Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: TIẾN TRÌNH |
Trước nhiều lo ngại về dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc) xây dựng ở Hậu Giang sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước trên dòng sông Hậu, 10g30 ngày 23-6, doanh nghiệp này đã họp báo để giải đáp những quan tâm trên.
Chủ trì họp báo là ông Chung Wai Fu - tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam. Buổi họp báo còn có mặt lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Hậu Giang, Sở Công thương, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang.
Nhà máy này được xây dựng tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, nằm bên bờ sông Hậu.
Lo ngại là do... hiểu lầm?
Mở đầu cuộc họp báo, ông Chung Wai Fu cho biết: Tập đoàn sản xuất giấy Lee & Man có nhiều nhà máy giấy đang hoạt động ở nhiều tỉnh tại Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô... Tại Hậu Giang, nhà máy này được xây dựng ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Ngoài hệ thống các nhà máy sản xuất giấy, công ty này còn được cấp phép xây dựng cảng chuyên dụng bên sông Hậu với 3 bến cảng có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn.
Theo kế hoạch, nhà máy giấy Lee & Man sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 7 và sẽ chính thức vận hành, có sản phẩm vào tháng 8-2016.
Ông Chung Wai Fu cho rằng hệ thống xử lý chất thải của nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm.
Theo diễn giải của lãnh đạo nhà máy, chất thải được đưa vào hệ thống xử lý sẽ qua 9 công đoạn để khi xả chất thải đạt chuẩn ra môi trường.
Ông Chung Wai Fu cho biết: khi đưa vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TN-MT Hậu Giang và một đơn vị quản lý do Bộ TN-MT chỉ định để các đơn vị này giám sát.
Ông Chung Wai Fu cam kết nhà máy giấy này sẽ “không sử dụng chất xút (NaOH) gây ô nhiễm môi trường”.
Vậy nếu không sử dụng chất xút thì chất thay thế là gì; tính chất của chất đó ra sao; liều lượng sử dụng như thế nào? Ông Chung Wai Fu không trả lời thẳng vào câu hỏi:
“Do chúng tôi chưa sử dụng thiết bị nên chưa tính toán được sử dụng bao nhiêu hóa chất ở đây, hóa chất sẽ ảnh hưởng môi trường thế nào. Nhưng hóa chất nào cũng phải dùng tiền để mua, nên chúng tôi không thể muốn xả (ra môi trường) thì xả.
Ở Việt Nam không chỉ có Lee & Man sản xuất giấy, mà còn có nhiều nhà máy khác... nên họ sử dụng chất gì thì chúng tôi sử dụng chất ấy”.
Khi phóng viên Tuổi Trẻ nhắc lại việc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại việc xả thải của nhà máy sẽ tác động xấu đến sông Hậu, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản ven lưu vực con sông này, ông Chung Wai Fu sốt sắng:
“Chúng tôi mời họ và các hiệp hội khác đến đây tìm hiểu. Chúng tôi sẽ giải thích để họ yên lòng. Tôi nghĩ đây chỉ là hiểu lầm”.
Ông Chung Wai Fu thuyết trình hệ thống xả thải tại nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang - Ảnh: T.TRÌNH |
Chưa có báo cáo tác động môi trường tổng thể
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy được Bộ TN-MT phê duyệt mới chưa (không tính ĐTM được phê duyệt từ năm 2008), ông Chung Wai Fu nói: “Năm 2014 chúng tôi đã làm lại các thủ tục để xin phê duyệt, trong đó có cả ĐTM”.
Tuy nhiên, các ĐTM mà Lee & Man lập và xin phê duyệt là chỉ cho từng hạng mục, chứ chưa có phê duyệt ĐTM cho tổng thể nhà máy.
“Chúng tôi đang tiến hành thủ tục để xin phê duyệt ĐTM cho tổng thể nhà máy” - ông Fu nói.
Ông Fu cũng cho biết thời gian qua đơn vị này đã nhiều lần chủ động báo cáo cho cơ quan chức năng địa phương trong quá trình xây dựng nhà máy và chủ động mời đơn vị tư vấn tiến hành lấy mẫu nước sông Hậu để kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần chứ địa phương chưa kiểm tra thường xuyên.
Nhiều phóng viên đặt vấn đề quy trình xin phê duyệt ĐTM, vấn đề nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang không nằm trong quy hoạch nguồn nguyên liệu giấy nhưng vì sao vẫn được phê duyệt đầu tư xây dựng; vấn đề sử dụng nguồn nguyên liệu từ đâu để sản xuất giấy?
Đại diện Lee & Man chỉ trả lời qua loa một số câu hỏi và cho biết: nguyên liệu dùng để sản xuất giấy được nhập khẩu từ các nước khác.
Khi Tuổi Trẻ hỏi về vấn đề giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Lee & Man như thế nào, lẽ ra người có trách nhiệm của Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang phải trả lời, nhưng rất tiếc vị này đã rời buổi họp báo trước đó.
Còn ông Chung Wai Fu cho rằng nhà máy và hệ thống xả thải sẽ hoạt động 24/24 giờ và “hoan nghênh cơ quan chức năng đến lấy mẫu nước thải để kiểm tra”.
Khi còn nhiều phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi thì người chủ trì họp báo ra hiệu dừng họp báo với lý do đã quá muộn, kết thúc lúc 14g.
Tỉnh đã báo cáo Thủ tướng! Chiều 23-6, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh những nghi ngại về việc khi nhà máy giấy Lee & Man hoạt động mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, có thể là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ông Trương Cảnh Tuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng và đang giao cho một phó chủ tịch theo dõi giám sát việc triển khai dự án. Còn ông Nguyễn Ngọc Điện - phó trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang - nói: trước khi hoạt động nhà máy xử lý nước thải phải vận hành thử nghiệm, “nước thải đạt tiêu chuẩn loại A chúng tôi mới cho nhà máy giấy hoạt động”. Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ về việc theo quy định, ĐTM sau hai năm phải được đánh giá lại, tuy nhiên dự án nhà máy giấy Lee & Man chỉ có ĐTM được phê duyệt năm 2008, ông Hoàng Quốc Cường, phó giám đốc Sở TN-MT Hậu Giang, cho rằng dự án không triển khai mới thì phải đánh giá lại, còn dự án này đang triển khai (nên không nhất thiết đánh giá lại). “Mặc dù vậy, Sở TN-MT Hậu Giang đã yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, cập nhật tác động của dự án đến môi trường. Phía chủ đầu tư cho biết họ đang thuê tư vấn để làm việc này, sau đó Bộ TN-MT sẽ thẩm định lại” - ông Cường nói. |
Sản xuất giấy ô nhiễm hơn cả khai khoáng Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) có diện tích 82,8ha do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD. Dự án được khởi công tháng 8-2007, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Dự án gồm 2 hạng mục chính: nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm. Theo các nhà khoa học, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại. Nếu nhà máy có hệ thống nấu sản xuất bột giấy thì ô nhiễm môi trường lớn nhất là dịch đen (black liquor). Lo ngại trước thực tế này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi văn bản cầu cứu đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Thủ tướng xem xét lại dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận