Phóng to |
Việc tiếp tục xây dựng 12 dự án thủy điện lớn, hàng chục dự án thủy điện nhỏ khác khiến đại biểu và cử tri Quảng Nam lo lắng - Ảnh: TẤN VŨ |
* Quảng Nam: lo lắng việc khởi công các thủy điện mới
Trong phiên chất vấn tại HĐND tỉnh Quảng Nam, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về tác động mặt trái của thủy điện, cụ thể là tình trạng xả lũ, gây dư chấn động đất như vừa qua... Trong khi đó theo báo cáo của UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm tỉnh Quảng Nam tiếp tục khởi công 12 dự án thủy điện mới.
Đó là ba dự án thủy điện bậc thang hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và chín dự án thủy điện nhỏ (gồm Sông Bung 2; Đăk Mi 2, 3; Đăk Pring 1; Chà Vàl; Đăk Di 1, 2, 3; A Vương 3; Sông Bung 3A; Nước Biêu; Nước Chè). Hiện tỉnh Quảng Nam có 10 dự án thủy điện bậc thang hệ thống Vu Gia - Thu Bồn (tổng công suất 1.149 MW), 33 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất 443 MW) được phê duyệt, nhưng mới đưa vào sử dụng ba dự án thủy điện bậc thang, sáu dự án thủy điện vừa và nhỏ.
* Quảng Ngãi: đề nghị rút giấy phép dự án “treo”
Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu thảo luận các báo cáo giám sát và nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc về kết quả thực hiện các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai.
Đến nay, ở các địa phương trong tỉnh còn 31 dự án chưa hoàn thành, trong đó có 13 dự án chậm tiến độ chiếm 440ha đất. Chỉ riêng ở Khu kinh tế Dung Quất có đến 46 dự án chưa hoàn thành. Về “siêu” dự án thép Quảng Liên (Đài Loan) “treo” gần năm năm nay và đang xin điều chỉnh vốn đầu tư lần 5 (dự kiến lên 4,5 tỉ USD), đại biểu Đỗ Văn Cường - phó Ban dân tộc tỉnh - cho rằng UBND tỉnh Quảng Ngãi phải đề nghị nhà đầu tư chứng minh được năng lực tài chính, thời gian thi công. Nếu không được thì đề nghị trung ương rút giấy phép đầu tư, chứ chiếm đất nhiều quá (504ha) khiến đời sống của người dân khó khăn.
* Thừa Thiên - Huế: chuyển 99 trường mầm non bán công sang công lập
Theo tờ trình của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 177 trường mầm non, trong đó có 99 trường bán công, nhiều địa phương chưa có đủ trường mầm non công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, không đảm bảo chất lượng giáo dục. Từ đó, UBND tỉnh đề nghị chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang trường công lập.
Đại biểu Phạm Văn Hùng (giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo) cho biết hiện cơ sở vật chất các trường mầm non hết sức thiếu thốn, tạm bợ; đời sống giáo viên mầm non ngoài biên chế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh đồng tình với đề xuất của UBND tỉnh, các đại biểu đều nhất trí và thông qua nghị quyết chuyển đổi 99 trường mầm non bán công sang trường công lập, đồng thời chuyển toàn bộ giáo viên mầm non bán công sang công lập, với 2.756 biên chế mới.
* Quảng Trị: phát triển rừng đầu nguồn
Kiến nghị với kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Trị, cử tri nhiều địa phương đề nghị nghiên cứu xây dựng quy hoạch, chính sách phát triển rừng đầu nguồn nhằm đảm bảo môi trường sinh thái phòng chống lụt bão, sạt lở đất, chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng kinh tế để trồng cây cao su tiểu điền vùng gò đồi. Tuy nhiên, việc phát triển cây cao su cần đảm bảo tiến độ xây dựng và quy hoạch cùng với các điều kiện cơ bản, tránh các thiệt hại do điều kiện đất đai, gió bão gây ra.
Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông... đều cho biết tuy đã phát huy nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân trên các địa bàn trong vùng dự án. Việc sạt lở các tuyến bờ sông Ô Lâu, Thạch Hãn, Bến Hải... trên địa bàn tỉnh cũng đang là vấn nạn trong mùa mưa lũ. Tỉnh đang cho lập các đê kè ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện công tác di dân... tuy nhiên vẫn đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận