29/02/2016 08:14 GMT+7

Lo lắng với bệnh não mô cầu

TT - Theo ông Bùi Huy Nhanh - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, hơn 20 năm qua Hải Dương mới ghi nhận ca viêm màng não do não mô cầu đầu tiên, song bệnh nhân tử vong rất nhanh.

Người bị bệnh viêm màng não mô cầu có xuất hiện tử ban ngoài da  - Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp
Người bị bệnh viêm màng não mô cầu có xuất hiện tử ban ngoài da - Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp

 

Điều này đang làm dấy lên lo lắng.

Dù mỗi năm gần đây chỉ có khoảng 100 ca mắc viêm não mô cầu ở Việt Nam, nhưng những biến chứng nhanh chóng và tỉ lệ 15-20% có nguy cơ tử vong, kể cả các trường hợp được cấp cứu kịp thời, khiến người ta rất lo ngại.

20% người thường có vi khuẩn não mô cầu ở họng

Cách đây hai tháng, chị Bích Thủy ở Hà Nội đã đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hỏi tiêm văcxin viêm màng não do não mô cầu cho con trai hơn 2 tuổi.

Văcxin ở phòng tiêm của trung tâm đã hết, bệnh viện chị thường dùng dịch vụ cũng hết văcxin từ lâu. Trong hai tháng qua chị hay gọi Trung tâm Y tế dự phòng, nhưng chưa biết bao giờ văcxin sẽ về càng làm chị rất lo lắng.

Theo ông Bùi Huy Nhanh, ca viêm màng não tử vong do não mô cầu ở Hải Dương là em Đỗ Thị X., 18 tuổi, học sinh lớp 12 ở TP Hải Dương. Hôm 20-2 sau khi thấy X. có dấu hiệu sốt, xuất huyết dưới da..., gia đình đã đưa X. lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và một giờ sau chuyển lên Bệnh viện 108.

“Ở tỉnh, chúng tôi chỉ kịp chống sốc, cấp cứu để bệnh nhân có đủ sức chuyển lên T.Ư, chưa kịp xét nghiệm nhưng trong các thuốc điều trị đã nghĩ đến viêm màng não do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong sau đó hai ngày. Bình thường, chúng tôi xét nghiệm cũng phát hiện vi khuẩn não mô cầu chung sống hòa bình ở họng của khoảng 20% dân cư trong cộng đồng, nhưng khi gặp người có thể chất mẫn cảm với vi khuẩn, sức khỏe người lành mang trùng đó yếu đi hoặc thay đổi về môi trường, thời tiết cũng có thể khiến ca bệnh biến đổi thành nguy hiểm” - ông Nhanh nói.

Vì ca bệnh của X., những ngày vừa qua nhiều người dân Hải Dương đã lên “cơn sốt” tiêm văcxin phòng bệnh và uống kháng sinh dự phòng. Theo ông Nhanh, vì bệnh lây qua đường hô hấp nên Trung tâm Y tế dự phòng chỉ khuyến cáo người có tiếp xúc gần với bệnh nhân như bạn học cùng lớp, người thân trong gia đình, những người có tiếp xúc gần... uống thuốc dự phòng và theo dõi trong một tuần.

Đến ngày 28-2 chưa có trường hợp bất thường nào được ghi nhận, tuy nhiên lượng người đến tiêm chủng văcxin viêm màng não do não mô cầu tăng cao, nhưng lô văcxin này chỉ sử dụng được cho nhóm trẻ 6-10 tuổi, các loại văcxin khác có chỉ định lứa tuổi tiêm ngừa rộng hơn hiện đã hết sạch.

Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Đây là cầu khuẩn Gram âm có hình hạt đậu và là vi khuẩn nội bào…   - Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp
Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Đây là cầu khuẩn Gram âm có hình hạt đậu và là vi khuẩn nội bào… - Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp

Dễ chẩn đoán nhầm

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết thông thường mỗi năm gần đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 100 ca viêm màng não do não mô cầu.

Là loại bệnh không thường gặp, nên nhiều bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu sang bệnh sốt xuất huyết do biểu hiện bệnh có những dấu hiệu tương tự như cùng xuất huyết dưới da, đau đầu, cứng gáy, sốt..., trong khi nếu cấp cứu không kịp thời, não mô cầu chuyển nặng rất nhanh và có thể tử vong như bệnh nhân X. vừa qua.

Theo ông Phu, mảng xuất huyết dưới da ở bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu có hình sao và đây là dấu hiệu phân biệt với sốt xuất huyết, rất nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm khi có dấu hiệu kể trên để tránh biến chứng nguy hiểm.

Ở Việt Nam hiện có hai loại văcxin (của Pháp và Cuba) được sử dụng tiêm ngừa viêm màng não do não mô cầu (tiêm chủng dịch vụ), trong đó loại do Pháp sản xuất đang hết hàng, nhà cung cấp có thông báo văcxin sẽ trở lại vào tháng 4.

Theo bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, bệnh có thể xuất hiện cả ở thanh niên, người lớn tuổi nên có thể tiêm ngừa cho cả trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên.

Đồng thời khuyến cáo đây là bệnh dễ có biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não và có thể tử vong nhanh nên người dân cần sử dụng các biện pháp phòng bệnh tuy không đặc hiệu bằng văcxin, nhưng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh, như vệ sinh bàn tay, bề mặt sàn, mặt bàn, tay nắm cửa... để tránh lây bệnh từ các giọt bắn từ nước bọt người lành mang trùng có thể lưu lại trên các bề mặt, từ đó lan sang người lành.

Khi đã có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, xuất huyết dưới da... cần sớm đến cơ sở y tế.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Bệnh viêm màng não mô cầu có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời thì kết quả cũng rất khả quan. 70-75% ca mắc phục hồi hoàn toàn, tỉ lệ tử vong 5-10%, 20% còn lại có thể gặp biến chứng sau điều trị như điếc, hoại tử chi, tâm thần, liệt, động kinh.

Hậu quả khác khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu là nhiễm trùng huyết đến sốc nhiễm khuẩn và xuất huyết hoại tử ngoài da. Ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu, tình trạng nhiễm trùng huyết ít gặp hơn viêm màng não, nhưng nếu gặp thì tình trạng bệnh nặng và tử vong cao hơn.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi chiếm 2/3 số ca mắc do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành và sở thích đưa đồ vật vào miệng. Nhóm thiếu niên tới dưới 25 tuổi nguy cơ mắc thấp hơn nhưng dễ bùng phát thành dịch lớn do môi trường của nhóm này đông đúc (nhà trường, khu công nghiệp, ký túc xá...).

LAN ANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên