37 hộ dân nhận giao khoán đất hàng chục năm qua tại hai nông trường ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang đứng trước nguy cơ mất đất do UBND tỉnh Hậu Giang thu hồi giao cho doanh nghiệp.
Hai nông trường này do Huyện ủy và Huyện đoàn Châu Thành A quản lý. Hộ nhận giao khoán lâu nhất là 27 năm, thấp nhất là bảy năm.
Nhiều hộ dân phải bỏ tiền của, công sức cải tạo từ vùng đất lung trũng nay trở thành vùng đất bằng phẳng tốt cho trồng lúa.
“Đang trồng lúa yên ổn thì có doanh nghiệp đưa xe cẩu vô múc ao, đo đạc... mà không thông báo, khiến tụi tôi đứng ngồi không yên” - ông Lê Văn Thắng (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) bức xúc.
Ông Thắng nhận khoán 3,1ha đất từ năm 1996, ông đầu tư 120 triệu đồng để cải tạo đất, khoảng hai năm nay mảnh đất bắt đầu đem lại lợi nhuận. Nhà nước thu hồi coi như công sức tiêu tan.
Theo khảo sát của UBND huyện Châu Thành A, điều kiện của 37 hộ dân trên rất khó khăn, hầu hết đều đang thiếu nợ, không còn đất nào khác để sản xuất. Các hộ dân này mong muốn được tái ký hợp đồng với Nhà nước (hợp đồng sắp kết thúc).
Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết doanh nghiệp đầu tư vào nông trường nhằm giúp người dân có đời sống tốt hơn. Kế hoạch sắp tới có thể sẽ không trồng lúa thương phẩm, chuyển hướng trồng lúa giống chất lượng cao.
Ông Trần Công Chánh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định việc thu hồi đất sẽ không làm xáo trộn đời sống của người dân.
Khi thu hồi đất người dân được hỗ trợ những thành quả trong quá trình sử dụng đất, sắp xếp lại chỗ ở tốt hơn, đồng thời được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.
“Doanh nghiệp muốn thực hiện phải có đề án khả thi và thỏa mãn các điều kiện như: bao tiêu sản phẩm từ đầu vào và đầu ra; xây dựng hệ thống bơm điện; xây dựng đường giao thông cho xe bốn bánh đến trụ sở doanh nghiệp, xe hai bánh đi vòng quanh đê bao...
Ngoài ra, khi doanh nghiệp triển khai thực hiện cũng phải ký quỹ để hạn chế rủi ro cho người dân” - ông Chánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận