Người dân trên quốc lộ 13, đoạn giáp giữa TP Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An (Bình Dương) khốn khổ vì đường ngập sau mưa lớn chiều tối 21-6 - Ảnh: Xuân An |
Nhiều tuyến đường trọng điểm và khu dân cư thường xuyên ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đối mặt với nguy cơ ngập lụt do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã làm thu hẹp, ảnh hưởng nhiều dòng chảy thoát nước tự nhiên.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, sau cơn mưa chiều 21-6 nhiều tuyến đường lớn, khu dân cư trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai) và Bình Dương bị ngập úng nặng khiến giao thông đình trệ, hàng trăm xe chết máy. Theo Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai, lượng mưa đo được tại TP Biên Hòa chiều 21-6 là 90,2mm, trong đó đỉnh điểm từ 15g25 - 17g là 88mm.
Còn Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết mưa ở Tân Uyên (Bình Dương) là 109mm. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan đánh giá: “Mưa từ 50 - 100mm gọi là mưa to, mưa trên 100mm gọi là mưa rất to. Tuy nhiên, mưa gần 100mm trong vài giờ thì nước rút không kịp sẽ gây ngập”.
TP Biên Hòa: nâng nhà lên gần 1m vẫn ngập
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Biên Hòa, trong năm 2014 còn tồn tại 15 điểm ngập đường giao thông trên các tuyến đường lớn trong trung tâm TP như Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, 30-4...
Trong đó điểm cầu Xóm Mai (P.Trảng Dài) ngay gần đầu cầu Săn Máu, bắt đầu từ đường Nguyễn Ái Quốc vào khu dân cư KP5, P.Trảng Dài và điểm cầu Long Bình Tân (cầu Đen cũ, P.Long Bình Tân) trên quốc lộ 51 là hai điểm ngập nặng nhất.
Sau cơn mưa chiều 21-6, tại cầu Xóm Mai ghi nhận mực nước lên 30-40cm, còn tại cầu Đen nước tràn lên mặt đường, có nơi sâu gần 1m. Nguyên nhân là công trình thi công cầu Xóm Mai chưa hoàn thiện, người dân phải qua cầu tạm khá thấp nên mỗi khi nước suối Săn Máu lên cao sẽ gây ngập.
Trong khi đó tại khu vực cầu Đen, đơn vị thi công là Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi thi công đã không phá bỏ mô cầu cũ, chưa nâng đường cáp quang và ống nước lên ngang với cầu mới đã khiến dòng sông bị chặn một phần, nước ứ dồn ngược lên thượng lưu làm toàn bộ KP1 (P.Long Bình Tân) ngập nặng.
Ngoài các tuyến đường giao thông, Biên Hòa còn ghi nhận 12 điểm ngập tại khu vực sản xuất và khu dân cư. Trong đó điểm cầu Sắt và khu trồng rau xanh dọc suối Săn Máu thuộc KP7, 8 (P.Tân Phong), KP1, 2, 5 (P.Trảng Dài), KP1, 2, 5 (P.Tân Tiến) là những khu vực bị ngập úng khiến người dân bị thiệt hại nặng.
Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước suối Săn Máu chưa thông thoáng, khi mưa lớn gây ngập toàn bộ khu vực sản xuất và khu dân cư sinh sống ven suối. Theo báo cáo mới nhất sau cơn mưa chiều 21-6, có gần 700 hộ dân sinh sống tại KP1, 3 (P.Long Bình Tân) bị ngập, 7ha dân cư tại KP1, 2, 4, 5 (P.Trảng Dài) và 30 hộ dân tại ấp Vườn Dừa (xã Phước Tân) cũng chung số phận.
Một hộ dân sống ngay mặt đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần cầu Săn Máu (KP1, P.Tân Hiệp) cho biết sau mỗi cơn mưa lớn thì đoạn đường trước nhà lại biến thành sông, có nơi nước sâu hơn nửa bánh xe. Mặc dù hộ dân này đã bỏ tiền nâng nền nhà lên cao gần 1m so với mặt đường, tưởng chừng có thể yên tâm nhưng không ngờ sóng nước vẫn tràn vào nhà mỗi khi có xe chạy qua.
Căng dây để làm dấu cho người dân đi qua một cầu tạm ở khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Bên cạnh là dòng nước chảy xiết sau cơn mưa chiều 21-6 - Ảnh: A Lộc |
Bình Dương có nhiều điểm ngập hơn TP.HCM
Trong khi đó tại Bình Dương, ghi nhận ngày 22-6 trên quốc lộ 13 đoạn siêu thị Metro (giáp giữa TP Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An), hàng chục công nhân và nhiều máy móc đang nhanh chóng thi công hệ thống cống thoát nước tại đây.
Sau cơn mưa lớn gây ngập lụt cục bộ quốc lộ 13 làm hàng trăm xe chết máy chiều tối 21-6 và nhiều ngày trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tập trung nguồn lực, nhân công đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Đối với toàn tỉnh Bình Dương, theo Sở Xây dựng tỉnh, hiện có tới 73 điểm ngập, trong đó có nhiều điểm ngập phát sinh mới. Lý do vì Bình Dương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh làm giảm diện tích thoát nước và thấm tự nhiên dẫn tới ngập úng cục bộ.
Ngoài ra, một số dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) quan trọng như quốc lộ 13, đường ĐT743... dù rất nhiều phương tiện lưu thông nhưng khi xây dựng chỉ tính thoát nước cho mặt đường, không tính thoát nước cho khu vực xung quanh nên khi có mưa lớn thì nước từ các khu vực xung quanh đổ dồn về, nước thoát không kịp gây ngập.
Ngập do thi công chậm
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, nguyên nhân ngập quốc lộ 13 một phần do việc thi công hệ thống cống băng ngang quốc lộ làm dòng chảy bị thu hẹp tạm thời, nhưng cũng có nguyên nhân do đây là điểm ngập có sẵn từ nhiều năm trước.
Để giải quyết, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát nhằm thoát nước cho hơn 2.500ha khu vực TP Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An (trong đó việc thi công ống cống ngang quốc lộ 13 là một phần của dự án này). Tuy nhiên do nguồn vốn lớn nên dự án này thực hiện còn chậm.
Cụ thể, dự án này được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 726 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong bốn năm. Tuy nhiên, tới nay đã quá thời hạn dự kiến nhưng dự án mới thực hiện được một phần. Chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng tới nay đã tăng vọt lên hơn 1.000 tỉ đồng, nên tổng mức đầu tư của dự án này sẽ tăng lên nhiều so với phê duyệt ban đầu.
Trong khi đó, nguồn vốn bố trí từ ngân sách của tỉnh Bình Dương rất hạn chế. Riêng hạng mục lắp đặt cống băng ngang quốc lộ 13 thì việc thi công cũng gặp rất nhiều khó khăn, do ở đây có hệ thống điện trung - hạ thế cung cấp cho các khu công nghiệp nên không thể thực hiện phương án lắp đặt cống hộp đúc sẵn mà phải đúc tại chỗ (vì sợ máy cẩu sẽ đụng phải đường dây điện).
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết trước mắt sẽ tập trung lắp đặt xong hệ thống cống hộp trong cuối tháng 6-2015. Về lâu dài, ban quản lý dự án đang kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn để nạo vét tuyến kênh ở hạ lưu nhằm tăng bề rộng kênh, giúp thoát nước triệt để.
Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt dự án thoát nước lớn đã được tỉnh phê duyệt như dự án Chòm Sao - Suối Đờn (thoát nước cho khoảng 1.700ha khu vực thị xã Thuận An), dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (thoát nước cho toàn khu vực khoảng 2.500ha)...
Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư của các công trình này lên tới hàng ngàn tỉ đồng nên thực hiện nhiều năm tới nay vẫn chưa xong, nhiều hạng mục phải ngưng thi công vì thiếu vốn.
Trong khi đó, ông Võ Thành Lê Phương - chuyên viên Phòng quản lý đô thị TP Biên Hòa - cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến Biên Hòa cứ mưa lớn là ngập lụt do hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường chính được xây dựng đã gần 20 năm, không còn phù hợp với tiến trình đô thị hóa như ngày nay, không đảm bảo thoát nước nên khi trời mưa lớn, lượng nước nhiều gây ngập úng cục bộ.
Để giải quyết triệt để cần phải thay thế toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Mặc dù UBND TP Biên Hòa rất quan tâm, phương án đã có nhưng nguồn vốn có hạn.
Trước mắt, Phòng quản lý đô thị TP Biên Hòa đã có văn bản gửi tới các đơn vị liên quan phối hợp nạo vét, khơi thông cống rãnh tại các khu vực có khả năng ngập úng cục bộ ngay từ đầu mùa mưa, tiếp tục triển khai các dự án thoát nước chống sạt lở...
TP.HCM phát sinh tới 29 điểm ngập
Những ngày qua cùng với nhiều địa phương khác, tình hình ngập nước tại TP.HCM cũng xuất hiện sau những cơn mưa đầu mùa, đặc biệt tình trạng ngập nước trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) và một số khu vực quận Thủ Đức... làm người dân bức xúc.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, từ đầu năm 2015 khu vực trung tâm TP được xác định còn 68 điểm ngập, so với năm 2011 số điểm ngập trên nhiều hơn 10 điểm. Công tác chống ngập TP thời gian qua cứ loay hoay với câu chuyện xóa, giảm ngập điểm này lại phát sinh điểm ngập khác, thời gian qua TP phát sinh tới 29 điểm ngập.
Theo nhận định của UBND TP, nguyên nhân ngập trên địa bàn TP chủ yếu do ảnh hưởng bởi việc thi công các công trình, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn và ảnh hưởng của rác làm hạn chế khả năng thoát nước của cống, hệ thống thoát nước khu vực hạ lưu nhỏ, kênh rạch bị bồi lắng và do quá trình phát triển đô thị làm hệ thống thoát nước quá tải, không có hướng thoát nước...
Ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, cho biết theo kế hoạch, đến quý 2 - 2015 cơ bản xóa được 32/68 điểm ngập khu vực trung tâm TP.
Các điểm được xóa ngập gồm: Mai Thị Lựu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng... Đặc biệt, những khu vực ngập nặng do ảnh hưởng bởi công trình thi công trước đây như Âu Cơ, Bàu Cát, Lũy Bán Bích, Trương Công Định... cũng đã được xóa ngập do thực hiện xong công trình cải tạo đường và kênh dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Riêng điểm ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh được đăng ký xóa trong quý 1-2015 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, theo ông Long, do chậm trong khâu bàn giao chủ đầu tư, hiện dự án nâng cấp đường và cải tạo hệ thống thoát nước cho tuyến đường này đang được xúc tiến thực hiện.
Với tình hình vốn khó khăn cũng như nhân lực rải đều cho nhiều dự án nên theo ông Long, đến hết năm 2015 chỉ giải quyết được 51/68 điểm ngập khu vực trung tâm, 17 điểm ngập còn lại sẽ được giải quyết trong năm 2016. Đó là chưa kể hiện trên địa bàn TP còn gần 10 điểm ngập nước bởi triều cường.
36 điểm ngập ở TP.HCM Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, tính đến hiện tại trên địa bàn TP còn 36 điểm ngập gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, An Dương Vương (từ Bà Hom đến mũi tàu Phú Lâm), Điện Biên Phủ, đường D1, D2, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp, Gò Dưa, Đỗ Xuân Hợp, Mai Hắc Đế, Lê Thành Phương, Nguyễn Văn Quá, Trần Đại Nghĩa, Kinh Dương Vương, Cao Văn Lầu, Trần Não. Trong đó 17 điểm ngập xác định được thực hiện trong năm 2016 là: Ung Văn Khiêm, Phan Anh, Lê Đức Thọ, Gò Dầu, Tân Quý, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Hồ Học Lãm, Bạch Đằng, Nguyễn Xí, quốc lộ 13 (2 đoạn), Lương Định Của, quốc lộ 1, Mễ Cốc, Lưu Hữu Phước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận