Cảnh sát đặc nhiệm của Bỉ trong chiến dịch truy bắt khủng bố ở khu Schaerbeek ngày 25-3 - Ảnh: Reuters |
Ngày 25-3, các tuyến tàu điện ngầm đã hoạt động trở lại ở thủ đô nước Bỉ và nhịp sống có vẻ trở lại bình thường.
Tại buổi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tổ chức tối 24-3 ở quảng trường Dân tộc, gần ga tàu điện ngầm Maelbeek (nơi xảy ra vụ đánh bom liều chết thứ hai), Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta bị sốc nhưng chúng ta rất mạnh mẽ và tự tin”.
“Mất quá nhiều thời gian để chúng ta triển khai quyết định mà các bộ trưởng EU đã thông qua |
Bernard Cazeneuve (bộ trưởng nội vụ Pháp) |
Quá nhiều lỗ hổng
Ai cũng hiểu đó là lời động viên nhưng câu hỏi lớn của người dân giờ đây là vì sao an ninh được tăng cường như thế mà vẫn để lọt bọn khủng bố vào những nơi đông thường dân. Truyền thông Bỉ ngày 24-3 đưa tin Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon và Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens đã đệ đơn từ chức nhưng không được thủ tướng chấp thuận do Bỉ đang có “chiến tranh” với những kẻ khủng bố.
Hẳn hai vị bộ trưởng đã thấy quá rõ trách nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Một ngày trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng Ankara đã trục xuất tên Ibrahim El Bakraoui về châu Âu hồi năm ngoái và còn kèm theo cảnh báo với Bỉ rằng hắn là một phần tử cực đoan. Cảnh báo bị phớt lờ và hậu quả là Ibrahim trở thành một trong những tên đánh bom liều chết hôm 22-3.
Còn Đài truyền hình Aroutz 2 của Israel tung tin cho biết các chuyên gia an ninh của Israel từng cảnh báo với phía Bỉ về những lỗ hổng an ninh của các sân bay tại Brussels. Cảnh báo này đưa ra vài tuần trước khi xảy ra vụ việc.
Một lần nữa cảnh báo cũng bị phớt lờ. Lý do phớt lờ khiến người ta rùng mình: vì lợi nhuận! Theo báo La Tribune, Công ty sân bay Brussels (BAC) quản lý sân bay ở thủ đô nước Bỉ là công ty tư nhân và tổ chức công đoàn CGSP khẳng định rằng BAC “đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn mối lưu tâm về an ninh”.
Đã quá rõ. Sân bay thiếu công cụ cổng an ninh dò thiết bị nổ, thiếu lực lượng tuần tra bảo vệ. Từ tháng 11-2015, ngay sau vụ khủng bố ở Paris, ông Vincent Gilles, chủ tịch công đoàn cảnh sát SLFP, đã nói thẳng: “Vấn đề an ninh của sân bay Zaventem rất nguy hiểm”. Ông chỉ rõ nguyên do: thiếu lực lượng hỗ trợ và cảnh sát, binh sĩ đang tuần tra tại đó đang bị quá tải về giờ làm việc.
Vì vậy, giờ đây có truy bắt những tên còn trốn thoát hoặc những tên đã tham gia tổ chức vụ đánh bom thì có vẻ chỉ mang tính xoa dịu nỗi đau. Ngay cả việc tại cuộc họp bất thường hôm 24-3 ở Brussels, bộ trưởng nội vụ và tư pháp các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết cải thiện công tác chia sẻ thông tin chống khủng bố, cũng có vẻ đã muộn nhiều.
Một ví dụ: hệ thống đăng ký dữ liệu hành khách máy bay của châu Âu vốn đã được thảo luận từ nhiều năm nay lẽ ra phải được Quốc hội châu Âu thông qua trong tháng 3 này, nhưng lại bị hoãn do một số nhóm nghị sĩ mong muốn hệ thống này được thông qua đồng thời với văn bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân!
Thông điệp hắc ám
Trong sự kiện Brussels, thông điệp từ bọn khủng bố là rõ ràng: “Bọn tao có thể tấn công các ngươi nếu muốn. Những gì các chính phủ phương Tây đã làm kể từ vụ Paris không thể thay đổi được điều này”.
Theo ông Roland Jacquard - chủ tịch tổ chức “Đài quan sát quốc tế về chủ nghĩa khủng bố”, loạt tấn công tại Brussels cũng như Paris cho thấy các lực lượng khủng bố đã “chiến thắng” các nhà nước châu Âu ở nhiều cấp độ.
Chúng áp đặt “luật chơi” khiến nhiều nước phải đối phó với nguy cơ khủng bố bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, gây tổn hại cho nền kinh tế khi buộc các quốc gia phải tăng cường lực lượng và chi phí để triển khai các biện pháp an ninh; cuối cùng là tiến hành các cuộc tấn công dã man, tàn bạo gây thương vong lớn cho người dân vô tội.
Đến thời điểm này, hầu như không ai nghi ngờ về mối nguy từ cuộc xung đột tại Syria đối với an ninh toàn cầu. Từ Raqqa, thành trì của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, khủng bố đang lan tỏa khắp mọi ngóc ngách. Nếu là trước đây, Mỹ và châu Âu có lẽ không đời nào tin vào sự tồn tại của IS, họ cũng sẽ không tin những kẻ khủng bố hoạt động gần một thành trì NATO (Thổ Nhĩ Kỳ) có thể khiến một thành phố châu Âu phải đóng cửa (như ngày hôm nay).
Sau khủng bố Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định liên minh chống IS đang giải quyết rốt ráo mối nguy này với hơn 20% diện tích lãnh thổ do IS kiểm soát đã được giành lại. Ông Obama cũng bày tỏ không muốn triển khai bộ binh đến Syria vì điều này có thể kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến Trung Đông khác.
Tuy nhiên đây cũng là một chính sách mang rủi ro cao. Phát biểu từ Havana sau khi Brussels bị tấn công, tổng thống Mỹ tuyên bố: “Chúng ta sẽ đánh bại những kẻ đe dọa đến an ninh và an toàn của người dân khắp thể giới” - nhưng điểm mấu chốt là ông Obama không nói được khi nào chiến thắng sẽ đến, “thời gian” ở đây là một yếu tố quan trọng. Về mặt chính trị và tâm lý, “hiệu ứng IS” đang tỏ ra có sức ảnh hưởng lớn, châu Âu và Mỹ đã nếm mùi. Một châu Âu đoàn kết, thành tựu vĩ đại của nửa sau thế kỷ 20, đang đứng bên bờ vực tan rã.
Hôm 24-3, IS lại vừa tung ra một video clip mới lên mạng xã hội kêu gọi các phần tử thánh chiến tấn công nhắm vào phương Tây...
Pháp phá được âm mưu khủng bố Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết trong một chiến dịch chống khủng bố, cảnh sát nước này đã bắt giữ một đối tượng ở Argenteuil, khu vực ngoại ô thủ đô Paris hôm 24-3. Công dân Pháp tên Reda Kriket đã bị bắt cùng thuốc nổ do tình nghi “dính líu tới một mạng lưới khủng bố” đang âm mưu tấn công trên lãnh thổ nước Pháp. Theo ông, chiến dịch bố ráp này đã cho phép lực lượng an ninh Pháp đập tan âm mưu tấn công khủng bố trên - vốn đang trong giai đoạn “chín muồi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận