Lỗ mọt

KHÔI VŨ 12/03/2006 20:03 GMT+7

TTCT - Người thợ sửa xe đạp ở góc ngã ba đường vào xã Quỳnh Giao có dung mạo của một người trên dưới 60 tuổi với cái trán đầy vết nhăn và hàm râu quai nón muối tiêu, rất ấn tượng với người mới gặp lần đầu.

 

 Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Người thợ sửa xe đạp ở góc ngã ba đường vào xã Quỳnh Giao có dung mạo của một người trên dưới 60 tuổi với cái trán đầy vết nhăn và hàm râu quai nón muối tiêu, rất ấn tượng với người mới gặp lần đầu.

Khách vãng lai sửa xe thường gọi ông ta là “bác Hai”, “bác Ba”... tùy theo sự phỏng chừng về thứ bậc hoặc quen miệng. Nhưng những người dân địa phương, kể cả lũ học trò ở Quỳnh Giao, thì bởi biết rõ thứ bậc trong gia đình và tuổi thật của ông ta mới tròn 50 nên có người gọi “chú Sáu”, có người gọi “anh Sáu”.

Thật ra, con người này có hai biệt danh gắn liền với hai đoạn đời trước đây của ông ta: Sáu “chân đất” và Sáu “mật gấu”. Còn hiện tại, ở góc ngã ba đường này chỉ có người thợ sửa xe đạp với tấm bảng viết sai chính tả thành “Sữa xe đạp” gắn trên cây cột đèn hạ thế, cạnh đó có treo lủng lẳng cái vỏ xe đã phế thải.

Kia! Một chú bé học trò đeo khăn quàng đỏ dẫn xe đạp tới.

- Chú Sáu ơi, chú sửa lẹ cho con kẻo trễ giờ vô học!

Người thợ sửa xe không đáp, kể cả cái gật đầu. Chưa đầy một phút, ông ta đã lôi ra cái ruột xe đạp mềm nhũn, tra vòi vào bơm rồi dúi cái ruột xe căng phồng vào chậu nước lờ nhờ để thử. Những cái bong bóng nhỏ xíu sủi tăm trên mặt chậu nước. Đến lúc này ông ta mới lên tiếng:

- Lỗ mọt! Mày mua đồ dỏm rồi!

***

Sáu “chân đất” quyết định phải đổi đời khi 40 tuổi chẵn, một vợ, hai đứa con gái. Hai vợ chồng, người làm ruộng, người đi bán chè gánh đầu tắt mặt tối bao năm vẫn không thay được cái tivi đen trắng cho con coi màu mè với người ta, mùa mưa nào cũng phải leo lên dặm vá mái tôn, tết nhứt muốn may sắm quần áo mới mỗi người một bộ cũng khó...

Để có được quyết định này, cả nhà đã mấy lần ngồi bàn bạc. Hăng nhất là hai đứa con gái. Phân vân một chút là bà vợ. Sáu “chân đất” là người đắn đo sau cùng. Nửa mẫu ruộng là của hương hỏa cha mẹ chia cho, nay bán đi theo phong trào bán ruộng cho người thành phố ở Quỳnh Giao, nắm chắc trong tay mấy chục cây vàng, số của cải mà có nằm mơ cả bốn người trong nhà ông cũng không thấy nổi! Chuyện phải suy nghĩ là rồi gia đình Sáu “chân đất” sẽ sống như thế nào với số vốn đó trong tay?

“Đường đi ở dưới chân mình”. Đó là ý kiến của Út Chót, thằng con trai út của bà chủ tiệm cà phê Thanh Linh, thằng dám tuyên bố chờ mấy năm nữa khi con Tiền, con gái lớn của Sáu “chân đất”, đủ 18 tuổi, nó sẽ nói má đem cơi trầu qua xin cưới con nhỏ về làm vợ.

Út Chót chuẩn bị thi tú tài nhưng nó chỉ coi chuyện thi cử như một cữ dượt quần vợt, đậu rớt gì cũng chẳng quan trọng. Sáu “chân đất” có vẻ tin tưởng ở thằng con rể tương lai này lắm. Nó biết đánh quần vợt từ hồi 15 tuổi, đâu cũng kiếm được cái giải nhì, giải ba gì đó trong một cuộc thi quần vợt thiếu niên.

Sau đó, nó lân la làm quen để được “bày cách” cho mấy sếp ở quận mới đua đòi học đánh quần vợt và khi sếp nào đã đủ tự tin bước ra sân cùng những cú đánh bóng, đỡ bóng tàm tạm thì nó cũng bắt đầu thỉnh thoảng giả thua để sếp phấn khởi! Chính miệng nó nói: “Có người chỉ học lớp 10, lớp 11 mà vẫn làm lớn là nhờ ưa đi chơi với mấy sếp. Ai mà làm vừa lòng mấy sếp, được cất nhắc mấy hồi! Sau đó thì đi học bổ túc, rồi cũng tú tài, cử nhân như ai thôi”.

“Mày nói vậy là sao, tao chỉ mới hiểu lờ mờ thôi” - Sáu “chân đất” thật thà hỏi. Út Chót mỗi khi nói đều khoa hai tay trước mặt như một diễn giả hùng hồn: “Nghĩa là chú Sáu cứ bán ruộng, cầm trong tay số vàng lớn đi, rồi sẽ tính từng bước một”; “Thì mày cũng phải nói cho tao nghe thử coi, bước đầu tiên tao sẽ làm gì?”; “Dễ ợt! Đầu tiên chú Sáu bỏ ra một ít để sửa chữa lại căn nhà sắp sập của chú Sáu đó.

Biểu thợ nó đổ cột, lên cái gác lấy chỗ ở rộng rãi”; “Được! Trúng ý tao lắm!”; “Kế đó chú Sáu mua cho mình một chiếc xe gắn máy làm chân đi đây đi đó, bán cái xe đạp cũ mèm cho mấy bà lạc xoong cho rồi”; “Cũng trúng ý tao luôn!”; “Chú Sáu đổi cho em Tiền, em Bạc mỗi đứa một chiếc xe đạp mới để tụi nó đi học cho bằng chị bằng em”; “Mày đúng là thằng chu đáo, ngay từ bây giờ đã biết lo cho con vợ, lo cho con em vợ tương lai. Được! Tao duyệt! Rồi kế nữa thì làm gì?”; “Chú Sáu cứ làm tới đó đi rồi sẽ tính. Con nói rồi mà: đường đi là ở dưới chân mình”.

Cái thằng cứ như một triết gia! Sáu “chân đất” thực hiện y chang lời nó. Có một chút “cải tiến” là vợ ông đòi làm thêm cái hàng rào sắt vừa để ngăn cách khu nhà mình với đường sá, vừa thoáng tầm mắt bà con nhìn vô là thấy sạp cháo vịt bà bày ra bán từ bôn, năm giờ chiều tới tối. Bà vợ nói với Sáu “chân đất”: “Nghỉ bán chè rong thì cũng phải làm cái gì khác để kiếm đồng ra đồng vô, lấy ba bữa cơm cho chắc ăn cái đã”.

Ông vui vẻ nói: “Ba bữa cơm thì chưa chắc, nhưng bữa sáng ăn cháo ế tối hôm trước coi bộ chắc hơn”. Nói vui vậy thôi chớ cái quán cháo vịt cũng không đến nỗi. Thường thì khoảng tám, chín giờ tối là bà Sáu đã kêu hai đứa con gái ra phụ dọn dẹp.

Một tháng chỉ một hai bữa ế, nhưng sáng hôm sau cũng chẳng ai trong nhà phải ăn sáng bằng hàng ế đó. Bà Sáu nuôi một con heo mọi để nó ăn thức ăn thừa, coi như bỏ ống. Có lần Sáu “chân đất” cười cười nói với vợ: “Bà làm ăn nhỏ, hổng xứng với gia cảnh mình bây giờ”; “Kệ tui! Ông muốn làm ăn lớn thì ông cứ thử làm coi!”.

“Làm gì bây giờ, mậy?”- Sáu “chân đất” hỏi Út Chót vào một buổi tối khi hai người ngồi nhậu đầu vịt với rượu chuối hột. Ông than thở: “Sửa cái nhà rồi, mua xe máy, xe đạp, đổi tivi màu rồi, nói thiệt, nếu bả không có sáng kiến mở quán bán cháo vịt chắc tao phải ở không. Nhưng cứ như hiện nay, mỗi ngày ngồi phụ bả cắt tiết vịt, làm lông vịt... chắc tao sớm vô nhà thương điên Biên Hòa quá! Mình dẫu gì cũng là thằng đờn ông...

Tao muốn làm việc gì cho nó đáng mặt anh hùng một chút!”. Út Chót tỉnh queo: “Chú Sáu đừng có lo. Con đã nghĩ ra việc cho chú Sáu rồi. Có việc lớn cho chú Sáu làm, cho chú Sáu thỏa chí tang bồng luôn!”; “Mày nói liền đi, vòng vo hoài tao nóng ruột lắm”; “Có một sếp đệ tử quần vợt của con tính mở nhà hàng, đang kêu người hùn hạp, chú Sáu muốn hợp tác thì con giới thiệu cho”;

“Mở nhà hàng? Được lắm! Cũng là buôn bán hàng ăn, nhưng làm lớn chớ chẳng phải như cái quán cháo vịt của thím Sáu mày. Tao đồng ý. Nhưng, hùn cỡ bao nhiêu thì vừa?”; “Cái đó tùy chú Sáu thôi. Lớn thuyền thì lớn sóng. Vốn nhiều thì làm qui mô lớn, vốn vừa thì mở nhà hàng cỡ trung bình thôi...”; “Rồi! Coi như tao đồng ý. Vậy bữa nào mày dẫn tao đi gặp ông sếp kia đây?”; “Ngay ngày mai. Chú Sáu lấy xe chở con đi, cho con hưởng xái chiếc xe mới của chú Sáu một lần coi”.

***

Ngay lần gặp mặt đầu tiên, ông sếp đệ tử quần vợt của Út Chót đã yêu cầu kiếm một nhà hàng đặc sản nổi tiếng để ba người vừa lai rai, vừa bàn chuyện làm ăn, đồng thời cũng để quan sát coi người ta làm nhà hàng ra sao, có rút được chút kinh nghiệm quí báu nào không. Út Chót gật gù khen là yêu cầu này rất có lý!

Ông sếp gọi một chai rượu Tây và năm món ăn toàn loại đắt tiền. Ây là do Sáu “chân đất” nhìn bảng giá trong tờ thực đơn mà biết. Tính Sáu “chân đất” thích làm bảnh mà cũng phải lo lắng. Không rõ rồi ai sẽ là người trả tiền cho bữa ăn thịnh soạn này đây? Út Chót thì chắc chắn không phải mà cũng không có khả năng trả rồi.

Vậy thì giữa ông sếp kia và Sáu “chân đất”, ai là người mời ăn, ai là khách được mời ăn đây? Năm món ăn được lần lượt dọn ra, ba người vừa thưởng thức vừa bình phẩm. Ông sếp chê hai món trong số đó chế biến chưa tới mức, ăn chưa thật ngon miệng. Còn Sáu “chân đất” thì không hiểu sao ăn món nào cũng thấy nhạt nhẽo, vô vị, thua thịt vịt luộc của bà Sáu, thua cả mấy món ăn hằng ngày con Tiền, con Bạc nấu nướng! Chỉ được cái lạ.

Vừa ăn vừa bàn bạc, ông sếp luôn đưa ra ý phải hợp tác với nhau đầu tư vốn làm một nhà hàng “trên cơ” nhà hàng họ đang ngồi. Hơn hẳn về diện tích xây dựng, về cơ sở, trang bị nội thất và cả những món ăn uống. Chưa hẳn hai bên đã đồng ý với nhau tất cả, trừ cái món uống mà cả ba người có mặt cùng hoan nghênh: đó là đặc sản rượu mật gấu. Nuôi gấu nhà đang là phong trào.

Từ gấu nhà, người ta rút mật ra bán cho các đại lý để họ bơm vào các hũ thủy tinh nhỏ dung tích một “xê xê”, vừa đủ thả vào hòa tan trong chai rượu “sáu lăm”. Bàn tới đây, ông sếp nổi hứng gọi cậu phục vụ bàn tới, hỏi nhà hàng có mật gấu để pha rượu không? Nghe trả lời không có, ông sếp phẩy tay bảo tính tiền. Trong lúc chờ đợi, ông gợi ý với Sáu “chân đất” sau đây sẽ đi tiếp “tăng hai” tìm một nhà hàng nào có rượu pha mật gấu để thưởng thức “rút kinh nghiệm”. Rồi ông kéo ghế đứng lên bảo: “Tôi đi toalét một chút”.

Cậu phục vụ bàn trở lại với tờ hóa đơn tính tiền. Út Chót cầm xem rồi chuyển qua cho Sáu “chân đất”. Ông tá hỏa vì tổng cộng số tiền phải trả lên tới hơn 1 triệu đồng. Ông hỏi Út Chót: “Bữa tiệc này ai trả vậy hả Út?”. Út Chót ấp úng: “Có lẽ... có lẽ là... chú Sáu phải trả thôi...”; “Tao trả tiền? Nhưng ông sếp mới là người kêu rượu, kêu món, đâu phải tao!”; “Thường thì khách kêu, chủ trả”. Sáu “chân đất” ngậm đắng nuốt cay móc bóp lấy tiền ra trả. May mà vét cả tiền chẵn trong bóp lẫn tiền lẻ trong túi quần cũng vừa đủ.

Ông sếp đi toalét trở lại bàn, thấy tờ hóa đơn trong tay Sáu “chân đất” thì giằng lấy: “Bao nhiêu? Để tôi...”. Út Chót ngăn cánh tay ông sếp đang vòng ra định lấy bóp trong túi quần sau: “Dạ. Chú Sáu đã thanh toán rồi...”. Ông sếp kêu lên: “Kìa! Anh Sáu làm vậy coi sao đặng! Bữa nay sơ giao tôi mời anh mà...”.

Sáu “chân đất” buộc lòng phải nói: “Chút đỉnh có chi đâu, lần này tôi mời, lần sau sẽ tới phiên ông...”; “Thôi, tôi tính thế này. Mình đi tìm quán có rượu mật gấu. Tôi mời anh Sáu!”. Sáu “chân đất” ngán cái cảnh ông sếp kêu tính tiền rồi đi toalét tái diễn thì thật tình ông không biết lấy tiền ở đâu ra để trả, liền kiếm cớ từ chối.

Chuyện hợp tác được bàn bạc sau đó ít ngày. Ông sếp nói: “Khu đất 1.000 mét vuông mà anh Sáu đã coi, mình quyết định làm nhà hàng trên đó là do bà xã tôi đứng tên, lẽ ra bả cho anh em mình thuê tính tiền tháng, nhưng tôi nài nỉ riết bả đã đồng ý coi như góp vốn với mình. Phần tôi sẽ lo việc tiếp thị, sẽ giới thiệu khách là các cơ quan, anh em làm việc quen biết tới ăn nhà hàng của tụi mình.

Những gì còn lại như xây dựng nhà hàng, đồng vốn luân chuyển... ba cái lặt vặt đó dành để anh Sáu lo cho nó nhẹ...”. Sáu “chân đất” ngồi như trời trồng. Một lát, khi ông sếp thúc hỏi ý kiến, Sáu “chân đất” đành phải hoãn binh: “Ông để tôi về bàn với bà xã tôi rồi sẽ trả lời”; “Được! Anh Sáu cứ bàn với chỉ cho kỹ đi. Có điều làm ăn kinh tế mà mình quyết chậm, có khi cơ hội nó trôi qua, chẳng níu lại được nữa đâu”.

Sáu “chân đất” nửa muốn hợp tác nửa muốn thôi. Ông không bàn với vợ mà chỉ nói với Út Chót: “Tao thấy hợp tác kiểu này tao thiệt quá!". Út Chót bênh vực ông sếp: “Chú Sáu không biết đó thôi, chớ việc buôn bán quan trọng là ở đầu ra. Cái đầu ra quan trọng bậc nhất đó, ông sếp đã lo thì bảo đảm khách sẽ đến nườm nượp. Một phần ba của chú Sáu nhân với số đông thì cũng không phải nhỏ đâu...”.

Cuối cùng, nhà hàng Gấu Rừng cũng được khai trương. Ngày ấy, ông sếp cho mời cả một ban nhạc cùng mấy cô ca sĩ quận về hát chào mừng quí khách, tốn hơn chục triệu bạc. Ông sếp nói với Sáu “chân đất”: “Anh Sáu đừng có tiếc tiền. Mình bỏ con tép để bắt con tôm mà!”.

Một năm đầu, nhà hàng Gấu Rừng nổi lên như một địa điểm ăn uống vào hàng top 5 của quận. Lượng khách đến với Gấu Rừng giúp Sáu “chân đất” yên tâm phần nào. Chính những vị khách đang làm việc ở các cơ quan công quyền này đã đổi tên cho Sáu “chân đất” thành Sáu “mật gấu”. Không phải ai tới với Gấu Rừng cũng gọi một, hai “xê xê” mật gấu pha với rượu để uống, nhưng mười bàn thì hết bảy ưng cái món uống này với lời giới thiệu đồn miệng là nó không chỉ giúp trị các chứng đau nhức mà còn là thứ “ông uống bà khen”.

Sáu “mật gấu” còn được tiếng là hiếu khách. Thỉnh thoảng, có bạn bè ở Quỳnh Giao tới nhậu, Sáu “mật gấu” hào hứng khuyến mãi một đĩa đồ nhậu và một chai rượu sáu lăm. Ông sếp, vợ ông sếp lâu lâu dẫn khách riêng tới thì ghi sổ, “sau sẽ tính”.

Làm ăn với bề ngoài coi là phát đạt như thế, nhưng quả thật Sáu “mật gấu” không rõ là mình lời lãi cụ thể ra sao. Hằng tháng ông chỉ nhắm chừng để chia tiền lời “hai phần” cho vợ chồng sếp, còn “một phần” của mình ông có biết là còn bao nhiêu đâu mà lấy ra. Vợ hỏi, ông trả lời cứng: “Mình lấy lời đắp vô vốn để khuếch trương nhà hàng”.

Mãi sau này khi thấy mình cứ phải bán vàng thêm để chi cho nhà hàng, Sáu “mật gấu” mới chịu mướn một cô làm kế toán để theo dõi thu chi và quan trọng hơn là để làm giấy tờ theo hướng dẫn của mấy tay cán bộ thuế, sao cho mức thuế phải đóng thấp nhất. Dĩ nhiên là ngoài thuế đóng chính thức, Sáu “mật gấu” còn phải “đóng” cho mấy tay cán bộ thuế kia. Ông sếp nói: “Chuyện thường ngày ở huyện mà anh Sáu. Mình ăn cơm thì cũng phải cho anh em họ húp cháo chớ”.

***

Từ ba năm nay, Sáu “chân đất” không còn là Sáu “mật gấu” nữa. Ông chấp nhận thương đau, lặng lẽ trong công việc sửa xe đạp ở ngã ba vào xóm Quỳnh Giao của mình. Buổi sáng ăn chén cháo vợ để dành cho từ tối hôm trước đem hâm nóng lại, ông uống thêm một chung rượu đế nhỏ cho ấm bụng rồi lấy xe đạp cột thùng đồ nghề đạp ra ngã ba. Chiếc xe gắn máy, Sáu “chân đất” giao cho con Tiền đi làm ở xưởng may cách nhà tới 7 cây số.

Chiếc xe đạp ông đi chính là chiếc xe đạp của con nhỏ lớn đó. Tội nghiệp nó, tưởng đâu ông làm nhà hàng thành công, nó sẽ được lên học đại học. Bây giờ là công nhân may, nó không nói gì nhưng ông biết trong lòng nó trách ông dữ lắm.

Còn cái thằng Út Chót! Đáng đời nó. Không lo học hành lại còn học đòi làm “quân sư quạt mo”, rốt cuộc bị một băng nào đó ra tay trị tội khiến một chân phải đi cà nhắc, giờ cam phận làm Tôn Tẫn ngồi rửa ly ở tiệm cà phê Thanh Linh cho mẹ. Lời hứa sẽ đưa mẹ tới hỏi cưới con Tiền ngày nào coi như bong bóng lên trời, nổ tan tành ở đâu không biết!

***

Nhà hàng Gấu Rừng hoạt động gần hết năm thứ hai thì ông sếp chuyển công tác sang quận khác. Ông sếp nói là buộc phải chấp hành lệnh điều động của cấp trên để nhận một nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng Út Chót báo với Sáu “mật gấu” biết là ông sếp bị kỷ luật về vụ việc gì đó nhưng được cho hạ cánh an toàn bằng cách chuyển công tác.

“Cái nhà hàng từ nay anh Sáu là chủ một mình vậy. Tôi sẽ không giúp anh Sáu được chuyện tiếp thị nữa rồi. Còn miếng đất, nếu anh Sáu có tiền thì thương lượng với bà xã tôi để mua lại, tôi nghe bả nói bả có ý muốn bán. Còn nếu không mua thì coi như anh Sáu thuê, giúp bả có chút đỉnh tiền bạc mà sống”.

Ông sếp nói với Sáu “mật gấu” như vậy. Vừa thẳng thắn, rõ ràng, vừa ra vẻ rất tội nghiệp. Tiền đâu mà Sáu “mật gấu” sang lại miếng đất cả ngàn mét vuông trong lúc giá đất đang cao lên ngất trời thế này. Tiền mướn mặt bằng, bà vợ của ông sếp đòi một cái giá trên trời, ông cũng phải cắn răng mà trả. Chớ không chỉ còn nước dẹp nhà hàng mà chuyển đi chỗ khác làm ăn.

Thằng Út Chót nửa động viên, nửa khích tướng Sáu “mật gấu”: “Trong hoàn cảnh này mà chú Sáu bỏ cuộc thì coi như thua đậm. Chú Sáu cứ thử bản lĩnh kinh doanh của mình chừng nửa năm nữa coi sao. Biết đâu chú Sáu lại thắng!”. Cái thằng nói điều gì Sáu “mật gấu” cũng thấy trúng ý. Tới nước này mà ông dẹp tiệm thì còn mặt mũi nào nhìn ngó vợ con nữa.

Ông quyết định thử thời vận mình thêm một thời gian nữa. Nhưng vận ông đã tới hồi tận mạt. Chuyển qua bán đặc sản thịt rừng được ít lâu thì bị lập biên bản. Để giữ giá cạnh tranh, ông lệnh cho nhà bếp giảm chất lượng món ăn thì khách chê, bỏ đi dần. Đã vậy, tiền mặt bằng mấy lần đề nghị giảm vẫn không được. Thuế thì mỗi tháng một tăng.

Cái đoạn kết mới đau lòng Sáu “mật gấu” làm sao! Ông phải sang lại nhà hàng cho một tay thanh niên nhìn bộ mặt chẳng thấy có dáng vẻ là người làm ăn chút nào. Ông nghi đó là em út của bà vợ ông sếp đưa ra để mua của ông với cái giá rẻ mạt, nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chấm dứt ba năm hơn kinh doanh nhà hàng, từ mấy chục cây vàng bỏ ra, Sáu “mật gấu” trở lại là Sáu “chân đất” với ba cây vàng còn trong túi!

***

Chiều xuống nhanh. Lại một ngày qua đi của người thợ sửa xe đạp vẫn nuôi mộng làm lại đoạn đời huy hoàng thoáng qua. Phải! Ngồi ở cái góc ngã ba này, không ngày nào Sáu “chân đất” không nghĩ ngợi đến một việc làm ăn mới, bắt đầu từ số vốn ba cây vàng cuối cùng còn lại. Cái trán của ông ngày một đầy thêm những vết nhăn. Hàm râu quai nón ngày một thêm bạc. Thế mà cái công việc “thần kỳ” nào đó vẫn chẳng thèm xuất hiện trong suy nghĩ của ông.

Thằng Út Chót “quân sư” xuất hiện thật bất ngờ trên đường về nhà của Sáu “chân đất”. Thằng “Tôn Tẫn” đứng ở một ngã ba, nhe răng cười với ông, lớn giọng:

- Chào chú Sáu! Chú Sáu nghe tin gì chưa?

- Tin gì? Xe lửa cán người hay máy bay rớt?

- Không! Tin ông sếp hùn làm ăn với chú Sáu đó!

- Ổng sao rồi?

- Ổng mới phải ra tòa! Báo đăng, còn chụp hình ổng nên con mới nhận ra. Ổng bị tội lợi dụng chức quyền làm ăn phi pháp!

- Làm ăn gì?

- Con hổng để ý. Chỉ nhớ ổng nói trước tòa: “Tôi trình độ kém nên không ý thức được việc mình làm là sai nguyên tắc”. Báo họ bình luận câu nói này dữ lắm! Mà nghĩ cũng tức cười! Ổng có tới hai cái bằng cử nhân mà vẫn tự nhận mình trình độ kém!

- Sao mày biết ổng là hai cử nhân!

- Chú Sáu quên rồi! Hồi trước con có kể có ông chỉ học lớp 10, 11, nhờ thường đi chơi với sếp lớn mà được cất nhắc, rồi đi học bổ túc lấy bằng tú tài, cử nhân. Chính là ổng đó!

- Thôi, đi về nhà tao. Lâu quá hai chú cháu mình mới gặp nhau, tao mời mày lai rai đầu vịt quán cháo bà Sáu!

- Dạ, con sẽ theo chú Sáu về nhà. Nhưng hổng phải để nhậu đâu. Mà để chú Sáu thay giùm con cái ruột xe đạp này coi... Cái thằng sửa xe xóm con mới thay mới cho con được đâu nửa tháng mà giờ cứ bơm cứng là một hai tiếng sau lại xì hơi xẹp lép...

Người thợ sửa xe râu rìa nhìn cái bánh sau chiếc xe đạp của Út Chót, đột nhiên phì cười!

- Mày bị trúng cái ruột xe lỗ mọt rồi con ơi! Hàng kém chất lượng nó vậy đó, xài một thời gian là lòi ra hết trọi... Cái gì cũng có giá của nó cả, phải hôn mậy?

Sáu “chân đất” nghĩ sao nói vậy thôi. Nào ngờ thằng “quân sư” lại suy ra ý khác. Nó gãi đầu gãi tai:

- Thôi mà chú Sáu! Chú Sáu có trách con thì chuyện cũng đã rồi! Con học tới lớp 12 thì tham mưu cho chú Sáu tới mức lớp 12 thôi chớ hơn làm sao được!

Cái thằng! Nó nói xa xôi tới mình đây chớ chẳng! Ai biểu mình không có trình độ kinh doanh mà dám mở nhà hàng lớn! Lần thứ nhì, Sáu “chân đất” lại phì cười khi nghĩ tới ông sếp mới ra tòa, thì cũng là một loại ruột xe đạp bị lỗ mọt như mình thôi!

- Ê! Mày lên ngồi sau xe đạp tao, giong chiếc xe của mày theo, tao chở về nhà thay ruột xịn tử tế cho. Rồi chú cháu mình nhậu đầu vịt! Tao nghĩ ra rồi! Tao sẽ phụ bà Sáu làm cho cái quán cháo vịt nổi tiếng hơn trong xóm Quỳnh Giao này. Gì chớ chuyện này thì tao tin là mình làm được! Nè! Bật mí cho mày biết, tao còn tới ba cây vàng, dư sức đầu tư cho bả khuếch trương quán cháo vịt!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận