Theo báo Washington Post, những hoạt động trên của Bắc Kinh bao gồm vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị phát hiện ở Mỹ, Bắc Kinh phóng tên lửa khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm đảo Đài Loan, các hoạt động quân sự ở Biển Đông, kho vũ khí hạt nhân đang được mở rộng của nước này...
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: "Hiện tại tình hình khu vực đang nguy hiểm nhất trong 30 năm qua".
Nhiều thỏa thuận quân sự mới được ký kết
Tháng 12-2022, lần đầu tiên trong hơn 50 năm, Nhật Bản tuyên bố gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm, đồng thời đặt mua một loạt tên lửa Tomahawk nổi tiếng của Mỹ. Với quyết định này, Nhật Bản trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới.
Nước này cũng tán thành kế hoạch của Washington về việc triển khai trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa, địa điểm thuận lợi cho việc điều quân đến các đảo gần Đài Loan. Đơn vị này sẽ được trang bị tên lửa chống hạm có khả năng đối phó các tàu của Trung Quốc.
Thành viên Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tại cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương tháng 7-2022 ở Hawaii - Ảnh: WASHINGTON POST
"Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đặt ra những thách thức an ninh ngày càng nghiêm trọng và phức tạp trong khu vực. Chúng tôi buộc phải tăng cường năng lực quân sự" - ông Noriyuki Shikata, thư ký báo chí của Văn phòng Nội các Nhật Bản, phát biểu trước báo giới.
Úc, đồng minh lớn khác của Mỹ ở Thái Bình Dương, được dự đoán sẽ công bố kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh trong những tuần tới. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS được 3 nước ký kết hồi tháng 9-2021.
Qua thỏa thuận này, phía Mỹ và Anh sẽ không chỉ hỗ trợ Úc về thiết bị và tài chính, mà còn cử đội ngũ đến huấn luyện, thực hiện công tác bảo trì cơ sở vật chất và nhiều lĩnh vực khác.
Trong khi đó, phía Trung Quốc phản ứng gay gắt với AUKUS, cáo buộc thỏa thuận này là động thái để kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực
Đầu tháng này, Philippines tuyên bố đã cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của nước này, nâng tổng số căn cứ Mỹ tại nước này lên 9. Các nguồn tin cho biết ít nhất 2 trong số 4 căn cứ mới này nằm trên đảo Luzon, cách Đài Loan khoảng 320km.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có mặt tại Philippines để hoàn tất thỏa thuận sử dụng 4 căn cứ quân sự của nước này - Ảnh: BBC/GETTY IMAGES
Ngoài tại Philippines, Mỹ cũng nỗ lực mở rộng mạng lưới sân bay quân sự ở Nhật Bản, Micronesia và nhiều địa điểm khác, chứ không chỉ tập trung vào một số sân bay lớn.
"Nếu bạn dồn tất cả máy bay vào một số ít căn cứ lớn và các căn cứ này bị khống chế, sẽ không có máy bay nào có thể cất cánh" - Đại tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, giải thích.
Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng thông qua các cuộc tập trận. Mùa hè năm 2022, nước này tổ chức cuộc tập trận trên biển lớn nhất lịch sử ngoài khơi quần đảo Hawaii và phía nam bang California. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 26 quốc gia (Chile, Indonesia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản…), hàng chục tàu thuyền, 3 tàu ngầm, 170 máy bay và hơn 25.000 nhân lực.
Không phải nước nào cũng muốn đẩy mạnh hợp tác
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng muốn làm mất lòng Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia và Indonesia là các trường hợp điển hình cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc chơi của các nước lớn, khẳng định không muốn phải chọn Trung Quốc hay Mỹ.
Trung tướng Kongcheep Tantravanich, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan, khẳng định: "Chúng tôi phải duy trì vị thế trung lập".
Lục quân Mỹ và Ấn Độ tập trận chung tại bang Ranikhet, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS
Các xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều năm qua đã đẩy Ấn Độ ngày càng ngả về phía Mỹ, thể hiện qua số lượng đáng kể cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Tuy vậy, Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm độc lập về chiến lược, tránh các thỏa thuận an ninh đa phương hay tham gia bất kỳ liên minh nào để tạo sức ép lên Nga hay Trung Quốc.
"Họ không muốn ai nghĩ rằng đang có một liên minh chống Trung Quốc giữa Mỹ và Ấn Độ" - ông Ashley Tellis, chuyên gia về Ấn Độ tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận