Lo vì lạm phát và giá tăng!

TRÍ NHÂN 31/12/2007 22:12 GMT+7

TTCT - Năm 2007, thu nhập người dân tăng 6%, đó là con số đáng mừng vì thông qua đó cho thấy nền kinh tế phát triển, người dân được cải thiện đời sống. Tuy nhiên, con số lạm phát năm 2007 là 12,6% và giá thực phẩm cả năm tăng 21% đã làm người ta lo lắng, “sốc” với chỉ số biểu hiện của lạm phát và tăng giá.

Đồng tiền nhỏ đi trong khi giá cả thị trường cái gì cũng tăng là mối lo cho người dân, đặc biệt là dân nghèo, ở vùng nông thôn... Thu nhập của những người dân làm nghề nông, nghề “thợ đụng”... thất thường và ít ỏi nên khi sống trong thời buổi lạm phát tăng, giá cả leo thang họ càng khổ hơn. Và điều này sẽ tăng nguy cơ chênh lệch giàu nghèo. Tôi xuất thân từ nông dân nên hiểu rõ nỗi khổ và những khó khăn của nhà nông. Cái gì cũng “qui ra thóc” trong khi giá cả tăng, đồng tiền nhỏ lại do lạm phát thì sản phẩm của nhà nông có giá trị kém đi. Vì vậy, con số tăng thu nhập 6% không bù lại được nỗi lo lạm phát và tăng giá. Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước phải làm một cái gì đó để giảm lạm phát và kềm giá trong năm tới, nếu không thì khổ cho dân nghèo!

Đ.T.K.C. (TP.HCM)

Gìn giữ đồng tiền nặng nhọc của dân

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 12, các đại biểu đã yêu cầu phải giải trình rõ ràng ngay từ bây giờ phần chi ngân sách hơn 140 tỉ đồng cho dự án sửa chữa cầu Văn Thánh 2 là ai phải chi, ngân sách TP hay người (đơn vị) gây ra thiệt hại? Ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP - khẳng định ngân sách TP chỉ “tạm ứng” để sửa cầu, vì nếu không ứng tiền, chẳng biết bao giờ cầu mới được sửa. Lãnh đạo TP nói như vậy nhưng người dân vẫn lo. Lo là đến bao giờ mới tìm ra địa chỉ cụ thể ai, đơn vị nào gây ra sai phạm?

Cầu Văn Thánh 2 là đứa con èo uột, bị những hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm gây nên, dẫn đến hư hao, lún nứt. Và bây giờ phải “tạm ứng” từ tiền thuế của dân để đền bù trách nhiệm cho các ông tiêu cực, thiếu trách nhiệm. Khi xài tiền dân, không biết có ai xót xa như với đồng tiền làm ra từ mồ hôi, nước mắt của chính mình?

Tôi chợt nhớ lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng nói: nếu xóa bỏ 18 khoản thu, ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng thì “vai người nghèo bớt nặng”. Với con số này, chỉ cần chống được tiêu cực, lãng phí trên mười công trình xây dựng như cầu Văn Thánh 2, đủ để bù đắp cho các khoản đóng góp của 56 triệu nông dân trong cả một năm! DIÊP QUỲNH

“Ngồi nhầm ghế”

Từ sự kiện học sinh “ngồi nhầm lớp” lại liên tưởng đến hệ thống tổ chức, bộ máy nhà nước của ta có cán bộ, công chức nào “ngồi nhầm ghế” không? Chắc không ai dám nói không? Nhưng nói có bao nhiêu người “ngồi nhầm ghế” cũng không ai nêu cụ thể được, ngay cả cơ quan tổ chức quản lý cán bộ, công chức chưa hẳn đã có số liệu cụ thể; bởi cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương có ai dám tự giác nhận mình “ngồi nhầm ghế” đâu (không biết qua phiếu nhận xét cán bộ, công chức hằng năm có ai tự đánh giá mình không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ không? Nếu có chắc cũng hiếm). Mặc dù trình độ, năng lực bản thân không tương xứng với cương vị, chức danh được bố trí không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhưng vẫn “bám ghế”, “giữ ghế”, thậm chí còn “dòm ngó” chiếc ghế cao hơn bởi “lòng tham không đáy”! Những kẻ cơ hội ấy không những không biết tự trọng mà còn luôn củng cố địa vị, củng cố “vây cánh” và chờ thời cơ “trèo cao”.

Cũng có thể đây là những kẻ tốt số, thuở nhỏ đi học “ngồi nhầm lớp”, lớn lên vào đời công tác lại được “cấp nhầm bằng cấp”, rồi lại được “ngồi nhầm ghế”... Ôi! Thật là tai hại nếu số này là cán bộ có chức trọng quyền cao, càng nguy hại cho dân, cho nước...

Hi vọng số người “ngồi nhầm ghế” không nhiều và các cơ quan chức năng sớm phát hiện để giảm bớt thiệt hại cho đất nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận