17/12/2011 09:28 GMT+7

Lơ là với giặc lửa!

 PGS.TS TRẦN CHỦNG(nguyên cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng)
 PGS.TS TRẦN CHỦNG(nguyên cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng)

TT - Vụ cháy tòa tháp đôi EVN tại Hà Nội một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đối với các công trình cao tầng, việc phòng chống cháy nổ là một trong những yêu cầu quan trọng nhất, nhưng hình ảnh cột khói đen bốc lên giữa lòng thủ đô đang khiến đông đảo người dân cảm thấy lo lắng.

Đã đến lúc các nhà thi công công trình cao tầng cần rút ra được những bài học từ các vụ cháy vừa qua, trong đó có việc kiên quyết không sử dụng công trình làm kho bãi chứa các vật liệu dễ cháy. Về phía các cơ quan chức năng, không nên ngại ngần trong việc đề cập nguyên nhân cháy nổ, sau khi có kết quả điều tra cần sớm công khai nguyên nhân, để từ đó các bên liên quan tự rút ra được bài học cho mình.

Đối với giặc lửa, việc phòng ngừa phải được đặt lên đầu tiên. Thường xuyên phổ biến các kiến thức liên quan đến an toàn cháy nổ cho người dân và các tổ chức, chính là cách thức hiệu quả nhất để phòng cháy. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta xem trên phim ảnh, thì từ xa xưa mỗi khi đêm đến trong làng xóm thường có một người cầm đèn khi khắp các gia đình để nhắc nhở “đề phòng củi lửa”. Lâu nay, dường như việc phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy cũng như tập huấn cho người dân các biện pháp khẩn cấp chưa được đặt đúng tầm quan trọng. Trong khi đó người dân đô thị lại đang có những thói quen có thể dẫn đến cháy nổ bất cứ lúc nào như nấu bằng than tổ ong, nướng mực bằng cồn...

Quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy đã nêu rõ công trình cao tầng phải có thiết bị chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra. Ví dụ như trong thiết kế và xây dựng thì khoảng cách từ người ở đến cửa thoát nạn phải tính toán làm sao để có thể thoát ra trong thời gian sớm nhất, cầu thang thoát hiểm không phải là nơi tập hợp khói... Bên cạnh đó, công trình cao tầng phải có phương án thoát nạn, bảo đảm tự chữa cháy ở những nơi mà phương tiện chữa cháy bên ngoài không có khả năng hỗ trợ. Đây là những quy định cần được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh công trình cao tầng mọc lên ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của đô thị hiện đại.

Cần xem an toàn cháy nổ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, trong việc xem xét cho phép đưa công trình cao tầng vào khai thác, sử dụng. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng một phòng thí nghiệm rất hiện đại đặt tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng VN, để nghiên cứu về an toàn cháy, nghiên cứu về việc vật liệu nào đó có cháy hay không, cháy có độc không, nghiên cứu các loại kết cấu có ngăn được cháy hay không... Tuy nhiên, những người đến đây thử nghiệm, kiểm tra chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài, còn chủ thi công các công trình cao tầng đến đây rất ít.

Về lâu dài, vấn đề cần được chú ý là làm tốt công tác quy hoạch đô thị, trong đó có chú ý cần thiết đến công tác phòng cháy chữa cháy, ví dụ như tại các khu vực quy hoạch xây dựng công trình cao tầng thì bố trí nguồn nước để chữa cháy ra sao, đường giao thông đảm bảo cho phương tiện chữa cháy vào thực hiện nhiệm vụ như thế nào... Đã đến lúc đầu tư nhiều hơn cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện đại để có thể can thiệp được trong các sự cố liên quan đến công trình cao tầng, chẳng hạn như máy bay chữa cháy.

 PGS.TS TRẦN CHỦNG(nguyên cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên