Còn đôi môi, với bộ tiêu hóa thì nó đơn thuần là “cửa tiền” vậy mà thỉnh thoảng cũng mắc bệnh. Một trong những căn bệnh gây khó chịu và mất thẩm mỹ ấy là "long mép". Loại bệnh thường gặp và tự khỏi này thực ra không đơn giản như bà con ta vẫn nghĩ.
Áp-tơ là cái chi chi?
Thống kê cho thấy có 20% dân số chủ yếu là nữ giới và trẻ em bị chứng bệnh Áp-tơ, có thể do phụ nữ và trẻ em đều được xếp vào lọai “yếu”, niêm mạc miệng mềm và mỏng lại đề kháng kém hơn nam giới. Áp-tơ nó tròn như đồng xu có đường kính to nhỏ khác nhau từ 3-10 mm. Bạn có thể biết lúc nào hắn xuất hiện khi cảm giác nóng rát tại vùng mà hắn chọn để định cư. Há miệng, kéo môi hay lưỡi ra, bạn thấy đỏ. Có khi nó chọn sàn miệng, vòm miệng, trụ amygdale mà xâm nhập. Chừng 24 giờ sau vết đỏ có nốt sần màu vàng, quầng đỏ bao quanh. Vài ngày sau quầng đỏ rộng ra, trên mặt bị họai tử để lại một vết lóet. Những lúc ấy ăn mặn, ăn cay, cảm giác xót tê tái cả miệng chẳng còn biết ngon là gì. Ăn trở thành một cực hình đến nỗi có bạn chọn giải pháp uống sữa hay húp cháo loãng. Chừng 7 ngày sau thì chúng hô biến, để rồi thỉnh thỏang lại “tái xuất giang hồ” khiến bạn ví chúng như “kẻ nằm vùng” nguy hiểm hay “kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp”.
Tiếc là giờ này các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lọai vi khuẩn, virus nào gây viêm miệng Áp-tơ. Người ta chỉ thấy những yếu tố liên quan làm phát triển “lở mồm”. Đó là thiếu vitamin C, PP, B6 do nhiễm vi khuẩn hay siêu vi. Có thể lở mồm do dị ứng thuốc hay thức ăn. Một số phụ nữ cứ chuẩn bị hành kinh là lở mồm nên thay đổi nội tiết được coi là nguyên nhân thuận lợi phát bệnh. Người ta quan sát hàng trăm gia đình và thấy lở mồm dường như cũng có gien di truyền. Cha mẹ lở mồm thì trẻ nhỏ và con gái trong nhà dễ bị bệnh. Thường bệnh xuất hiện khi bị stress, có chuyện lo lắng, buồn rầu. Một yếu tố nữa không thể bỏ qua là tình trạng răng tự cắn vào niêm mạc miệng, cắn phải lưỡi rồi vi khuẩn có sẵn trong miệng tiến quân tới tạo ra vết lóet.
'Long mép' chuyện không nhỏ!
Nó là một mụn nước nhỏ, đau rát ở môi. Bạn lấy tay sờ vào, nó chọc tức bằng cách phình tướng lên ngay tức khắc tạo ra dạng cục to tướng khiến môi bạn đang “dẻo quẹo” nay bỗng “vểnh” lên ở một góc làm bạn cười…méo xẹo.
Ít ngày sau mụn nước vỡ để lại một mảng dầy như giề cơm cháy nho nhỏ dính trên môi, mép trông hơi mất thẩm mỹ. Chừng 3-4 ngày, giề cơm cháy mới bong tróc ra, trả lại làn môi mềm mại như thuở ban đầu. "Long mép" thực ra có tên gọi Herpes Simplex Viruses (HSV). Chúng lây từ người này sang người khác qua đường hôn hít và qua đường tình dục, bùng phát khi bệnh làm suy giảm miễn dịch, phụ nữ mãn kinh… bởi thế tỉ lệ lây nhiễm rất hùng mạnh. 50% người trưởng thành ở Anh nhiễm HSV, còn ở Mỹ tính riêng những người trên 50 tuổi tỉ lệ nhiễm HSV tới 80-90% .
Thời tiết chuyển sang lạnh được coi là yếu tố thuận lợi để HSV họat động gây "long mép". Chúng không hẳn định cư ở môi, có trường hợp chúng chui vào miệng tạo ra đám mụn nước. Còn ở "dưới kia" chúng tạo ra những "viên ngọc nước" ở đầu dương vật hay niêm mạc âm đạo, âm hộ, những khu vực "nhạy cảm" nhất của cả hai phe. Nhiều người bị sốt nhẹ, đau ở vùng HSV trình diện, nhức đầu, bứt rứt khó chịu và bấn loạn tâm lý. Những người vừa bị ở trên lại bị luôn ở dưới được gọi là Herpes lưỡng cực. Nếu chẳng chữa trị thì chừng một tuần sau virus cũng" lui binh" vào ở ẩn nên nhiều người "quen" dần và mặc kệ nó.
Một số người thật sự lo lắng, đi khám được khuyên dùng thuốc kháng virus thường xuyên để tránh hiện tượng tái phát. Với bà bầu phải đặc biệt lưu ý bởi bà bầu mà nhiễm HSV thì trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm HSV toàn thân và nếu không được chữa trị thì bé có thể tử vong rất sớm. Người lớn bị Herpes đôi khi chúng không ở yên "lưỡng cực" mà tìm cách di cư đến những nơi khác như tử cung, thậm chí leo tót lên não. Bởi thế người nào có ý định "chung sống hòa bình" với chúng hãy coi chừng!
Lỡ bị phải làm sao?
Viêm miệng Áp-tơ có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm hay chấm vào vết lóet Xylocain 5% ngày 6-7 lần, bổ sung viatime C, PP, B6 và tăng cường sức khỏe tự nhiên bằng ăn uống, tập luyện. Còn với " kẻ địch" đã xác định danh tánh là HSV nên uống thuốc điều trị virus thường xuyên để tránh tái phát. Phòng bệnh hay nhất là không biến làn môi xinh đẹp thành "của chùa" ai hôn cũng được, và đừng "thông thóang" dễ dãi trong quan hệ tình dục để rồi Herpes như một " vật chứng" nhắc nhở bạn suốt đời, không cách gì dứt bỏ được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận