Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với quy định về các biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch, đặc biệt là “trong khu vực nội đô lịch sử”, gồm có 4 quận cũ của nội thành và quận Tây Hồ, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Bình Dương - băn khoăn có thể khu vực này sẽ không mở rộng các bệnh viện.
Băn khoăn không mở rộng bệnh viện, vẫn xây dựng chung cư
“Tôi thấy không mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì đúng rồi, nhưng nếu nói là chúng ta không mở rộng các bệnh viện thì tôi sợ rằng dân số vẫn cứ tiếp tục tăng. Bởi trong 5 quận này, các chung cư vẫn đang xây dựng, các khu đô thị vẫn phát triển và nếu chúng ta không cho mở rộng bệnh viện thì tôi sợ rằng có thể sau này sẽ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện hiện nay” - đại biểu Huân nêu vấn đề.
Cũng nêu vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng cần làm rõ thêm thuộc tính của khu vực nội đô. Bởi đây là những khu vực cần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống của Hà Nội. Tuy nhiên, việc nêu ra đích danh 5 quận là Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ là không phù hợp.
Bởi theo đại biểu, các khu vực được gọi là các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ yếu nhắc đến 36 phố phường, khu vực của thành Đại La cổ, tức là từ Đê La Thành trở lại.
Các khu như phố Pháp chỉ tập trung một phần ở trung tâm, chứ không phải toàn bộ của các quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, thậm chí ngay cả Hoàn Kiếm ở ngoài đê cũng không phải là khu bảo tồn.
Vì vậy, đại biểu cho rằng nếu đưa 5 quận trên vào “khu bảo tồn nội đô”, sẽ trở thành một rào cản pháp lý nếu muốn cải tạo những khu vực này.
Đơn cử, những khu chung cư cũ của Hai Bà Trưng, Đống Đa, khu nhà dân tự xây đang không an toàn, muốn cải tạo sẽ vướng ngay vào khu gọi là nằm trong bảo tồn nội đô lịch sử.
“Chúng tôi đề nghị nên loại tên ra, không nên kể tên vào đây. Chúng ta biết rằng Hà Nội có quy hoạch thủ đô rồi sau đó quy hoạch chung, do vậy khái niệm những phạm vi này thì nên lấy tên chung là được ghi trong quy hoạch, chứ không nên cụ thể là quy hoạch nào” - đại biểu Cường nói.
Bài học "xóa sổ" quy định, dân số cơ học tăng tạo sức ép lớn
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng thực tiễn thời gian vừa qua khi triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được định hướng quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, có nhiều nội dung vướng mắc với các quy định pháp luật, các luật khác có liên quan.
Thực tế này dẫn đến việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 không mang tính khả thi, mất đi tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai được.
"Vấn đề này cũng đang là khó khăn, vướng mắc đối với TP.HCM khi tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 98 và nguyên nhân là do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể khi triển khai áp dụng" - theo đại biểu.
Dẫn chứng, đại biểu Thường nói khi Luật Thủ đô năm 2012 được thông qua, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã rất kiên quyết, kiên trì bảo vệ điều khoản liên quan đến điều kiện cư trú để làm giảm việc tăng dân số cơ học ở thủ đô.
Đại biểu đánh giá đây chính là ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, sau này Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn gần như "xóa sổ" điều này trong Luật Thủ đô.
"Chính từ điều khoản bị vô hiệu này mà mỗi năm thủ đô hiện nay tăng thêm dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố. Từ đây, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thủ đô" - đại biểu Thường nêu.
Vì vậy, ông cho rằng các nội dung của dự thảo cần đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả, thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận