12/11/2015 09:02 GMT+7

Lo ngại thu phí tràn lan

VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ ([email protected])

TT - Thảo luận về dự án Luật phí tại Quốc hội ngày 
11-11, các đại biểu đã cảnh báo phí và lệ phí cần được thu, chi hợp lý để người dân được thụ hưởng phúc lợi tương xứng.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu, thảo luận về dự án Luật phí - Ảnh: V.D.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu, thảo luận về dự án Luật phí - Ảnh: V.D.

Theo các đại biểu, thu phí và lệ phí không phải dùng để bù đắp cho những thất thoát do tham nhũng, quản lý yếu kém.

“Phí, lệ phí phải hợp lý, không trở thành thuế thu nhập trá hình, làm giảm thu nhập hợp pháp của nhân dân. Không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong sử dụng tiền thuế của dân. Tôi đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc đó” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa mở đầu bài phát biểu bằng đề nghị này.

Dân gặp Nhà nước, sao ở đâu cũng phải có tiền?

Cảnh báo về việc thu phí và lệ phí tràn lan, đặc biệt là phí giao thông, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng hiện đang có những dự án lạm thu phí của người dân, kể cả dự án BOT.

Trong đó, có nguyên nhân từ quản lý kém, tham nhũng, bắt người dân đóng phí vượt mức họ được hưởng thụ để bù thâm hụt.

Cho ý kiến về nguyên tắc chung trong thu phí và lệ phí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng về cơ bản, dịch vụ công phải được chi bằng tiền thuế, nhất là những dịch vụ công mà toàn dân đều sử dụng.

“Theo nguyên tắc công bằng thì phí, lệ phí được trả bởi những người có nhu cầu sử dụng một số dịch vụ, mà những người khác không có nhu cầu đó. Những dịch vụ công khác Nhà nước phải đảm trách vì người dân đã phải đóng thuế rồi” - ông Nghĩa phân tích.

Cùng chia sẻ vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Bây giờ tôi thấy hầu như mối quan hệ nào của dân với Nhà nước cũng phải có tiền. Từ đi học, đi khám bệnh, đi đến chính quyền xin con dấu cũng mất tiền. Thế là thế nào?”.

Ông cho rằng cần tách bạch những dịch vụ hành chính thuần công với các dịch vụ khác. Với dịch vụ hành chính thuần công thì không nên quy định thu phí, vì đây là nhiệm vụ của chính quyền.

Còn những dịch vụ khác như dịch vụ công cộng, công ích thì Nhà nước có thể cung cấp hoặc chuyển giao cho các cơ sở ở ngoài thực hiện.

“Vì vậy, tôi đề nghị rà lại để bỏ những loại phí đưa ra khỏi danh mục những loại thuần công” - đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Thụ hưởng phải tương xứng với nộp phí

Để tránh việc phát sinh quá nhiều loại phí, lệ phí, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ sự nhất trí cao với việc đưa ngay vào trong luật danh mục phí và lệ phí.

Theo ông: “Quy định như vậy là rõ ràng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, khắc phục tình trạng ban hành tràn lan phí và lệ phí như hiện nay”.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến nguyên tắc thu phí, lệ phí vẫn chưa được các đại biểu nhất trí.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhắc ban soạn thảo một vấn đề mang tính quy tắc trong kinh tế, đó là dự thảo không hề quy định nơi thu phí phải đáp ứng được mức độ thụ hưởng tương xứng với số tiền mà người dân nộp.

Đại biểu Tuyết nói dự thảo chỉ quy định khi nộp phí và lệ phí người dân được nhận hóa đơn là chưa đầy đủ và cần phải bổ sung quy định về mức thụ hưởng tương xứng, về quyền đề nghị được đáp ứng đúng với số tiền đã đóng phí.

Đa số đại biểu đã đồng ý việc đưa học phí và viện phí ra khỏi danh mục phí và thực hiện theo cơ chế giá.

Phân tích điều này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng Nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ này để nâng cao chất lượng. Do đó cần chuyển viện phí, học phí sang cơ chế giá để đảm bảo cho các cơ sở cung cấp dịch vụ tính đúng tính đủ vào giá.

VIỄN SỰ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên