23/05/2019 09:41 GMT+7

Lỗ hổng quản lý trong cho, nhận tinh trùng

LAN ANH - HOÀNG LỘC
LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Khảo sát mới đây tại 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản ở nhiều tỉnh, thành cho thấy chỉ có 7/23 trung tâm có phần mềm nhận dạng người hiến tinh trùng trùng lặp bằng chứng minh nhân dân, vân tay và chụp hình ảnh người hiến.

Lỗ hổng quản lý trong cho, nhận tinh trùng - Ảnh 1.

Các bệnh nhân và người nhà đến thăm khám tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện Phụ sản trung ương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những trung tâm khác chưa có phần mềm này và đã xuất hiện tình trạng một người hiến nhiều lần, tại nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản khác nhau.

Ông Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - chia sẻ tại Pháp từng có nghiên cứu việc một người hiến tinh trùng/trứng cho một người có nhu cầu, nếu không thành công mới chuyển cho người khác thì nguy cơ hôn nhân cận huyết thống sau này (giữa các con của người hiến tinh trùng/trứng) gần như không thể xảy ra.

Trường hợp một người hiến tinh trùng nhiều lần thì nguy cơ này hoàn toàn có thể.

Do hiện nay cung không đủ cầu, nên vẫn có việc cho - nhận tinh trùng tự phát. Người có nhu cầu xin tinh trùng, noãn nên đề nghị người cho xét nghiệm để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Viết Tiến (thứ trưởng Bộ Y tế)

Khó giám sát

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết hiện nay cả nước có 25 trung tâm hỗ trợ sinh sản (TTHTSS). Theo quy định, chỉ cho phép một người hiến tinh trùng một lần (trừ trường hợp các lần trước đó người nhận tinh trùng thất bại trong việc thụ thai).

Quy định là thế nhưng để giám sát điều này là không thể vì các TTHTSS hoạt động tách rời, không có sự liên kết với nhau. Việc này kéo theo tình trạng một người có thể hiến tinh trùng ở nhiều nơi.

"Chỉ trường hợp người hiến quay lại nơi từng hiến tinh trùng thì mới bị phát hiện, còn họ đến các trung tâm khác thì chịu thua. Nhận thấy lỗ hổng này, các trung tâm đã kiến nghị lên Bộ Y tế thiết kế một phần mềm liên kết các trung tâm với nhau để trích xuất các dữ liệu về người hiến nhằm sàng lọc và từ chối người đã từng cho tinh trùng. Thế nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa làm được" - bác sĩ Tuyết nói.

Theo bác sĩ Tuyết, trong khi quy định không cung cấp thông tin cha sinh học cho đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng thì tình trạng không kiểm soát được người hiến tinh trùng trùng lặp có nguy cơ sau này những đứa con sinh ra từ một người hiến tinh trùng có thể gặp nhau, lấy nhau và đây là hôn phối cận huyết thống rất tai hại.

Và những hệ lụy

Quy định hiện nay trong hiến tặng tinh trùng nhằm sàng lọc một nhóm đối tượng ở phương diện sức khỏe, tránh các bệnh di truyền và liên quan đến đường tình dục. Đặc biệt người hiến tinh trùng phải có một trình độ học vấn nhất định.

Trước thực trạng tinh trùng được rao bán trên mạng bằng cách quan hệ trực tiếp, bác sĩ Tuyết khuyến cáo: "Xét về góc độ y học, việc này dẫn đến các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Các trường hợp có nhu cầu nên xin tinh trùng được sàng lọc tại cơ sở y tế để chọn được tinh trùng đảm bảo chất lượng, không bị mắc các bệnh lý về di truyền, lây qua đường tình dục và đạt kết quả hỗ trợ sinh sản tốt nhất".

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, quy trình hiện nay đối với người hiến tặng tinh trùng là mẫu tinh trùng hiến phải đảm bảo đủ chất lượng, người hiến không mang những bệnh di truyền, truyền nhiễm.

Vì vậy, người hiến sẽ phải đến bệnh viện nhiều lần để khám, xét nghiệm và theo dõi kết quả xét nghiệm. Trong đó, bao gồm khám sức khỏe tổng quát tại bệnh viện quận/huyện trở lên để có chứng nhận sức khỏe.

Chứng nhận sức khỏe tốt mới được thực hiện các xét nghiệm có liên quan đến quy trình hiến tinh trùng (xét nghiệm miễn phí). Ông Tiến cũng cho biết theo quy định của Bộ Y tế, việc hiến tinh trùng phải đảm bảo nguyên tắc vô danh, người nhận và người cho hoàn toàn không được biết nhau và người cho không được phép biết thông tin về đứa trẻ.

Tuy nhiên thực tế có tình trạng "cho tặng" tinh trùng thông qua quan hệ trực tiếp, hoặc người cho - người nhận đã móc nối từ trước qua mạng Internet, việc bí mật thông tin về đứa trẻ có thể không đảm bảo, chưa kể việc xét nghiệm chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tinh trùng như quy trình kể trên là rất khó.

Một chuyên gia về phụ sản còn cảnh báo các cô gái trẻ chưa sinh con nhưng bán noãn có thể bị suy buồng trứng sau thủ thuật tiêm kích noãn và các biện pháp y tế khác, dẫn đến nguy cơ khó có con về sau.

"Điều lạ là dù việc tiêm kích noãn, lấy noãn gây đau đớn và ảnh hưởng sức khỏe, nhưng có nhiều cô gái, kể cả đã và chưa có con, sẵn sàng bán noãn. Họ dường như chưa biết về nguy cơ khó có con sau này"- vị chuyên gia nêu thực tế.

Để giải quyết các bất cập hiện tại, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng đồng tình với đề nghị nhanh chóng xây dựng phần mềm sàng lọc và chia sẻ thông tin giữa các TTHTSS.

Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệ

TTO - Theo quy định, một mẫu tinh trùng/noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một trường hợp hiếm muộn. Trường hợp người nhận tinh trùng/noãn đó thụ tinh không thành công, cơ sở y tế mới được chuyển cho người hiếm muộn khác.

LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên