25/01/2015 13:04 GMT+7

Lo lắng trước những ngành "hot" sắp bão hòa lao động

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - VÂN ĐỖ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - VÂN ĐỖ

TTO - TS Phạm Xuân Dương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, lưu ý thí sinh cần bình tĩnh khi chọn ngành vì đôi khi những ngành đang "hot" hiện nay nhưng 5-7 năm tới có thể thoái trào và ngược lại.

Sáng 25-1, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp với Sở GD-ĐT, Thành đoàn Hải Phòng và Trường ÐH Hàng hải VN tổ chức tại Hải Phòng thu hút hàng ngàn học sinh, phụ huynh và giáo viên tham dự.

TS tâm lý Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên VN) chia sẻ với các em học sinh về cách sử dụng cơ hội xét tuyển một cách sáng suốt nhất - Ảnh: Ch.Hà Linh

"Quá tải" những câu hỏi liên quan tới xét tuyển

Phần lớn các băn khoăn, thắc mắc của học sinh tập trung vào cơ hội xét tuyển và cách thức tận dụng cơ hội xét tuyển ĐH-CĐ như thế nào trong năm nay. Nhiều học sinh cũng lo lắng có thể sẽ xảy ra không công bằng, những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển...

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khuyên: "Dù có nhiều cơ hội hơn nhưng các em vẫn cần cân nhắc thật kỹ. Vì kinh nghiệm của các thầy trong tuyển sinh cho thấy nếu không trúng tuyển ngay trong đợt đầu tiên thì sẽ khó khăn hoặc khó có thể đăng ký được vào các ngành tốt, trường có uy tín".

Ông cũng cho biết việc xét tuyển công khai sẽ giúp các em có thể cập nhật ngay thông tin về xét tuyển, đồng thời biết được mình có khả năng đậu hay không và kịp thời rút hồ sơ nộp sang trường khác khi không còn cơ hội ở trường đã đăng ký.

Nhiều thí sinh cũng quan tâm đến việc thi theo cụm. TS Phạm Xuân Dương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, cho biết: kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hải Phòng dự kiến có hai cụm thi do Trường ĐH Hàng hải VN và Trường ĐH Hải Phòng chủ trì. Ngoài học sinh Hải Phòng, học sinh có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh, Hải Dương cũng dự thi tại đây.

Những băn khoăn của học sinh và giáo viên liên quan tới cấu trúc đề thi, nội dung ôn tập cũng được các thành viên ban tư vấn giải đáp cặn kẽ.

Vì sao đậu ĐH 27 điểm ra trường vẫn thất nghiệp?

Nhiều ưu tiên khi học khoa học cơ bản

TS Trịnh Thị Thúy Giang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết sinh viên học các ngành khoa học cơ bản tại trường sẽ được cấp học bổng cao gấp 2-3 lần so với học phí phải nộp, được ưu tiên ở ký túc xá, có nhiều cơ hội học bổng khác... 

Trước thông tin cảnh báo của  PGS.TS Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, về việc một số ngành có nguy cơ bão hòa nhân lực, trong đó có nhóm ngành kinh tế, nhiều học sinh tỏ ra lo lắng. 

Một nữ sinh đến từ Trường THPT Hồng Bàng băn khoăn: Em có nguyện vọng học ngành kinh tế nhưng trong các hạng mục nhân lực trọng điểm mà Nhà nước đang tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển thì không thấy ngành này?

TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng dù có thể không được xếp vào nhóm trọng điểm để phát triển của Chính phủ, nhưng nhân lực kinh tế lại có khả năng phục vụ trong mọi nền sản xuất, ngay trong các công ty chuyên về kỹ thuật, công nghệ thì vẫn cần đến nhân lực ngành kinh tế.

TS Phạm Xuân Dương lưu ý thí sinh cần bình tĩnh vì đôi khi những ngành đang hot hiện nay nhưng 5-7 năm tới có thể lại thoái trào và ngược lại, những ngành trầm lắng ở thời điểm hiện tại có thể lại thành xu hướng của 5-7 năm sau.

“Yêu cầu quan trọng là sinh viên phải có học lực tốt, chăm chỉ rèn luyện để hoàn thành khóa học” - ông Dương nhấn mạnh.

Một thí sinh khác nêu vấn đề: “Em được biết nhiều anh chị thi vào những trường kinh tế rất “hot”, điểm đầu vào rất cao, 25-27 điểm mà ra trường vẫn không có việc làm?”.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - khẳng định điểm đầu vào cao là một kênh đánh giá năng lực của thí sinh, nhưng đó không phải là kênh đánh giá duy nhất.

"Có những thí sinh điểm đầu vào rất cao nhưng quá trình học ĐH lại chểnh mảng, không chuyên chú học hành, tất yếu dẫn đến học hành sa sút. Không một cơ quan tuyển dụng nào lại muốn nhận một người thiếu năng lực, thiếu ý chí, không có sự cố gắng trau dồi, tuột dốc như vậy” - ông Tuấn phân tích.

Học sinh nêu thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH trong chương trình tư vấn sáng 25-1 - Ảnh: Ch.Hà Linh

Người thân có tiền án tiền sự, có được thi ngành công an?

Một nữ sinh rụt rè hỏi: “Em muốn thi vào ngành công an nhưng nhà em có người thân có tiền án tiền sự thì có thể thi được không?”.

Trung tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, giải đáp: “Đã bước chân vào ngành công an, kể cả cảnh sát lẫn an ninh, các em đều phải mang tâm thế là đại diện chủ thể quản lý nhà nước về an ninh quốc gia và trật tự toàn xã hội. Không chỉ bản thân em mà chính những người thân trong gia đình em là tấm gương làm mẫu cho xã hội. Chính vì vậy nếu bố mẹ em từng có tiền án tiền sự thì ngành công an cũng rất khó khăn để lựa chọn em”.

Cũng câu hỏi về điều kiện lý lịch gia đình để thi vào các trường quân đội, đại tá tiến sĩ Hoàng Minh Thảo, phó trưởng phòng đào tạo Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng, giải thích: “Đối với các trường quân đội thì sẽ xem xét tùy từng lĩnh vực. Nếu gia đình có bố mẹ đang chấp hành án thì sẽ xem xét quá trình chấp hành án trong thời gian các em thi và thời điểm ra trường bố mẹ chấp hành án xong chưa”.

Học sinh tại Hải Phòng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 25-1 - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), trả lời các câu hỏi của học sinh Hải Phòng sáng 25-1 - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trả lời các câu hỏi của học sinh tại Hải Phòng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trung tá Trần Văn Đồng tư vấn cho các bạn học sinh về các câu hỏi liên quan đến khối ngành công an, cảnh sát - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Việc chấm thi luôn được kiểm soát chặt chẽ”

Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Anh Tuấn khi có thí sinh đặt vấn đề: “Em dự thi tại cụm thi Hải Phòng. Giả sử sau khi có kết quả, em thấy không thỏa đáng thì có quyền được gửi bài thi sang cụm khác để chấm lại không? Nếu quá trình chấm lại phát hiện có sai sót thật thì nơi chấm thi sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?”.

Ông Tuấn cho rằng trước hết thí sinh phải có niềm tin với các thầy cô giáo chấm thi và việc chấm thi luôn được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy chế. Mặt khác, thí sinh hoàn toàn có quyền yêu cầu phúc tra bài thi khi thấy kết quả không thỏa mãn.

“Nếu kết quả chấm phúc tra phát hiện sai sót, bài thi phải được cao điểm hơn thì đương nhiên điểm thi sẽ nâng lên” - ông Tuấn nói.

Học nghề gì để làm việc tại Hải Phòng?

TS Nguyễn Thị Hiên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, cho biết ngoài việc phát triển du lịch, Hải Phòng đang phát triển nhiều khu công nghiệp nên sẽ rất cần nhân lực của các ngành: du lịch và du lịch biển, kinh tế biển, cơ khí, điện - điện tử. Riêng khối ngành ngôn ngữ, các ngành tiếng Anh, Trung, Nhật đang có nhu cầu nhân lực cao.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - VÂN ĐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên