15/08/2016 09:38 GMT+7

Lộ tin nhắn Facebook, kiện được không?

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH ([email protected])

TTO - Cư dân mạng đang xôn xao với thông tin một nữ nhạc sĩ bị tung một số tin nhắn riêng tư. Nhiều người khác cũng bị sốc khi những bị lộ những bí mật đời tư của mình.

Vụ việc không chỉ gây phiền nhiễu cho người bị lấy thông tin mà cũng khiến nhiều người lo ngại về việc giữ kín bí mật đời tư của mình.

Các chuyên gia pháp lý còn cảnh báo người dùng email, Facebook, các ứng dụng Zalo, Viber... hiện nay rất dễ rơi vào cảnh bị lộ bí mật đời tư vì chủ quan khi sử dụng.

Hậu quả xấu

Phía nữ nhạc sĩ cho biết sự việc xảy ra trùng hợp với thời điểm cô đang làm huấn luyện viên cho một cuộc thi về âm nhạc. Sự việc khiến cư dân mạng, những người hâm mộ nhạc sĩ này một phen xôn xao. Bản thân nhạc sĩ này cũng gặp không ít mệt mỏi và phiền toái.

Nhạc sĩ cũng cho rằng đây là những đoạn tin nhắn được cắt ghép để làm sai lệch sự thật, khiến cô phải cố gắng để lấy lại niềm tin từ những người yêu mến mình.

Tương tự, nhiều người sau khi bị lộ những bí mật đời tư đã chịu những cú sốc, ảnh hưởng công việc và tinh thần. Cách đây hai tháng, vì điện thoại bị hư nên chị H.T.M. (Q.Bình Thạnh) nhờ bạn đem ra tiệm sửa.

“Khoảng một tuần sau, tôi nghe đồng nghiệp trong cơ quan xì xào không tốt về mình. Hỏi ra mới biết người bạn mà tôi nhờ đi sửa điện thoại đã chụp một số tin nhắn riêng tư và cả hình ảnh “nhạy cảm” mà tôi lưu trong điện thoại cho mọi người coi” - chị kể.

Hậu quả chị M. phải mất một thời gian để mọi người quên đi chuyện đó, chưa kể chồng chị cũng mặt nặng mày nhẹ vì nghi ngờ chị đang... ngoại tình.

Có thể khởi kiện

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trường hợp lộ tin nhắn như trên đã được quy định tại điều 125 BLHS. Theo đó, tùy mức độ mà hành vi xâm phạm bí mật và an toàn thư tín có thể bị xử phạt lên đến 2 năm tù.

Ngoài ra, căn cứ các điều 25, 604 và 605 BLDS, người bị xâm phạm bí mật đời tư, thông tin cá nhân và bị ảnh hưởng về danh dự, uy tín có thể khởi kiện người có hành vi xâm phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Luật sư Trạch lưu ý nếu không xác định được người có hành vi xâm phạm thì người bị xâm phạm có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, nhằm xác định người đã phát tán bí mật đời tư của mình để có hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Còn theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, vụ việc có thể khởi tố hình sự nếu người phát tán các tin nhắn đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này.

“Người khởi kiện cần chuẩn bị tài liệu chứng minh rằng các thông tin này là từ tài khoản của mình cùng với tài liệu chứng minh tài khoản này đã bị truy cập trái phép và bị phát tán tin nhắn cá nhân, tài liệu chứng minh thiệt hại từ hành vi trái phép trên (như bị hủy hợp đồng, giảm sút uy tín...)” - luật sư Nghiêm nói.

Nhiều tình huống vi phạm

Hiện nay có nhiều hình thức lưu trữ bí mật đời tư như tin nhắn, hình ảnh trên điện thoại, các tài khoản trên mạng... nên nếu không cẩn trọng, người dùng dễ bị lộ thông tin.

Theo luật sư Trạch, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 21 Hiến pháp và khoản 3 điều 38 BLDS, những hình thức này đều được xem là thông tin liên quan đến bí mật đời tư và được pháp luật bảo vệ, bảo đảm an toàn. Việc xử lý cũng tuân theo những quy định kể trên.

Theo các luật sư, nếu bị người khác cố ý xem trộm tin nhắn thì người bị xem trộm có thể nhờ pháp luật can thiệp.

“Những trường hợp này cũng được xem là vi phạm bí mật đời tư và khá phổ biến trong đời sống. Những vi phạm này thường ở mức độ về đạo đức, các bên sẽ tự thương lượng giải quyết với nhau. Nếu không nghiêm trọng, người bị xem trộm nên yêu cầu không được tiếp tục hành vi đó” - luật sư Trạch nói.

Còn theo luật sư Nghiêm, việc xem trộm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-1,5 triệu đồng theo quy định tại điều 51 nghị định 167.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài khoản Facebook, Gmail, Zalo... của người khác khi chưa có sự đồng ý rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ của chủ tài khoản cũng là hành vi vi phạm.

Theo luật sư Nghiêm, việc này đã vi phạm điều 226a BLHS quy định về tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.

Người cố tình vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm hoặc cao hơn tùy mức độ.

Cẩn trọng với thông tin đời tư

Theo luật sư Trạch, khi cung cấp thông tin đời tư cho người khác, người cung cấp cần cẩn trọng, xem xét kỹ.

“Thông tin nào cũng có giá trị nhất định. Dù tại thời điểm này chúng ta xem nó là bình thường, nhưng chúng có thể sẽ gây ảnh hưởng sau này” - luật sư Trạch lưu ý.

Thực tế đã có nhiều trường hợp “hối hận cũng đã muộn” vì dễ dãi cung cấp thông tin riêng tư của mình mà không nghĩ trước những hậu quả có thể xảy ra.

Từ thực tế các vụ kiện liên quan đến làm lộ bí mật đời tư, các luật sư cảnh báo người dân cần có cách lưu trữ hợp lý thông tin cá nhân của mình. Không lơ là với thông tin cá nhân, không nên cho người khác mượn các thiết bị, tài liệu chứa các thông tin liên quan bí mật cá nhân.

Dù pháp luật có thể xử lý người làm lộ thông tin đời tư, nhưng tự mỗi người phải lường trước hậu quả nếu lỡ như bí mật bị phát tán.

Luật sư Nghiêm lưu ý để tránh lộ bí mật đời tư, người dùng không nên tiết lộ mật mã các tài khoản cá nhân trên mạng cho bất kỳ ai. Sau khi sử dụng các tài khoản này thì nên đăng xuất. Với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại... người sử dụng nên tạo mật mã để đảm bảo an toàn.

Thế nào là bí mật đời tư?

Dù pháp luật quy định rõ việc xử lý đối với người làm lộ bí mật đời tư người khác, tuy nhiên theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM), còn nhiều quan điểm khác nhau về việc thông tin nào là bí mật đời tư.

Luật sư Nông cho rằng bí mật đời tư được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, bao gồm những thông tin, tài liệu, hình ảnh cá nhân, việc làm, tình yêu, gia đình, các mối quan hệ... mà người này giữ kín.

“Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân và họ chưa từng công bố cho bất kỳ ai khác” - luật sư Nông nói.

Lưu ý khi “share”

Trường hợp một người bị phát tán bí mật riêng tư, sau đó nhiều người chia sẻ trên mạng, luật sư Trạch cho biết đây là quyền chia sẻ thông tin của mỗi người. Nhưng khi chia sẻ cần kiểm tra tính xác thực và hậu quả của những thông tin này.

Trong trường hợp chia sẻ, phát tán những thông tin riêng tư thì căn cứ vào mức độ có thể xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 66 nghị định 174.

Trường hợp của nữ nhạc sĩ trên, luật sư Nghiêm cho biết có thể khởi kiện các trang mạng trong việc sử dụng các thông tin trái phép theo quy định tại điều 226 BLHS.

YẾN TRINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên