắc tàu đã gặp nạn nên chạy theo tàu. Khi tôi đến nơi thì khói đen đã bao trùm chiếc tàu và nhiều hành khách đã nhảy xuống sông, một số người bị lún sâu trên bãi bùn. Hoảng quá, tôi quăng dây để những người dưới sông bám vào nhằm kéo họ lên thuyền. Khi những người dưới nước đã lên thuyền hết, tôi mới tiếp tục cứu những người bị lún trên bãi bùn. Không nhớ rõ con số cụ thể bao nhiêu nhưng ước chừng gần 30 khách được tôi vớt lên thuyền” - ông Hồng nói.

Anh Ngô Quỳnh Long kể: “Lúc xảy ra vụ tàu cháy, tôi ở cách xa hiện trường nhưng cũng kịp cho thuyền chạy lại và vớt được khá nhiều người. Tổng cộng cả thuyền của tôi và thuyền của cha mẹ tôi vớt được khoảng 50 người”.

Còn chị Nguyễn Thị Thiết và chồng là anh Trần Văn Có cũng tham gia cứu được 15 hành khách nhưng do cơ quan chức năng thống kê chưa đầy đủ nên anh chị chưa được khen thưởng. Chị Thiết kể: “Lúc chạy thuyền đến hiện trường, tôi thấy ở dưới sông có nhiều người bò, trườn trên bãi bùn. Họ vẫy tay cầu cứu. Tôi nóng ruột quá nên quên mất việc mình không biết bơi mà nhảy xuống sông để cứu người”. Gia đình chị Thiết sống trên thuyền hơn 14 năm nay bằng nghề buôn bán hàng tạp hóa trên sông.

Báo cháy chậm 28 phút

Ngày 21-1, thượng tá Đinh Văn Ngàn - trưởng phòng tham mưu kiêm người phát ngôn của Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM - cho biết sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ cháy tàu cao tốc.

Theo ông Ngàn, theo thông tin ban đầu thì vụ cháy tàu xảy ra lúc 12g50 ngày 20-1 nhưng đến 13g18 bên cứu hỏa mới nhận được tin báo cháy là quá chậm. Vì vậy thời gian tàu cánh ngầm cháy tự do khá lâu nên gây thiệt hại toàn bộ phần cabin, phòng hành khách, khoang máy và các vật dụng trên tàu.

N.ẨN - Q.KHẢI - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên