Là một dụng cụ nhà bếp xuất hiện trong nhiều gia đình, nhất là ở thành thị. Nếu hỏi một bà nội trợ, bà sẽ hân hoan mà rằng “tiện lắm, hâm đồ ăn, luộc rau, nấu cả xôi cũng được…”. Nhưng nếu hỏi “chị biết xài lò vi sóng thế nào?” thì câu trả lời sẽ là “đặt vô, nhấn nút rồi lấy ra, con nít cũng làm được, quá dễ!”. Có dễ đến mức như thế không?
Dễ mà không dễ
Lò vi sóng sử dụng điện từ trường (Electro-Magnetic- Field-viết tắt là EMF) rung ở 2,4 tỉ lần một giây. Nhờ vậy lượng nước trong thực phẩm cộng hưởng ở tần số rất cao nên tạo ra nhiệt. Nếu so sánh nấu trên bếp thì nhiệt làm chín thực phẩm từ ngoài vào trong, lò vi sóng lại làm chín thực phẩm từ trong ra ngoài. Chúng ta hay nói “hiện đại hại điện”, tốn thêm chút tiền điện không phải là vấn đề khiến các bà nội trợ lăn tăn mà một dấu hỏi đặt ra là: điện từ trường phát ra bức xạ liệu có khả năng là “kẻ bức tử âm thầm” người sử dụng không?
Cách đây ít năm dư luận xôn xao rằng lò vi sóng phát ra bức xạ làm thay đổi cấu trúc thực phẩm khiến những thực phẩm này sản sinh ra chất gây ung thư. Một số cho rằng thực phẩm sẽ mất hết những chất thiết yếu và các vitamine nếu nấu hoặc hâm trong lò vi sóng. Một bài viết còn gọi lò vi sóng cho ra “bữa ăn hạt nhân” khiến có gia đình vội vã mang nó đi bán ve chai. Những người khác thì dè dặt hơn: thấy “nó” nóng nhanh như thế, sờ bên ngoài lò vẫn mát, hình như “nó” có “phản ứng hạt nhân mini” trong đó. Chả biết ăn mấy món lấy trong lò vi sóng ra mình có nuốt phải phóng xạ, phóng xiếc gì không?
Bản thân lò vi sóng khi chế tạo đã được gắn tấm kính nhằm ngăn cản bức xạ nên nếu bạn đóng chặt cửa thì bức xạ không từ trong mà chạy ra cơ thể bạn được. Nếu vậy có bạn sẽ hỏi: Đồ ăn của mình bị những tia bức xạ ấy tác động, mình “măm măm” liệu có gây hại không? Nhà sản xuất nói rằng đúng là lò phát ra sóng nhưng cường độ rất nhỏ, vẫn trong giới hạn an toàn, không gây ảnh hưởng đến chất lượng của thức ăn.
Tuy nhiên nếu bạn không đóng kín cửa của lò vi sóng thì bức xạ vẫn có thể xuyên vào cơ thể bạn mà gây hại. Hoặc lò cũ đã gỉ sét phần cánh cửa, tạo ra khe hở (dù rất nhỏ), bạn đứng gần vẫn nhiễm bức xạ. Bạn thông minh bèn nghĩ ra kế sách: cho thức ăn vào lò rồi núp sau bức tường để “trốn bức xạ”. Sai rồi, bức xạ có khả năng rất “phù thủy” là xuyên qua lớp tường dầy đấy. Giáo sư Magda Havas làm việc tại Trường ĐH Trent (Ontario, Canada) hướng dẫn chúng ta cách kiểm tra lò vi sóng như sau: Bạn đặt một điện thoại trong lò, dùng điện thoại thứ hai gọi vào số máy của điện thoại đó. Nếu chuông reo tức là cửa lò vi sóng bị hở, đừng có mua hay đang dùng thì cần sửa chữa gấp.
Sử dụng đúng cách
Đúng là tiện lợi nhưng vẫn cần cảnh giác. Không đặt lò vi sóng trong phòng ngủ mà nên đặt trong nhà bếp. Khi bạn cho thức ăn vào lò vi sóng, cần đóng kín cửa lò và ra khỏi nhà bếp ngay, chờ khi lò ngưng hoạt động chừng 2 phút sau mới mở cửa lò lấy đồ ăn ra. Thực tế vẫn còn một số người đứng nhìn chăm chú, chờ để lấy đồ ăn ra. Một số nhà khoa học cho rằng nhìn nhiều lần vào lò vi sóng đang hoạt động có thể gây giảm thị lực và tệ hơn là gây đục thủy tinh thể.
Tốt nhất là để đồ ăn trong những hộp thủy tinh hay đồ sành sứ rồi đưa vào lò vi sóng. Những hộp nhựa được ghi là sử dụng trong lò vi sóng cũng không nên dùng. Ở nhiệt độ cao, BPA (Bisphenol A) trong nhựa sẽ phân hủy lẫn vào thức ăn của chúng ta mà gây ung thư. Đừng làm biếng đến mức chiên rán trong lò vi sóng bởi dầu mỡ bắn ra làm lò bị gỉ sét, chưa kể có thể gây cháy nổ.
Không để trẻ em và phụ nữ có thai đứng gần lò vi sóng, cũng không dùng lò vi sóng để hâm sữa cho trẻ bởi có thể làm biến đổi thành phần của sữa.
Sau khi sử dụng lau chùi lò sạch bằng dấm, baking soda hay chất tẩy rửa thông thường, lau khô rồi đặt một ly nước trong lò để hút điện từ, tránh hỏng ống magnetron.
Tóm lại: Tốt nhất vẫn là nấu, hâm thức ăn trên bếp. Sữa của trẻ nên đặt trong bình nước nóng 40 độ C để hâm, không dùng lò vi sóng.
Nếu đọc xong bạn vẫn còn áy náy thì các nhà khoa học bảo rằng: điện thoại di động phát ra bức xạ gấp nhiều lần lò vi sóng, vậy mà chúng ta luôn cặp kè với nó như “người tình” thì bức xạ của lò vi sóng (nếu sử dụng đúng) vẫn an toàn, đừng sợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận