"Theo kinh nghiệm đúc kết từ dân gian, những năm Thìn mưa gió rất to. Năm Thìn 1964, miền Trung cũng thiên tai khủng khiếp. Nay tròn chu kỳ 60, nói thiệt tôi rất lo.
Các anh cũng lo ngay từ bây giờ, nạo vét cống rồi một tháng sau cũng quay lại xem có bị bít lại không" - ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã mở đầu cuộc họp chuyên đề về phổ biến nội dung phòng chống thiên tai chiều 2-7.
Sau trận mưa lịch sử ngày 14-10-2022, các điểm "nóng" ngập lụt trở thành nỗi quan tâm thường trực đối với người dân
Sau khi nghe các sở ngành báo cáo các chuyên đề, lãnh đạo Đà Nẵng bắt đầu truy hỏi từng quận, huyện về việc chuẩn bị ứng phó với mưa bão. Đặc biệt là tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hòa Vang - nơi có những điểm ngập sâu.
Trao đổi với quận Liên Chiểu, ông Chinh yêu cầu phải có phương án khi nghe "trở trời" là có lực lượng thường trực ngay tuyến đường Mẹ Suốt.
Đây là khu vực thường xuyên ngập nặng, vì đường thoát nước phía hạ lưu có nhiều nút cổ chai ở đoạn giao nhau với quốc lộ, đường sắt.
"Có lần mưa ngớt một tiếng, tôi lội vào với dân mà nước tới bụng. Nếu lúc đó không tạnh mà mưa thêm một tiếng thì không biết khu vực đó thế nào luôn" - ông Chinh nhắc lại.
Đồng thời ông yêu cầu quận này đặc biệt lưu ý phương án chống ngập, dời dân đối với vị trí này.
Trong khi đó tại quận Cẩm Lệ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng điểm danh từng công trình đáng lo trong mùa mưa bão.
Cụ thể như tại khu vực bờ kè Cụm công nghiệp Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Thọ Tây.
Đây là công trình gây phiền toái cho dân do cốt nền cao bằng nóc nhà ba tầng. Do bờ ta luy có độ dốc cao mới được thi công, ông Chinh yêu cầu nếu cần thiết thì tính phương án lót bạt để chống sạt lở do bờ đập mới hình thành.
Sau khi nghe báo cáo chuyên đề về chống ngập và cắt tỉa cây xanh chống bão, ông Chinh yêu cầu các quận huyện dứt khoát hoàn thành việc nạo vét cống theo chỉ đạo trước đó.
Đồng thời, ông lưu ý vấn đề cửa thu nước tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng, quyết định đến việc chống ngập.
Ông Chinh cũng hỏi bất ngờ lãnh đạo một số quận về vị trí cửa thu nước.
Đặc biệt, tại một số hệ thống thoát nước mới hoàn thành có tình trạng ngăn phía thượng lưu để thi công, nhưng khi làm xong lại quên tháo gỡ, gây ngập.
"Không để trên đường đầy nước mà dưới cống trống trơn vì cửa thu bị bịt lại. Cái này quận huyện làm chính, các anh phải làm thường xuyên, kiểm tra thường xuyên" - ông Chinh chỉ đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận