Cẩn thận khi chọn nguồn cung cấp thuốc nam - Ảnh tư liệu |
Quan trọng là chì được đưa chủ động vào cơ thể qua đường tiêu hóa như thuốc nam không rõ nguồn gốc gây ngộ độc cấp tính nguy hiểm đến tính mạng.
Chì cũng là một vị thuốc nhưng chữa bệnh ngoài da
Chì không mùi, không vị nên bằng mắt thường không thể phát hiện sự tồn tại trong thực phẩm, chỉ khi kiểm nghiệm mới xác định được.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, khoa y học cổ truyền Bệnh viện Bình Tân, TP.HCM, cho biết chì được dùng để điều trị các bệnh ngoài da từ hàng ngàn năm trước cho các bệnh như chàm, côn trùng cắn… vì chì có tính sát khuẩn, tái tạo da nhanh. Nhưng phải tránh các vết thương hở để hạn chế chì nhiễm vào máu.
Chính vì vậy, các trường hợp ngộ độc chì chủ yếu qua đường tiêu hóa.
Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì do Bộ Y tế ban hành nêu rõ: Chì không có vai trò có lợi về sinh lý với cơ thể. Nồng độ chì trong máu bình thường là dưới 10mcg /dL, nồng độ lý tưởng là 0mcg /dL.
Nếu chì vào cơ thể hằng ngày, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn, biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt và ảnh hưởng thần kinh…
Con người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau như: đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt; bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì, dùng xăng có chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ), không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, khói do xăng dầu có chì; hoặc do tính chất nghề nghiệp có tiếp xúc chì thường xuyên…
Tại sao chì có trong thuốc nam?
Một nguồn chì đưa vào cơ thể khó kiểm soát là chì trong thuốc nam không rõ nguồn gốc. Những cây thuốc này thường bị nhiễm chì do được trồng ở vùng đất bị nhiễm chì.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, chì là một loại “mỹ phẩm” của dược liệu, có thể làm cho dược liệu có màu sắc tươi sáng hơn, không sần sùi, loang lổ.
Bên cạnh đó, chì còn giúp bảo quản thuốc do có tính kháng khuẩn.
Tuy nhiên, chì không được phép sử dụng để bảo quản thuốc.
“Có một lượng “lang y” trôi nổi theo kiểu cha truyền con nối sử dụng “bí quyết” từ các nguồn sách cũ mà không cập nhật kiến thức y khoa nên cho người bệnh dùng chì theo đường uống hoặc dùng chì bảo quản thuốc mà không biết cách khống chế lượng chì. Trong khi đó, theo y khoa hiện đại, chì gây ngộ độc cho cơ thể nên hoàn toàn không được uống” - bác sĩ Nhiên khuyến cáo.
Giải độc chì bằng cách nào?
Theo khuyến cáo, khi nghi ngờ bị nhiễm chì, người dân có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng. Hiện nay chỉ có một số bệnh viện lớn mới có chức năng xét nghiệm lượng chì trong máu.
Theo bác sĩ Nhiên, một người được chẩn đoán nhiễm chì khi xác định mình có tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc xuất hiện triệu chứng thần kinh như mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, đôi khi tăng động, co thắt, ăn uống kém… Đây là các diễn biến âm thầm.
Khi trở nặng có các biểu hiện co giật, lơ mơ, hôn mê… Bởi khi hàm lượng lớn chì vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thần kinh, gây tăng áp lực nội sọ, tổn thương não cấp, cột sống, gây tê liệt các nơron thần kinh dẫn đến một số trường hợp bị liệt chi như trường hợp vừa qua.
Ở trẻ càng nhỏ thì tác hại càng nặng và gây ra tình trạng rối loạn chức năng thần kinh có thể bị kích thích tăng động hoặc chậm lớn, trí tuệ kém phát triển, tự kỷ… Có trường hợp thiếu máu, phụ nữ dễ sảy thai.
Bệnh nhân bị ngộ độc chì cấp cần đưa đến bệnh viện cấp cứu và dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu.
Trường hợp ngộ độc mạn tính thì cần loại bỏ khả năng tiếp xúc với chì từ trong đất, cát, vật liệu xây dựng, nguồn nước phải kiểm tra có bị nhiễm chì hay không, không để các bé tiếp xúc với pin.
Trong khẩu phần dinh dưỡng cần bổ sung thêm sắt và canxi và vitamin C do có khả năng giải độc chì tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận